Câu chuyện đi học của trẻ em ngày nay trở thành cuộc chiến của những bậc cha mẹ. Áp lực học tập không chỉ đè nặng những đứa trẻ cuối cấp, mà đến cả những em bé mới vào lớp 1 cũng đã phải chịu guồng quay học hành.

Những đứa trẻ vừa rời khỏi, thậm chí vẫn còn đang học mầm non đã được cha mẹ cho đi học thêm để chuẩn bị “lấy đà” vào lớp 1. Những phụ huynh không muốn, hoặc không có điều kiện cho con đi học trước cảm thấy vô cùng lo lắng khi con mình kém các bạn trong lớp.

{keywords}
Học sinh lớp 1 trong giờ luyện viết (Ảnh minh họa: Thanh Tùng).

Chị Trần Yến (Thanh Hóa) cho biết: “Tôi không cho con đi học trước, vì muốn con có thời gian nghỉ hè thoải mái. Giờ con lên lớp 1, thấy các bé khác biết rất nhiều kiến thức, có mỗi con mình còn non nớt nên rất lo lắng”.

Thậm chí, những ngày đầu con đi học, thấy con không được quan tâm nhiều như ngày mẫu giáo, và con chậm hơn các bạn đã đi học trước, chị Yến thường trộm khóc một mình.

Thời gian đầu con mới đi học, đầu óc tôi lúc nào cũng căng như dây đàn, cảm giác như bản thân tôi vào lớp 1 vậy. Những hôm con bị cô nhắc tên vì không theo kịp các bạn là tôi lại khóc. Chồng tôi bảo rằng, tôi đang cố kỳ vọng ở con nên mới lo lắng như vậy”, chị Yến tâm sự.

Cùng chung “cảnh ngộ” có con vào lớp 1 và cũng hết lòng lo lắng cho con, chị Trần Mộng Tiền (Đồng Nai) chia sẻ: “2 tuần đầu đi học, cô giáo phản hồi lại là con tôi chậm so với các bạn, lại thường mất tập trung trong lớp học, trong khi ở nhà bé rất lanh lợi, đọc chữ lưu loát. Có lúc tôi cũng mất lòng tin, càng la mắng thì con càng sợ. Dần dần, tôi học cách trò chuyện, động viên con nên hiện tại đã khá hơn”.

Còn chị Nguyễn Thúy Ly (Hà Nội) lại cảm thấy bất lực trong việc rèn con viết chữ. Chị cho biết, ở nhà, bé khá tự giác học bài, không cần mẹ kèm cặp khi tập viết. Con viết đúng li, đúng nét. Tuy nhiên, sau 3 tuần đi học ở trường, ngày nào con mang vở về, chị Ly cũng thấy chữ viết cẩu thả. Chị đã thử dùng nhiều hình phạt khác nhau để rèn con nhưng không thành.

Các bé lớp 1, vừa học xong bậc mầm non, vẫn đang giữ thói quen ham chơi, hiếu động, không tập trung lúc học bài, là cảnh ngộ khiến các phụ huynh “đau đầu”.

Chị Nguyễn Thắm (Hà Nội) cho biết, chỉ mới học chương trình làm quen lớp 1 nhưng dường như đã quá tải đối với con chị. Sau mỗi ngày đi học, cô giao bài về cho con tập viết là bé phải ngồi học cật lực. Con bị áp lực tâm lý, vì sự chuyển đổi từ bậc mầm non lên tiểu học khác nhau nhiều quá.

Một giáo viên mầm non tại Hà Nội có con năm nay vào lớp 1 chia sẻ: “Con tôi đã thuộc mặt chữ, biết đánh vần những chữ cơ bản, biết viết. Vậy nhưng, khó nhất là để con tự giác học bài. Ở nhà, tôi phải ngồi cùng để kèm thì mãi mới viết được hết bài, thật không hiểu đến lớp, cô giáo phải làm như thế nào với hàng chục học sinh”.

Chưa kể, có những ngôi trường, do các khu vực xung quanh thiếu trường học nên phải dồn học sinh, khiến số lượng lớp học lẫn số lượng học sinh mỗi lớp vượt quá so với quy định.

{keywords}
Phụ huynh đứng kín cổng trường tiểu học giờ tan lớp (Ảnh minh họa: Khánh Hòa).

Chị T.M.D. (TPHCM) cho biết, lớp học của con chị có tới 51 học sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học tập của con. Chị D. chia sẻ: “Lớp quá đông, việc ổn định trật tự mất khá nhiều thời gian. Nhiều hôm các con viết bài chưa xong đã hết giờ, lại có hôm cô giáo không kịp thời gian để giao bài. Thật khổ cho cả cô và trò”.

Còn rất nhiều những mối bận tâm của cha mẹ khi có con bước vào lớp 1. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các con vẫn đang ở trong thời gian làm quen với môi trường, cuộc sống, nếp sinh hoạt mới, sẽ còn nhiều bỡ ngỡ cho cả cha mẹ và các bé. Vì vậy, điều cần thiết nhất là cha mẹ giành thời gian quan tâm, chia sẻ tâm tư cùng con, để lắng nghe được những khó khăn, mong muốn của trẻ, và kịp thời giúp con hòa nhập tốt hơn.

Khánh Hòa

Những trưa dài vất vưởng của 3 chị em tiểu học Sài Gòn

Những trưa dài vất vưởng của 3 chị em tiểu học Sài Gòn

 Thời tiết Sài Gòn nắng lắm mưa nhiều. Tôi đi theo lũ trẻ, thấm được cả những giọt mồ hôi, lẫn cơn mưa trắng kịt bầu trời.