“Dọn rác trong nhà – đó có lẽ là việc của mẹ. Vứt ra ra đường – đó có lẽ là việc của cô giúp việc. Còn dọn rác ở mọi nơi trên đường phố - đó là việc của nhân viên môi trường...”.

1. Hơn 30 năm trước, trong câu chuyện của mình, mẹ tôi hay hỏi: Bao giờ Việt Nam sẽ giàu như nước người? Anh tôi bảo: Chuyện giàu chưa biết chứ chuyện đổ rác thì phải nói ngay. Rồi anh chỉ đống rác ngay gần nhà. Nó lù lù một đống, nồng nặc hôi tanh, vo ve ruồi nhặng, nước ri rỉ chảy thâm đen một góc đường... Mẹ tôi phân bua: Không phải nhà mình con ạ! 

{keywords}

Một thành phố đông dân cư nhưng không thấy bóng "một cái rác" nào mà tôi đã đi qua (Ảnh: NVCC)

Sau 1 tháng nỗ lực dọn dẹp, đống rác trước nhà tôi như... càng to hơn. Mẹ bảo, các con càng làm, người ta càng tưởng các con trêu ngươi. Thôi dừng con ạ. Thế là chúng tôi thôi, không dọn nữa. Đó chắc phải là việc của “chị lao công đêm đông quét rác” rồi. 

2. Đem chuyện ấy kể cho người bạn hiệu trưởng một trường tiểu học. Bạn bảo, thay đổi thói quen của người lớn rất khó nên bạn sẽ bắt đầu từ trẻ con. Nhưng muốn thay đổi bất cứ nội dung gì, ngay trong những lớp học mà bạn làm hiệu trưởng, cũng phải có ý kiến của lãnh đạo. 

Không muốn mang tiếng chơi trội và có ý chiếm ghế của cấp trên, bạn đành thôi, không làm nữa. Bạn âm thầm về tự dạy con

3. Bao nhiêu năm sau, bây giờ, Việt Nam có vẻ đã giàu hơn. Đường phố nhiều xe hơi, có những chiếc hàng tỉ đồng. Thi thoảng, trên những chiếc xe ấy sẽ bất ngờ có một cánh cửa kéo thật nhanh, ném vèo một nắm rác xinh xinh lẫn lộn vỏ quýt, lon sữa, giấy ăn... xuống đường phố, bỏ lại sau lưng đám đông đi đường với khuôn mặt mà tôi đoán là ngơ ngác lắm, dù đã bịt kín như ninja. 

4. Tôi có chút may mắn đặt chân đến một số quốc gia, giàu nghèo có cả. Đi đến đâu, tôi cũng thường nghĩ đến câu hỏi của mẹ 30 năm trước. Nhưng chưa có nơi nào mà cái trải nghiệm rác lại dễ làm tôi bồi hồi, luống cuống giống như ở Việt Nam.  

Ở Mỹ, khoảng từ 10 năm nay, các cửa hàng, siêu thị đã không còn phát túi cho khách hàng. Ai không mang theo thì phải mua túi đựng với giá đắt. Chính sách bảo vệ môi trường buộc các nhà sản xuất hàng hóa phải lựa chọn chất liệu bao bì vừa an toàn cho thực phẩm, vừa dễ phân hủy hoặc có thể tái chế. Ngoài ra, trên bao bì phải ghi rõ nó thuộc loại hữu cơ hay loại recycle (tái chế) để người dân dễ dàng phân loại. 

Tương tự, ở những nước khác như Czech, Bungaria, Rumania, Hungaria, Thổ Nhĩ Kỳ, việc phân loại rác sẽ bắt đầu từ căn bếp của mỗi gia đình.

{keywords}

"Tôi vẫn còn nhiều hy vọng lắm về một thành phố sạch rác"

Cọng rau, thức ăn thừa, giấy vệ sinh... được bỏ vào thùng xanh dương – màu dành cho rác hữu cơ có khả năng phân hủy. Chai lọ, vỏ đồ hộp sẽ được làm sạch và để riêng; Bìa cacton, giấy báo, tạp chí, hộp nhựa, kim khí... những thứ có thể tái chế - sẽ được bỏ vào thùng xanh lá. Gia đình nào đem rác tái chế ra trung tâm recycle sẽ được đổi thành phiếu mua thực phẩm, trị giá bằng 50% giá của những món đồ ấy... 

Thực ra những việc trên, khi nghèo, chúng ta cũng từng làm được. Ai chẳng nhớ những chị em gánh đồng nát lục xục mọi ngóc ngách phố phường trước đây. Chỉ khác là, nếu ngày xưa các chị đi thu mua thì ngõ xóm có cơ hội gọn gàng, chứ ngày nay nếu các chị xông vào đống rác để bới thì chỉ ít phút sau, cả góc phố sẽ tanh bành ngập ngụa. 

Gia đình nào ý tứ gói kín cơm thừa canh cặn, băng vệ sinh, bỉm sữa vào những túi riêng rất dễ bị các chị làm cho bẽ mặt. Cả phố sẽ biết ngay nhà ấy đã ăn gì, con ị nát hay khô nhờ nỗ lực" tái chế rác" nhiệt tình của các chị.        

5. Nói vậy thôi, tôi vẫn còn nhiều hy vọng lắm - hy vọng vào thế hệ trẻ lớn lên từ những mái trường như trường tiểu học 30 năm trước đây của bạn tôi. Nếu ngày ấy các cháu chưa có cơ hội được dạy dỗ chu đáo thì nay, sau khi du học từ những nước giàu về, các cháu có thể thay đổi. 

Tôi từng chứng kiến những cô bé cậu bé da trắng hồng, thơm mùi bơ sữa, chững chạc đứng thuyết trình thật hay về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, về thành phố xanh - sạch - đẹp - thông minh, về giá trị nhân văn của chiến dịch “Tắt đèn - Bật tương lai”... Nhưng khi kết thúc, các cháu sẽ để nguyên chai nước mình vừa uống trên bàn lại cho các cô lao công để trở về với mẹ - người sẽ nấu cho các cháu ăn và sau đó sẽ vứt vỏ chuối mà các cháu để lại trên bàn cho kịp giờ đến những cuộc họp quan trọng khác.

Tôi nghĩ các cháu vội đi cũng sẽ hợp lý thôi, nếu như hôm đó các cháu bàn về chủ đề “Rác cần một chiến lược cấp... Chính phủ”. Chỉ có điều, trong trang đầu tiên của bản chiến lược nên có dòng chữ đơn giản này: Mỗi công dân, hãy nhặt rác, trước tiên, ngay ở dưới chân mình!    

Theo Trần Thị Trường/ Tạp chí Khám phá