- Gần 60 năm trước, khi là học trò trường Petrus Ký (nay là Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM), bác Nguyễn Văn Lũy không nghĩ rằng có ngày mình sẽ lại gắn bó với ngôi trường này theo một cách rất khác biệt.

“Thời đó, chúng tôi không uýnh lộn nhau nhưng rất nghịch. Chúng tôi lò mò khắp trường, trèo tường, bắt chim...

Mà chúng tôi cũng chưa biết chào bảo vệ như các em bây giờ đâu. Các em học sinh trường này bây giờ rất ngoan ngoãn và có điều kiện hơn chúng tôi ngày đó rất nhiều” – bác Lũy cười vui vẻ khi nhắc tới câu chuyện “chào học sinh” buổi sáng của mình đang rất nổi tiếng.

“Học sinh trường này rất ngoan”

Hàng ngày, "ông già" 72 tuổi đạp xe rời nhà lúc hơn 5h sáng, tới Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong lúc 5 rưỡi, hay muộn nhất là 6h sáng. Tới 7h, khi cổng trường đã đóng lại cho ngày học mới, bác Lũy lại đạp xe sang Trường Trung học Thực hành Sài Gòn tiếp tục công việc.

“Tôi làm ở đây được 3 năm và ở Trường Trung học thực hành Sài Gòn đã 11 năm. Ngoài ra, tôi phụ trách trật tự của địa bàn này. Trước đây, nhiều thành phần trà trộn vào phụ huynh và học sinh ở trước cổng, và lẻn vào trong trường trộm cắp. Vì vậy, tôi phải đến trường sớm để đuổi các đối tượng này đi và giữ trật tự trong thời điểm học sinh tới lớp" - bác Lũy giải thích lý do đến sớm và đứng ở cổng trường của mình. 

{keywords}
Bác Nguyễn Văn Lũy, bảo vệ Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong

Sau đoạn clip học sinh chào bác bảo vệ mỗi sáng tới trường được đưa lên mạng xã hội, đâm ra lại có nhiều người chú ý đến hành động nhỏ này hàng ngày của chính con em minh.

Một phụ huynh thả con gái trước cổng trường, nán lại nhìn theo con, cười cười nói với chúng tôi “Con biết làm hành động này, dù nhỏ nhưng là điều hay. Mà các chị nhìn kìa, mỗi sáng cúi hàng trăm lần, bác ý cứ chào thế chắc mỏi cổ lắm”.

Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong có hơn 2.000 học sinh của cả ba khối lớp. Bác Lũy bảo không chỉ có lúc đến trường các em mới chào, mà cả khi đi học về, gặp bác các em lại chào lần nữa.

{keywords}

Đem câu hỏi “có mỏi cổ không?” tới bác Lũy, bác vui vẻ bảo “Không mỏi đâu, tôi rất vui vì điều này. Thấy các em ngoan ngoãn tôi rất thương. Tôi chào lại các em vì tôi muốn cảm ơn các em đã tôn trọng tôi”.

Theo bác Lũy, công việc nho nhỏ này đem lại niềm vui mỗi ngày. “Việc của tôi chỉ đứng ở cổng, tôi không biết trong trường dạy ra sao, nhưng khi gặp tôi các em chào hỏi rất đàng hoàng. Hồi tôi mới làm chỉ có một số em chào, nhưng sau thì hầu như tất cả học sinh đều chào”.

"Dù tôi chỉ là bảo vệ nhưng các em cũng chào tôi. Gặp tôi ở đâu các em cũng chào, dù là lúc ăn uống hay đi chơi, hay đi với ba mẹ. Và tôi được biết là không chỉ chào có tôi đâu, mà khi gặp tất cả thầy cô, người làm việc trong trường các em đều chào như vậy”.

{keywords}
Hằng ngày học sinh của trường đều cúi chào bác Lũy

Bác Lũy kể có phụ huynh quý mến khi tặng hộp bánh, khi biếu gói trà, có khi được học sinh biếu hộp sữa đậu nành “cứ dúi vào tay tôi bắt uống”…

“Tôi nghĩ học sinh ngoan do gia đình dạy dỗ, nhưng một phần cũng nhờ nhà trường. Vì ở các trường khác tôi đã làm qua, học sinh không được như vậy…” – bác Lũy nhận xét.

Bắt cướp là cái nghiệp

Dáng người nhỏ bé, gương mặt hồn hậu, khó có ai ngờ rằng bác Lũy lại là hiệp sỹ đường phố nổi danh một thời.

Lấy trong túi áo ra một cuốn sổ nhỏ, lật đi lật lại tìm kiếm, bác giở ra mảnh giấy cũ photo một bài báo, tự hào kể: "Đây là bài viết trên báo về việc tôi bắt cướp nhé. Có một phụ huynh thấy thì nhớ ra đã từng đọc bài viết về tôi nên đem photo tờ báo ra tặng làm kỷ niệm".

{keywords}
Bác Lũy kể lại những ngày đi bắt cướp

Một đoạn trích của bài báo "Anh xích lô dũng cảm bắt cướp" của nhà báo Lê Anh Vũ như sau: "Không kể những lần bắt trộm cắp vặt trước đây, ông Nguyễn Văn Lũy - một người đạp xích lô nhỏ thó, nhanh nhẹn đã 4 lần bắt cướp trả lại tài sản cho người bị hại. Ông Lũy nói: "Tôi rất ghét bọn trộm cướp. Chạy xích lô ngoài đường hàng ngày tôi chứng kiến nhiều vụ cướp giật. Tôi có đứa cháu bị chúng đập đầu rồi cướp xe. Mất của ai không xót nhưng nhiều khi lại mang thương tật suốt đời... Ông Lũy vừa được Đảng ủy, UBND, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc quận 5 biểu dương tại hội nghị "Người tốt việc tốt".

Bác Lũy “khoe” đã có hẳn 21 bằng khen được tặng vì thành tích tham gia bảo vệ trật tự đường phố, trong đó có cả bằng khen do Chủ tịch nước ký tặng.

Vì giúp người bị nạn, có lần bác bị gãy cả tay. Ngay trước cổng trường, trước đây cũng có nhiều kẻ xấu vào để giật đồ của học sinh.

“Khu vực này trước đây cướp giật trà trộn rất nhiều. Mấy đứa nhỏ đi học sơ ý một xíu là có thể trở thành nạn nhân của chúng ngay. Vì thế, vào đầu giờ học, lúc học sinh vào trường đông, tôi phải đứng trông coi để quản lý trật tự và xử lý khi có người bị cướp giật. Tôi cũng bắt được bọn trộm mấy lần ở đây. Bây giờ thì hết rồi nhưng mình vẫn phải cảnh giác” – bác kể.

“Các anh công an cứ bảo thôi đừng bắt cướp bắt trộm nữa, già rồi nó lại đánh cho thì khổ. Nhưng tôi sợ gì, trông tôi thế này thôi nhưng tôi chẳng sợ ai hết. Tôi ghét bọn trộm cắp cướp giật lắm nên còn thấy là tôi còn bắt, cũng chẳng sợ bị trả thù đâu…” – bác Lũy nói chắc nịch.  

{keywords}

Đi làm từ 5h sáng cho tới 5h chiều mới về nghỉ, bác Lũy nhẩm tính khoản thu nhập hiện có là “Trường Chuyên THPT Lê Hồng Phong trả cho tôi 800.000/tháng, Trường Trung học Thực hành Sài Gòn 300.000/tháng. Ngoài ra mỗi tháng tôi được 1,6 triệu đồng tiền bảo vệ khu phố. Số tiền này cũng đủ để vợ chồng tôi thuê nhà…”.

"Con cháu cũng bảo tôi già rồi nghỉ thôi, cả ngày ngoài đường chịu sao nổi, nhưng tôi phải đi làm thế này mới thấy khỏe nha. Chỉ có chủ nhật ở nhà thôi mà tới thứ hai đi làm tôi đã thấy hơi uể oải, nên nếu cứ ở nhà vài hôm chắc  bệnh liền cho coi" - bác Lũy cười tươi khi nói về công việc…

Trước khi rời cổng Trường Chuyên THPT Lê Hồng Phong để sang công việc nơi khác, bác Lũy nói thêm “Mong rằng học sinh trường khác cũng như trường này, vì tôi nghĩ đây là nếp sống đẹp mà các em nên noi theo. Tất nhiên tôi không nói vậy vì được chào, mà vì nhìn nhận khách quan tôi thấy các em đã có nề nếp, tính cách tốt đẹp qua hành động dường như là rất nhỏ như thế…”.

Phương Chi – Lê Huyền