- "Không tham gia các cuộc thi về chuyên môn như thi giáo viên chủ nhiệm giỏi,  thi giáo viên dạy tốt, thi giáo viên viết chữ đẹp… trừ 5 điểm”.

Đây là một nội dung được trích trong quy ước thi đua của Trường tiểu học Bình Hoà, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Quy ước thi đua này được áp dụng đối với cá nhân giáo viên năm học 2016-2017. Quy ước nêu ra một số nội dung giáo viên sẽ bị trừ điểm được cho rất hợp tình, hợp lý như: “vi phạm luật của nhà nước (Luật giáo dục, Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật giao thông, Điều lệ trường tiểu học…); Đánh mắng, sỉ mục học sinh hoặc phản ánh sự việc không có căn cứ… 

Nhưng một nội dung giáo viên sẽ bị trừ điểm nếu không tham gia là “không tham gia các cuộc thi về chuyên môn (các cấp) như thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi giáo viên dạy tốt, thi giáo viên viết chữ đẹp sẽ bị trừ 5 điểm”.

Dù quy ước này đang được tất cả các giáo viên thực hiện, nhưng nếu không trừ điểm mà để giáo viên tự nguyện sẽ đỡ áp lực hơn”- một cô giáo nhà trường cho biết.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với cô Phạm Lê Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hoà, Bình Thạnh, TP.HCM. Cô Hiền cho biết, thông tin này công khai và được niêm yết ở hội trường từ đầu năm. 

Theo cô Hiền, tất cả các ngành hiện nay đều có các phong trào thi đua. Đối với ngành giáo dục, mục đích của các cuộc thi đua rất rõ ràng. Vì vậy, hàng năm trường đều có các cuộc thi giáo viên giỏi cấp trường, thực hiện theo văn bản của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT như là hoạt động mũi nhọn. Sau hai năm, nếu giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp trường mới có đủ điều kiện để thi giáo viên giỏi cấp quận, xa hơn là cấp thành phố.

“Với cá nhân, thi đua để trở thành một nhà giáo có thành tích, có uy tín với phụ huynh. Thi đua cũng là danh dự của thầy cô giáo khi đạt được danh hiệu giáo viên giỏi trường, quận, và cấp cao hơn nữa. Những giáo viên đạt giải sẽ được vinh danh, khen thưởng trước một tập thể phụ huynh rất lớn. Đặc biệt, khi giáo viên đầu tư sâu sắc, chuyên nghiệp về bài dạy, học sinh là người được hưởng lợi nhiều nhất. Các em sẽ được thụ hưởng một bài giảng hay, sinh động đã được thầy cô đầu tư, làm đồ dùng dạy học hấp dẫn, lôi cuốn…” - cô Hiền chia sẻ.

Về quy ước của nhà trường, cô hiệu trưởng cho biết, quy ước được đặt ra từ lâu, là ý kiến của cả tập thể chứ không phải của riêng cá nhân nào. Ở hội nghị cán bộ công chức hàng năm, các quy ước, quy chế thi đua, chi tiêu, dân chủ đều được công khai từ cá nhân, đến tổ bộ môn rồi đưa ra ở hội nghị. Sau đó, các quy ước sẽ có sự thống nhất giữa hiệu trưởng và chủ tịch công đoàn, dưới sự thống nhất của tập thể nhà trường. “Quy ước này đã được sự đồng thuận cao, khi rà soát lại hồ sơ của các tổ cũng không có giáo viên nào ý kiến, vì vậy mấy năm nay trường duy trì quy ước này” - cô Hiền bộc bạch.

Câu hỏi đặt ra, “giáo viên tham gia nhiều cuộc thi mất thời gian hay không?”, cô Hiền cho hay, khi giáo viên lên một tiết dạy có nhiều giáo viên và giam hiệu dự giờ, hoặc đăng kí thi giáo viên giỏi, sẽ phải soạn giảng kỹ lưỡng. Bản thân giáo viên phải đầu tư cho từng câu hỏi, từng đối tượng học sinh. Ngoài ra, giáo viên phải làm đồ dùng dạy học để tiết học sinh động. Giáo viên cũng phải tổ chức phương pháp tốt nhất, thì đương nhiên phần soạn giảng sẽ phải kì công hơn. Nhưng đổi lại bài giảng sẽ hay hơn so với bài giảng hàng ngày lên tiết, bài giảng có nhiều lợi ích hơn.

Cô Hiền cũng chia sẻ thêm, những năm vừa qua, chưa có giáo viên từ chối tham gia những cuộc thi này, chỉ trường hợp duy nhất  một giáo viên bị bệnh, không tham gia nên không bị trừ điểm.

{keywords}
Một phần quy ước thi đua của Trường Tiểu học Bình Hòa, Bình Thạnh

Câu hỏi, “xếp loại những cuộc thi này có ảnh hưởng xếp loại giáo viên hàng năm?", cô Hiền cho rằng, “không ảnh hưởng, vì thi đua này chỉ mang tính so sánh giữa nhiều giáo viên. Giáo viên nào tích cực tham gia nhiều phong trào xếp loại A, sau nữa là B, C. Điều này chỉ ảnh hưởng rất nhỏ. Còn xếp loại giáo viên, trường luôn làm theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT với các tiêu chí, thang điểm cụ thể, đánh giá cả quá trình làm việc".

Còn “việc đặt ra quy định bị trừ điểm, sẽ tạo ra áp lực cho giáo viên phải tham gia, nên để giáo viên tham gia trên tinh thần tự nguyện?", cô hiệu trưởng giải thích, "phong trào thi là một cách để nâng cao chất lượng nhà giáo. Ngành giáo dục nên loại dần những giáo viên đọc chép, không soạn giảng, lên lớp theo kinh nghiệm, hoặc chỉ mức độ trò tới đâu cô giảng tới đó, không đầu tư sáng tạo, kích thích sự tìm tòi của học sinh".

Cô hiệu trưởng cũng cho biết, “một giáo viên, có bài giảng tốt sẽ có nhiều buổi thao giảng để giáo viên học tập, trao đổi, góp ý từ đó nhân rộng lên. Bản thân tôi từ một giáo viên, khi có sự động viên khen thưởng đáng kể thì phụ huynh rất tin tưởng. Nếu giáo viên chỉ đọc chép, chỉ bài cho học sinh làm thì cũng như mẹ dạy con ở nhà. Phải có phương pháp dạy như thế nào cho hay, truyền cảm hứng cho học sinh, mới là người thầy giỏi” 

Về việc lược bỏ những cuộc thi không cần thiết, ảnh hưởng tới thời gian của giáo viên hiện nay, cô Hiền cho rằng, ngành nào cũng thi để tuyển chọn những người ưu tú, xuất sắc nhất. Đối với ngành tiểu học có hai cuộc thi rất cần thiết là thi giáo viên giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi.

Cũng theo cô Hiền, sau ý kiến này của giáo viên, ban giám hiệu sẽ ghi nhận để hoàn thiện hơn. 

Lê Huyền