Trẻ em cũng có thể "tố cáo" chính các bậc cha mẹ nếu đăng hình ảnh riêng tư lên mạng mà không hỏi ý kiến của trẻ, Cục Trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em chia sẻ với Góc nhìn thẳng.

Xem thêm các đối thoại khác tại chuyên mục Góc nhìn thẳng

Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh thường đăng tải ảnh con em mình lên Facebook như một sở thích, mà không cần biết các em có đồng tình với việc làm này hay không. Theo các nhà làm luật, hành vi này sẽ là hành vi vi phạm pháp luật kể từ ngày 1/6 tới, khi Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực, nếu như việc tưởng bình thường đơn giản này chưa được sự đồng ý của chính các em.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động thương binh và xã hội để làm rõ thêm về vấn đề này.

Xin mời theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, vừa qua, khi Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua, nhiều ý kiến cho rằng, nếu đăng tải hình ảnh trẻ em trên mạng facebook mà không được sự đồng ý của trẻ thì sẽ là phạm pháp. Xin ông giải thích rõ về điều này ?

Ông Đặng Hoa Nam: Vâng, những ý kiến vừa qua được trao đổi trên các phương tiện truyền thông, trong đó có một số trang báo điện tử, liên quan đến một quy định về quyền của trẻ em trong Luật Trẻ em 2016 vừa được Quốc hội thông qua. Đó là quyền bí mật về đời sống riêng tư của trẻ em. Quyền này đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013. Trẻ em cũng là một con người, một công dân thì các em cũng có những quyền này.

Tuy nhiên, chúng tôi phải giải thích ngay rằng, không phải tất cả mọi hành vi đưa hình ảnh con em mình lên các trang thông tin cá nhân, trang mạng xã hội đều là vi phạm pháp luật. Chúng ta phải nói đến việc, nếu như những hành vi này vi phạm các quy định của pháp luật như Luật Dân sự, Luật Trẻ em về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin ông nói rõ hơn, chúng ta hiểu thế nào về quyền riêng tư, bí mật của trẻ em?

Ông Đặng Hoa Nam: Ví dụ không nên đăng tải hình ảnh trẻ em ở trạng thái không mặc quần áo, hoặc những thông tin cá nhân quá riêng tư của trẻ em. Thậm chí, tôi ví dụ như những khiếm khuyết của trẻ thì không nên đưa lên.

{keywords}

Bởi vì ngoài việc quy định của pháp luật về quyền bí mật riêng tư, quyền cá nhân đối với hình ảnh của mình, chúng ta phải tính tới các nguy cơ trẻ em bị lợi dụng, bị xâm hại. Các kẻ xâm hại trẻ em sẵn sàng dùng những thông tin, hình ảnh đó vào những mục đích không đúng với mục đích ban đầu của những bậc cha mẹ.

Nhà báo Phạm Huyền: Theo ông, nếu như hình ảnh của trẻ em được các bậc phụ huynh đăng tải tràn lan trên mạng xã hội hiện nay thì nguy cơ nào có thể xảy ra với chính con em mình?

Ông Đặng Hoa Nam: Có nhiều ví dụ trên thực tế, ở Việt Nam hay các quốc gia khác, hình ảnh trẻ em bị lợi dụng cho các mục đích khác nhau. Những thông tin thật của trẻ em như địa chỉ, số điện thoại, trường, lớp học sẽ tạo điều kiện cho những kẻ lợi dụng trẻ em bắt quen, làm quen với các em trên mạng. Họ sẽ tổ chức chát với các em trên mạng, qua đó, có hành vi lợi dụng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục và bắt cóc trẻ em.

Nhà báo Phạm Huyền: Như vậy, không phải bất cứ hành vi đăng tải hình ảnh trẻ em nào cũng là phạm pháp. Theo tôi hiểu, những ông bố bà mẹ khoe bài văn, những tâm sự của con, hay những bức ảnh đi chơi thì có lẽ không phải là phạm pháp?

Ông Đặng Hoa Nam: Chúng ta phải cân nhắc ở 2 góc độ, một là những thông tin hình ảnh đó có đi quá sâu vào chi tiết những tình cảm, cảm xúc riêng của trẻ em, thứ hai là có phục vụ cho lợi ích, vì sự phát triển của trẻ em hay không?

Bởi có những thông tin mà trẻ em không muốn tiết lộ thì bố mẹ lại vô tình đưa lên. Có những bài văn, các em chỉ muốn chia sẻ ở trường học, nhưng khi bố mẹ đưa lên mạng xã hội, có hàng trăm, hàng chục nghìn người cùng xem và cùng bình luận thì nó lại sang một câu chuyện khác.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin ông cho biết, tại sao khi các ông soạn thảo Luật Trẻ em, lại xác định mốc 7 tuổi để quy định về việc tự bảo đảm quyền riêng tư của mình, tức trên 7 tuổi, bố mẹ sẽ phải hỏi ý kiến, còn dưới 7 tuổi thì không cần?

Ông Đặng Hoa Nam: Quy định này của Luật dựa trên nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em theo độ tuổi. Từ 7 tuổi trở lên, các em đã bắt đầu có ý thức về những hành vi và những mối quan hệ xã hội của mình.

Trong Luật Trẻ em lần này, cũng có những quy định rõ về quyền được tham gia ý kiến vào các vấn đề liên quan đến trẻ em của trẻ em khi 7 tuổi. Những quyết định trong gia đình, nhà trường, thậm chí những quyết định của cơ quan Nhà nước khi ra các chính sách pháp luật đều phải tham khảo ý kiến của trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 7 tuổi trở lên. Những ý kiến này căn cứ vào độ tuổi và quá trình phát triển của trẻ em. Câu chuyện này tương đối phức tạp, nó dựa trên kết quả thành tựu khoa học cũng như các quy định pháp luật đã có tiền lệ từ trước đến nay.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, ở Việt Nam, theo Luật Trẻ em vừa được ban hành, trẻ em có quyền kiện người lớn, thậm chí kiện bố mẹ mình nếu đăng tải hình ảnh riêng tư mà không hỏi ý kiến mình hay không? Việc này sẽ được xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?

Ông Đặng Hoa Nam: Có thể nói, câu "trẻ em có quyền kiện người lớn hay không" có vẻ còn xa lạ đối với chúng ta đúng không? Bởi trong các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, không ghi cụ thể trẻ em có quyền kiện, khiếu nại nếu các hành vi đó tổn hại cho mình.

Tuy nhiên, trong Luật lần này, đã có cơ chế để trẻ em có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, gửi thông tin mà các em cho rằng bất lợi đối với các em.

Có 2 biện pháp, thứ nhất, các em có thể cung cấp các thông tin về các hành vi gây bất lợi cho mình, kể cả là của bố mẹ đến một tổ chức mà Luật quy định, đó là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Thứ hai là các em có thể gọi điện đến Tổng đài quốc gia về trẻ em 18001567. Đây là điện thoại tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động Thương binh và xã hội đang vận hành.

Ngay lập tức, chúng tôi sẽ có những biện pháp kết nối với các cơ quan chức năng, hỗ trợ các em giải quyết các vướng mắc của các em, nếu nhận thấy đây là các hành vi có nguy cơ vi phạm pháp luật về hành chính, hình sự, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại bảo vệ các em tốt nhất và đưa các hành vi gây tổn hại các em ra trước pháp luật.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông rất nhiều!

VietNamNet