- Từ nỗi sợ hãi lẫn tham lam về tương lai của con cái, cha mẹ xuất thân từ mọi thành phần đều ít nhiều mong muốn con cái mình học thật giỏi để hy vọng chúng có một công việc ổn định, lương bổng tốt đẹp.

Tại Việt Nam, trong một xã hội mà con đường tiến thân duy nhất vốn từ xưa phải thông qua khoa cử, quan niệm học để tiến thân - đặc biệt trong chốn quan trường - đã in hằn trong tâm trí của nhiều thế hệ phụ huynh, bất chấp thực tế hiện nay đã khác nhiều.

Nếu thời xưa học để làm quan thì nay làm quan. . . không cần phải học nhiều và học giỏi. Nếu thời xưa học mới vinh quang còn đi buôn đi hát là "vô loài" thì nay đó lại là những nghề được ưa chuộng.

Nếu thời xưa, hệ thống giáo dục có đầu ra cung cấp những kiến thức và kỹ năng phù hợp với công việc, thì nay từ nội dung đến phương pháp, nền giáo dục nước nhà vẫn còn quá nhiều bất cập để cung cấp cho mọi lãnh vực những nhân sự có tài có trí.

Và cuối cùng, khi hệ thống phân công nhân xã chưa thích hợp, dư ngành này thiếu ngành kia, mê nghề này ghét nghề kia, thì có cái bằng tốt nghiệp hoàn toàn không bảo đảm có công ăn việc làm.

Vì thế, có lẽ các bậc cha mẹ nên dừng lại, suy ngẫm một chút, để định hướng không chỉ việc làm mà còn việc học của con ngay từ bây giờ.

Trong một số trường hợp tư vấn phụ huynh ở Mỹ, tôi đã thấy chính cha mẹ cũng ngạc nhiên khi bảo rằng mình không ép buộc con đạt thành tích nhưng tại sao chúng lại căng thẳng đến độ bị lo âu và trầm cảm, thậm chí còn có ý định tự sát phải vào phòng cấp cứu.

Khi hỏi ra... vâng, cha mẹ không nói bằng lời mà bằng hành vi của mình. Trầm trồ thèm khát vinh quang của trẻ học giỏi chiếm nhiều học bổng, lộ vẻ thất vọng khinh thường khi con đem phiếu điểm thấp về nhà, luôn tranh thắng trong họ hàng và chòm xóm, đặt mọi giá trị vào cái đích cuối cùng mà quên khuyến khích con tận hưởng những ngày tháng tuổi thơ, v.v...

Nếu nghĩ rằng chỉ đổi vài câu nói hay vài cách cư xử, cần một vài kỹ năng truyền đạt khéo léo với con cái thì quý phụ huynh chỉ cần nhặt bất cứ cuốn sách dạy "kỹ năng" làm cha mẹ nào lên là đủ.

Nhưng ngôn từ không đủ, "ngôn giáo không bằng thân giáo," chúng ta chỉ có thể chuyển hóa chính mình để con cái có thể cảm nhân sự an định, tình yêu, và trí tuệ của chúng ta.

Để chúng có thể sống thanh thản và hạnh phúc bên cạnh chúng ta mà vẫn có động lực học tập, yêu việc học tập qua mỗi bài học, bài tập, mỗi giờ đến trường, để rồi cái đích cuối cùng, đúng ngày đúng chỗ, nó sẽ đến.

Nhà tâm lý học nhân bản Carl Rogers (1902-1987) cho rằng để một cá nhân có thể phát triển toàn diện, họ cần một môi trường chân thật, chấp nhận, và đồng cảm. Một môi trường mà trẻ cảm nhận được sự cởi mở và trung thực, yêu thương không điều kiện, và được lắng nghe trong hiểu biết từ cha mẹ và kể cả những người giao tiếp với nó.

Ngay từ lúc nhỏ, chúng không phải nghe những câu như: "Con ăn giỏi/học giỏi thì mẹ mới thương" hay "Đừng làm cha mẹ nhục nhã vì học hành dốt nát."

Nghiên cứu cho thấy việc thay đổi hành vi, nhất là thu hoạch kiến thức và kỹ năng, xảy ra rất giới hạn khi một cá thể hổ thẹn và căng thẳng.

Nói cho cùng, tôi tin những điều vĩ đại nhất hiện hữu trong văn minh loài người đều có xuất phát từ động lực yêu thương chứ không vì tham lam và sợ hãi.

Trong yêu thương mọi bến bờ nhị nguyên của thiện ác, tốt xấu sẽ được vượt qua vì yêu thương vốn vô ý niệm.

TS Tâm lý Giáo dục  Lê Nguyên Phương (Mỹ)

"Học sinh có quyền lựa chọn thầy cô đặt vào trái tim mình”

"Học sinh có quyền lựa chọn thầy cô đặt vào trái tim mình”

Từ câu chuyện Trường Lương Thế Vinh có thể thấy: Phụ huynh vừa muốn con thi đỗ bách chiến bách thắng, vừa muốn có môi trường giáo dục tự do trong bối cảnh của Việt Nam là bất khả kháng.

Đổi mới giáo dục: "Bắt đầu từ chính chúng ta"

Đổi mới giáo dục: "Bắt đầu từ chính chúng ta"

Bà Anneli Rautiainen nói rằng "Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ chính mình chứ không thể copy từ nơi khác. Điều quan trọng là có sự tham gia cùng nhau của cả cộng đồng".