Mấy ngày qua, “Những lời khen lạ” nhận hàng nghìn bình luận trái chiều. Bao lời lẽ nặng nhẹ dành cho câu khen “ấn tượng” “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”... Thực ra, sai lầm này là dễ mắc?. Nhà giáo Trần Trung Huy (Hải Dương) nêu quan điểm dưới đây.

Hai cách nhìn về giấy khen lạ

Có hai quan điểm thể hiện cho hai cách nhìn nhận hiện tượng “khen lạ” này.

Thứ nhất, tại Thông tư 30/2014 (TT30) của Bộ GD-ĐT. TT30 đã để quá rộng cửa cho người ta lạm dụng và khen ào ạt.

{keywords}

Giấy khen gây nhiều tranh luận đã được thu hồi

Thứ hai, tại tư duy của những người thực hiện. Theo tôi, tính đúng đắn hay không của TT30 là câu trả lời rất khó, chưa thể khẳng định ngay. Còn lời lẽ trong giấy khen học trò là do những người viết nó và kí vào nó.

Theo điều 16 TT30 và theo công văn số 39 ngày 6/1/2015 về hướng dẫn khen thưởng của Bộ GD - ĐT thì đúng là “nhiều cửa” khen. Thế nhưng “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt” thì không phải theo “tinh thần TT30”.

Trong TT30 và công. văn số 39 không có cụm từ “khen từng mặt”. Và nhất là, không có từ “danh hiệu” khi khen thưởng.

Vì sao vẫn dùng “Khen từng mặt”?

Trước khi có TT30, ngành giáo dục thực hiện việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 32 (TT32), ban hành từ năm 2009.

TT32 tồn tại và được sử dụng suốt 5 năm học. Không thể phủ nhận những ưu điểm của nó. Cái cơ bản về khen thưởng là TT 32 khen theo danh hiệu.

Khoản 2 điều 13 TT 32 quy định: “ Khen thưởng danh hiệu học sinh giỏi … Khen thưởng danh hiệu học sinh tiên tiến … Khen thưởng thành tích từng môn học, từng mặt cho các học sinh chưa đạt các danh hiệu …”.

5 năm học miệt mài với TT 32, các thầy cô chịu ảnh hưởng dẫn đến nhầm lẫn khi viết giấy khen cho học trò là điều dễ hiểu.

TT30 không khen theo danh hiệu và khen cụ thể, nhưng dễ dẫn đến “Vui cả làng!”

Một trong những khác biệt cơ bản của TT 30 so với TT 32 là không công nhận danh hiệu học sinh. (Để không so sánh học sinh này với học sinh khác.)

Khen thưởng theo TT30 cần cụ thể để có tính chất khích lệ học sinh. Công văn số 39 ngày 6/1/2015 viết: “Giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá ...

Ví dụ: Khen thưởng về các môn học: Hoàn thành tốt nội dung học tập các môn học; Hoàn thành tốt nội dung học tập môn Toán; Hoàn thành tốt nội dung học tập môn Khoa học và môn Âm nhạc; Có tiến bộ vượt bậc trong học tập môn Tiếng Việt; Có sáng tạo, say mê học tập môn Mỹ thuật;…; Khen thưởng về năng lực, phẩm chất : Có tiến bộ vượt bậc trong giao tiếp; Có thành tích nổi bật khi tham gia các hoạt động của lớp, trường; Có ý thức và trách nhiệm cao về tự phục vụ và tự quản; Luôn nhiệt tình giúp đỡ bạn trong học tập; …”

Đọc đi đọc lại Công văn 39/BGDĐT, tôi thấy một học sinh không rơi vào khen này thì “sa” vào khen khác. Và dẫn đến, giấy khen để “vui cả làng” là điều có thật.

***

Giấy khen là vấn đề nhạy cảm suốt hai năm nay. Cô giáo nào cũng muốn khen nhiều học sinh. Cha mẹ nào có con đi học mà chẳng mong giấy khen.

Giấy khen là một mảng đáng bàn trong bức tranh giáo dục nước nhà. Loạn giấy khen vì nhiều lẽ, nhưng trước hết, mong bạn đọc đừng trách nhiều hiệu trưởng và giáo viên. Những người thực hiện TT30 lúc ấy như đứng giữa mê hồn trận. Chỉ sơ sẩy “bút sa” mà...

Thôi thì, lại hi vọng, giấy khen năm sau sẽ Chuẩn!

Trần Trung Huy – (Trường Tiểu học Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương)

Hiệu trưởng than thở về thông tư 30 với tân Bộ trưởng

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng giáo dục tiểu học phải đi theo mô hình đánh giá như Thông tư 30, nhưng phải có cách bước đi để tránh duy ý chí.