Năm học 2021-2022, cô giáo Vũ Thị Hằng (Trường Tiểu học Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) tiếp tục được phân công dạy học sinh lớp 1 - lứa học trò thứ 2 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018). Đây là một trong những giáo viên giàu kinh nghiệm, vững chuyên môn. Năm vừa qua, cô Hằng đã dạy 25 học sinh dân tộc Mông với kết quả cuối năm: 5 em hoàn thành xuất sắc, 8 em hoàn thành tốt và 12 em hoàn thành.

Trong số 25 học sinh lớp cô Hằng chủ nhiệm, 13 em sinh sống ở điểm vùng cao, khi về trường còn chưa sõi tiếng phổ thông; cô nói, trò chưa hiểu được. Việc tự học và khám phá kiến thức thời gian đầu của các em khá khó khăn.

Với kinh nghiệm 6 năm dạy lớp 1, cùng tự bồi dưỡng kiến thức kỹ lưỡng qua các modul trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến thuộc Chương trình ETEP của Bộ GD-ĐT, cô Hằng linh hoạt vận dụng các phương pháp để tổ chức các hoạt động dạy học sao cho phù hợp học trò vùng dân tộc thiểu số.

{keywords}
Cô Vũ Thị Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Lùng Tám (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) cùng các học trò trong lớp học

“Thời gian đầu tôi phải dạy song ngữ cả tiếng Việt và tiếng Mông. Các phương pháp dạy học tích cực vẫn được sử dụng nhưng có chọn lọc và điều chỉnh để phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh. Ví dụ khi học môn tiếng Việt và sử dụng phương pháp đóng vai, tôi sẽ mời những học trò nói sõi tiếng Việt lên thực hiện trước để làm mẫu, sau đó các bạn nói kém hơn sẽ làm theo. Một thời gian như thế, cứ bạn này bảo bạn kia rồi dần dần vốn tiếng Việt của học sinh được nâng lên, các em đã hiểu và thực hiện được nhiệm vụ giáo viên yêu cầu”, cô Hằng kể.

Khi học sinh nghe nói tiếng Việt tốt hơn, cô tích cực tổ chức nhiều các hoạt động trong giờ học để các em tham gia tự chiếm lĩnh kiến thức và hình thành các năng lực, phẩm chất. Các học trò lớp 1 của cô đều được trải nghiệm những tiết học thông qua trò chơi, học nhóm-cá nhân, được tự nhận xét về mình và nhận xét bạn… Qua đó, các phẩm chất và năng lực như giao tiếp, hợp tác, ngôn ngữ… của các em được hình thành, phát triển.

Cô Hằng quan niệm rằng, lớp 1 của bất cứ chương trình nào cũng vất vả và nếu cô không vào cuộc thì trò không biết chữ, đặc biệt là học trò vùng cao. Do đó để dạy học chương trình phổ thông mới được hiệu quả, cô giáo đã chăm chỉ bồi dưỡng các modul theo Chương trình ETEP.

Cứ thế, sáng dạy ở trường, tối về nhà cô lại mở máy vào hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) để nghiên cứu tài liệu, xem video và ghi chép kỹ những nội dung cơ bản hay vấn đề tâm đắc.

Kết quả học tập của học sinh năm vừa qua đã được nhà trường và phụ huynh đánh giá cao, nhưng bản thân cô vẫn chưa thấy hài lòng. Những ngày hè trước khi vào năm học mới, cô Hằng vẫn miệt mài nghiên cứu các modul bồi dưỡng và chiêm nghiệm thực tế dạy học năm qua để rút ra bài học, kinh nghiệm cho bản thân, nhằm nâng cao chất lượng dạy học năm 2021-2022 hơn nữa.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào bài dạy

Tại Trường Tiểu học thị trấn Bảo Lạc (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), cô giáo Trần Thị Hương Quế cũng ứng dụng tối đa những phương pháp dạy học tích cực vào tổ chức bài dạy. Các học trò lớp 1 thường xuyên được cô tổ chức học thông qua trò chơi. Để tăng sự thoải mái, giúp học sinh hứng thú tham gia, cô để học trò tự điều hành; giáo viên chỉ đứng bên hướng dẫn, động viên.

Để học sinh dễ tiếp thu, ghi nhớ bài học, cô giáo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin chuyển tải kiến thức trong sách giáo khoa thành những hình ảnh trực quan sinh động.

Từ thời gian đầu phải “gồng mình” dạy học sinh (chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, Mông) học tiếng Việt, sau 1 năm thực hiện chương trình phổ thông mới, các học trò trong lớp cô Quế đã đọc, viết tốt. Một số em có thể viết được 4-5 câu.

Kết quả này, ngoài nỗ lực của bản thân, còn nhờ một phần không nhỏ của công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình mới với một phương thức hoàn toàn mới khi giáo viên tự học thường xuyên với hỗ trợ của đội ngũ cốt cán tại địa phương. 

Cô giáo cho hay, 3 modul bồi dưỡng thuộc chương trình ETEP (modul 1, 2, 3) đã giúp cô vận dụng được hiệu quả các phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh vùng cao.

Hải Nguyên

Thẩm định hơn 150 bản mẫu sách giáo khoa mới

Thẩm định hơn 150 bản mẫu sách giáo khoa mới

Trong tháng 9 và tháng 10/2021, Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của các khối lớp 3, 7, 10.