Có một điều khá “kỳ lạ” là bây giờ dường như chả mấy phụ huynh sợ con trượt đại học.

Sau khi con đã vào điểm thi tại Trường THCS Âu Lạc (Quận Tân Bình), chị Mai Hoa dựng xe máy trên vỉa hè. Nhà tận Thủ Đức, chị là một trong số ít phụ huynh nán lại chờ con cho tới hết buổi thi.

{keywords}
Đưa con đi thi (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Vừa loay hoay lôi điện thoại ra xem giờ, chị Hoa vừa bảo môn Toán là môn con chị yếu nhất, mấy môn Văn, Sử, Địa thì khá hơn.

“Thực ra, con tôi chỉ học hành làng nhàng. Nó cũng đi học thêm học nếm chỗ này chỗ khác, nhưng tôi vẫn không yên tâm lắm”.

“Chê” con như vậy, nhưng chị Hoa cho biết mục tiêu của cả nhà là con chị sẽ vào đại học.

“Cháu là con cả, dưới còn hai em, bố mẹ là dân lao động thôi nhưng chúng tôi cũng muốn cháu vào được đại học là tốt nhất. Cháu cũng muốn học đại học, bảo là học để làm việc khác chứ không muốn buôn bán ngoài đường ngoài chợ cả ngày như bố mẹ”.

Hỏi rằng con chị học bình thường thế không sợ trượt đại học à, chị nhún vai “Nếu có trượt thì trượt luôn tốt nghiệp ý, chứ đã đỗ đượt tốt nghiệp lo gì không đỗ đại học. Tôi nghe cháu bảo vào đại học bây giờ dễ lắm, không đỗ trường công thì học trường tư, chỉ cần ba mẹ lo cho học phí”.

Gương mặt xạm đen vì nắng, anh Nguyễn Văn Long góp chuyện “Tôi chỉ chạy xe ôm thôi, nhưng vì con đi thi nên cũng đọc báo nhiều, thấy đỗ đại học bây giờ không khó. Thằng con tôi nó học chủ yếu các môn khối A, nó thích mấy ngành công nghệ thông tin, nhưng vì đằng nào cũng phải thi cả Văn cả Tiếng Anh nên chúng tôi đã tính là nếu điểm thi mấy môn đó mà ổn thì sẽ tìm cả trường khối D để xin xét tuyển nữa”.

“Đọc báo thấy người tốt nghiệp đại học thất nghiệp đầy ra đấy, nhưng con thích học đại học thì tôi vẫn cho đi. Nuôi nó gần hai mươi năm trời thì nuôi thêm 4 năm đại học cho thỏa lòng nó cũng được, mình làm bố mẹ cũng khỏi phải ân hận” – anh Long chép miệng. “Đời mình không được học hành nhiều, bây giờ sẽ cho con làm hết những điều nó muốn. Nếu học không được thì sẽ kiếm nghề cho làm sau”.

Chờ con tại điểm thi Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (Quận 1) chị Nguyễn Thị Hòa khăng khăng “Kì thi này chỉ là sự tập dợt, tất cả học sinh chúng nó đều có thể đỗ đại học”.

Theo chị Hòa thất nghiệp đang là xu thế.  Nếu không phải là con “các cô các chú” thì phải là những em thật giỏi, hoặc thật nỗ lực mới có chỗ làm.

{keywords}
Ảnh Đinh Quang Tuấn

“Nhà tôi có 3 đứa cháu, đều học xây dựng, kinh tế nhưng ra trường đi làm tiếp thị. Có đứa học ngoại thương nhưng lại đi bán hàng cho cửa hàng nội thất, rồi mở cửa hàng cà phê rang xay nhưng không ăn thua”.

Chị Hòa cho rằng, nếu may mắn sinh viên ra trường mới có việc làm đúng nghĩa, còn không đều đi trái ngành trái nghề. “Nhưng thà làm trái nghề mà còn học đại học còn hơn là ở nhà hay đi xuất khẩu lao động” - chị Hòa quả quyết.

Trong kì thi này, con gái chị Hòa đăng kí thi 7 môn. “Ngoài 4 môn bắt buộc, tôi dặn cháu đăng kí thí thêm mấy môn nữa, tổ hợp điểm nào cao hơn thì lựa chọn tổ hợp đó nộp xét tuyển. Trước mắt cứ vào đại học đã, sau đó tính sau” .

Anh Trần Huy Thông thì cho biết với học lực của con anh việc đỗ vào trường đại học là chắc chắn, vấn đề chọn học trường nào.

“Tôi thấy học đại học bây giờ dễ lắm, trường nào cũng quảng cáo rầm rộ và hứa hẹn ưu đãi, rồi là chương trình tiên tiến, chương trình quốc tế, học xong có việc làm, việc này lương cao, việc này lương thấp… Nhưng chưa thấy trường nào công khai sinh viên ra trường làm ở đâu, những gì”.

“Chắc bậc đại học cũng sắp phổ cập rồi” - anh Thông gật gù bình luận.

Cùng cảnh chờ con tại điểm thi THPT Gia Định (Quận Bình Thạnh), chị Nguyễn Thị  Ly cho biết “Chẳng biết cho con học thích học ngành nào, nên cứ thi trước tính sau”.

Theo chị Ly, từ trước Tết âm lịch anh chị cũng định hướng cho con nếu học tốt thì nên chọn những trường top trên. “Bố mẹ nào chả muốn con vào trường xịn, nhưng nó cứ một mực bảo không thích học những trường này mà muốn làm hướng dẫn viên du lịch để được đi nhiều nơi”.

“Tôi cũng không biết năng lực cháu như thế nào, con thích học chỗ nào, chỉ mong nó làm bài được, không được chỗ này thì vào chỗ khác. Nếu điểm khá thì trường nào chả đỗ”...

Ngân Anh – Lê Huyền