Bước lên bục dũng khí của chương trình “Thiếu Niên Nói 2021”, Nguyễn Võ Anh Tuấn (học sinh lớp 12A18, Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM) đã thẳng thắn đưa ra quan điểm về việc “học và chơi”.

Anh Tuấn cho rằng, chữ “học” không chỉ gói gọn trong nhà trường. Học là quá trình tích lũy cả đời. Bản thân Tuấn cũng không cho phép mình vui chơi quá mức. Nếu thanh xuân của bạn bè ở thang 9, nam sinh chỉ cần ở mức 4, phần còn lại là dành cho sự nghiệp.

“Em chấp nhận đánh đổi thanh xuân để củng cố chất lượng cuộc sống và gia đình. Nếu làm được những điều đó, em mới nghĩ đến việc hưởng thụ”, Anh Tuấn nói.

{keywords}

Nguyễn Võ Anh Tuấn (học sinh lớp 12A18, Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM) - Ảnh: Thiếu Niên Nói

Tuấn cho biết, bản thân cậu từng chứng kiến những xung đột ngay trong gia đình của mình chỉ vì những vấn đề liên quan đến tiền bạc.

“Ví dụ như mẹ em là một người khá nhạy cảm. Vì thế, có những lúc mẹ rất hay suy nghĩ vì tiền không đủ để khiến gia đình mình trở nên tốt hơn. Còn với em, những lúc đi mua sắm, em luôn suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều về việc nên mua thứ gì. Vì thế, em đang từng ngày nỗ lực, phấn đấu cho tương lai để bản thân và gia đình có một cuộc sống tốt đẹp hơn”, Anh Tuấn tâm sự.

Cậu cũng cho rằng, tuổi trẻ là quãng thời gian tốt nhất để học tập. Bởi lẽ, khi qua giai đoạn này và bước vào cuộc đời với câu chuyện cơm áo gạo tiền, khi ấy sẽ không còn đủ sự tập trung và thời gian cho việc học nữa.

“Cho nên, mục tiêu hiện tại của em chính là vào đại học. Đại học chính là nền tảng vững chắc để thúc đẩy cũng như đưa mình lên đỉnh vinh quang mà mình mong muốn”, Anh Tuấn nói và cho biết, thần tượng của cậu là tỷ phú Phạm Nhật Vượng và ca sĩ Sơn Tùng M-TP.

Đây cũng là hai nhân vật cho Anh Tuấn những bài học quý giá để thay đổi tư duy về tương lai và con đường mình đã chọn.

“Ở Sơn Tùng MTP, em thấy được lòng nhiệt huyết và đam mê tuổi trẻ của nam ca sĩ. Nhờ đó, em hiểu rằng, tuổi trẻ cần trau dồi nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn. Việc hưởng thụ quá sớm sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Còn ở tỷ phú Phạm Nhật Vượng, em thấy được sự khao khát làm đẹp cho đời.

Từ 2 con người này, em tự rút ra cho mình một bài học, mỗi người là một phiên bản “độc nhất vô nhị”. Thứ chúng ta cần là phải học hỏi, tiếp thu tinh thần và tư duy của những người đi trước, tích lũy những bài học đó và chuyển hóa chúng thành “vũ khí cần thiết” để đạt được phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân”, Anh Tuấn bộc bạch.

{keywords}

Huỳnh Gia Bảo (học sinh lớp 12A18, Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM) chia sẻ quan điểm của mình - Ảnh: Thiếu Niên Nói.

Trước quan điểm của Anh Tuấn, bạn cùng lớp Huỳnh Gia Bảo lại cho rằng: “Không thể nào cứ ‘cắm đầu’ vào học mãi được. Nếu học quá nhiều mà không có những kỹ năng mềm hay kỹ năng giao tiếp thì khi ra đời sẽ rất thiệt thòi”, 10X khẳng định.

Nam sinh cho biết, bản thân không muốn học đại học vì cảm thấy đây là môi trường không phù hợp với mình.

“Ngoài đại học, chúng ta cũng có thể đi bằng rất nhiều con đường khác để tiến đến thành công”, Gia Bảo nói. 10X cũng bày tỏ mong muốn được làm những điều mình thích khi còn trẻ để khi về già sẽ phải không tiếc nuối vì đã bỏ lỡ thanh xuân.

Cũng theo Gia Bảo, đồng tiền rất quan trọng nhưng tiền không phải là tất cả. “Nếu chỉ chăm chăm kiếm tiền mà khi trở về nhà, bản thân không cảm thấy vui vẻ và không đảm bảo được sức khỏe thì đồng tiền suy cho cùng cũng chẳng giúp ta được điều gì. Như vậy, tiền nhiều để làm gì?”, Gia Bảo thẳng thắn.

{keywords}

Nam diễn viên hài Xuân Nghị cũng chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình - Ảnh: Thiếu Niên Nói.

Trước cuộc tranh luận gay gắt của hai nam sinh, nam diễn viên hài Xuân Nghị cũng chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình. Anh cho biết, ngay từ khi còn bé đã bị mẹ so sánh với một người chị họ với câu nói kinh điển “Thấy con nhà người ta chưa”. Điều đó khiến nam diễn viên vô cùng ám ảnh.

Anh kể, thời học sinh cũng từng “hoành tráng” không kém các bạn học sinh bây giờ. Anh khi đó cũng vui chơi, tham gia các hoạt động, phong trào... Những điều này đã giúp nam diễn viên học được nhiều kỹ năng để phục vụ cho cuộc sống hiện tại.

Bên cạnh đó, anh cũng kể mình từng 2 lần thi trượt Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh bởi ngoại hình không bắt mắt, mặc dù trước đó đã tập diễn xuất từ suốt những năm cấp 2. Nhưng nhờ sự kiên trì rèn luyện và theo đuổi đam mê, nam diễn viên hài đã theo đuổi nghề tới tận bây giờ.

Do đó, Xuân Nghị cho rằng, việc học và chơi cần phải được dung hòa với nhau. Thậm chí, trong lúc chơi, bản thân cũng có thể học được rất nhiều điều.

“Hiện tại, mình ăn nói lưu loát hơn, bắt nhịp cảm xúc tốt hơn,… Đó cũng là những thứ mình đã học được trong lúc chơi và giao tiếp với mọi người”, diễn viên Xuân Nghị nói.

Thời Vũ

Học sinh Bắc Ninh học hát quan họ trong trường để yêu quê hương đất nước

Học sinh Bắc Ninh học hát quan họ trong trường để yêu quê hương đất nước

Không phải đợi đến mùa lễ hội đầu năm mới được nghe các liền anh, liền chị hát câu giao duyên, về Bắc Ninh dịp nào, bạn cũng có thể nghe làn điệu dân ca quan họ từ những tiết học hát, các CLB quan họ, ở mọi trường học…