Chương trình không chỉ thu hút đông đảo người dân tham gia mà còn thay đổi thói quen vứt rác thải nguy hại của người dân vùng nông thôn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.


Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Mỹ, chương trình được tổ chức mỗi năm một lần, mỗi lần thu gom trong vòng 3 ngày ở các xã trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi năm khoảng 7 - 8 tấn rác thải nguy hại được người dân mang đến đổi hơn 6.000 cuốn vở cho học sinh. Sau 5 năm thực hiện, huyện đã thu gom được hơn 40 tấn rác thải nguy hại từ người dân tham gia chương trình này.

{keywords}
Người dân đổi rác thải nguy hại lấy sách vở

Chương trình thực hiện với mục tiêu nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen vứt rác thải ra môi trường; đồng thời, tận dụng những rác thải bỏ đi, quy đổi ra sách vở cho học sinh học tập. Rác thải sẽ được quy đổi theo từng loại. Ví dụ: Một cuốn vở đổi lấy 3 cục pin đèn loại lớn hoặc 10 cục pin loại nhỏ; bóng đèn dài 1,2 mét  sẽ đổi được 1 cuốn vở...

Ông Phan Hoàng Anh, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ cho biết: Trước đây, những vỏ chai thuốc sâu, bóng đèn, pin cục... sau khi dùng xong, ông thường gom chung với rác thải hằng ngày để gom cho xe rác hoặc vứt thẳng ra môi trường. “Bây giờ, những loại rác thải nguy hại tôi gom vào một chỗ, chờ thông báo của chính quyền địa phương là tôi mang đi đổi. Đổi rác vừa có quà vừa có lợi cho mình lại vừa bảo vệ môi trường nên tôi đã tự tập cho mình thói quen phân loại rác trước khi đem đi bỏ”, ông Phan Hoàng Anh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, nhân viên thu gom rác thải, từ khi Chương trình Đổi rác thải nguy hại lấy sách vở được triển khai, bà con hưởng ứng rất tích cực. Những thói quen vứt bỏ vỏ chai hoặc các chất thải bừa bãi giảm đáng kể, thay vào đó là những bao, thùng chứa chất thải được phân loại để gọn gàng.

{keywords}
Người dân đem rác thải nguy hại đã được phân loại đến để đổi sách vở

Đặc biệt, huyện Cẩm Mỹ là địa phương thuần nông, có nhiều trang trại chăn nuôi, nhiều khu trồng trọt chuyên canh nên lượng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật được tiêu thụ nhiều, dẫn đến số lượng vỏ chai, bao bì thải ra môi trường nhiều. Do đó, đây là một trong những cách làm rất hiệu quả khiến người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Theo nhận định của nhiều người dân, tuy giá trị của những phần “quà” đổi được không lớn, nhưng ý nghĩa của chương trình rất đáng quý, bởi nó đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc phân loại rác thải, bảo vệ môi trường. Từ đó, giúp người dân được sống trong môi trường ngày càng trong lành khi các chất thải nguy hại đã được thu gom và tập trung về đúng nơi quy định để xử lý.

Bà Nguyễn Thị Xuân Viên, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Mỹ, Chương trình Đổi rác thải nguy hại lấy sách vở được thực hiện hằng năm, mỗi năm một lần. Tất cả rác thải thu gom được từ người dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã phối hợp với các công ty, đơn vị môi trường, xử lý rác thải trên địa bàn huyện xử lý theo đúng quy trình.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Viên, Chương trình này diễn ra sau một thời gian dài đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người dân. Chương trình không chỉ giúp người dân nhận biết được đâu là rác thải nguy hại và những tác hại của nó nếu không được xử lý mà vứt ra môi trường; đồng thời, còn làm thay đổi thói quen vứt rác, phân loại rác thải góp phần bảo vệ môi trường sống của chính mình.

Theo TTXVN

Hà Nội khuyến khích khai giảng không xả rác

Hà Nội khuyến khích khai giảng không xả rác

- Đó là một trong những nội dung được Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các trường trên địa bàn triển khai hoạt động đầu năm học 2019-2020.