Cô Hà (hơn 40 tuổi) là giáo viên chủ nhiệm của một trường Tiểu học ở Hàng Châu (Trung Quốc). Những ngày trước và sau khai giảng hàng năm, cô Hà đều rất lo sợ khi phải nói chuyện với phụ huynh học sinh. Vì thế cô luôn chuẩn bị tâm lý trước một ngày.

{keywords}
Một số phụ huynh yêu cầu quá nhiều ở các giáo viên chủ nhiệm

“Cô ấy mắc chứng bệnh rối loạn lo âu điển hình. Trong khoảng thời gian trước và sau khai giảng cũng có rất nhiều giáo viên gặp tình trạng như vậy. Thậm chí một số giáo viên còn có dấu hiệu trầm cảm”- Ông Tô Hoành, Khoa Sức khỏe Tâm thần của Bệnh viện nhân dân tỉnh Chiết Giang nói.

Cô Hà hay bị mất ngủ, thường xuyên tỉnh dậy vào lúc 2,3 giờ sáng. Sau khi tỉnh dậy, cô Hà rất khó để tiếp tục giấc ngủ của mình. Không chỉ vậy, cô hay cáu gắt vô cớ, hay nổi nóng với chồng, la mắng con cái, kể cả khi chúng đã học cấp 3.

Nhận ra sự thay đổi của bản thân và những ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, cô Hà đã tìm gặp bác sĩ tâm thần.

Trước đó, mặc dù trong khoảng thời gian dịch bệnh không phải đến trường để dạy học, nhưng hàng ngày cô Hà vẫn phải dạy học trực tuyến. Cô cần chuẩn bị bài, học cách phát sóng trực tiếp cũng như tìm cách để tương tác với học sinh hiệu quả nhất.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát và trường học cũng bẳt đầu mở cửa trở lại, nỗi lo lắng của cô Hà càng thêm lớn.

“Mỗi ngày đều có rất nhiều phụ huynh hỏi cô ấy trong nhóm: Con tôi ở trường có đeo khẩu trang không? Hôm nay con có rửa tay không? Có giữ khoảng cách an toàn khi ăn cơm không?... Trong khi, ở trường ngoài thời gian dạy học, cô Hà còn phải dọn dẹp, khử trùng vệ sinh lớp học và rất nhiều công việc vặt khác. Có những lúc vì quá bận nên cô Hà xem và trả lời tin nhắn trong nhóm Wechat muộn. Phụ huynh cũng vì điều này mà phàn nàn cô ấy” – bác sĩ Tô Hoành nói.

Bởi vì dịch bệnh nên thời gian khai giảng bị hoãn lại, nhưng với trách nhiệm là một giáo viên chủ nhiệm, cô ấy luôn bận rộn, không có thời gian để nghỉ ngơi. Đã từng có một phụ huynh hơn 10 giờ tối vẫn gửi bài tập của con mình để cô Hà chữa.

Trong giờ lên lớp, cô Hà luôn thông báo rất rõ yêu cầu bài tập về nhà với các học sinh. Tuy nhiên, sau đó cô Hà lại phải thông báo lại trong nhóm của các phụ huynh. Nếu có hôm thông báo muộn, các phụ huynh sẽ cảm thấy không hài lòng, phàn nàn không có thời gian thúc giục con cái. Sau những lần như thế, cô Hà ngày càng sợ hãi khi nói chuyện với phụ huynh học sinh.

Trầm cảm vì phản ứng của phụ huynh

Bác sĩ Tô Hoành cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữa là cô Lưu. Mới tốt nghiệp đại học, cô Lưu được phân công làm giáo viên chủ nhiệm ở một trường tiểu học. Dù còn trẻ, nhưng tình trạng của cô Lưu còn nghiêm trọng hơn cô Hà.

Trong lớp có một nam sinh khá tinh nghịch, nhưng rất thông minh và hay đặt câu hỏi, thể hiện ý kiến riêng trong các bài giảng.

Cô Lưu cho rằng đây là cá tính riêng của cậu học trò nên thường xuyên khen ngợi nam sinh này. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều phụ huynh không hài lòng và phản ứng rất gay gắt.

“Một số phụ huynh cho rằng con họ rất ngoan nhưng lại không nhận được sự khen ngợi. Trong khi đó giáo viên lại đi cổ vũ, khuyến khích học sinh nghịch ngợm. Họ cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của con cái họ” – cô Lưu nói.

Sau đó, cô Lưu bắt đầu nhạy cảm hơn, hay suy nghĩ đến lời nói của phụ huynh rồi tự dằn vặt. Cô thường xuyên mất ngủ, ban đêm chỉ ngủ 2, 3 giờ đồng hồ, còn ban ngày không ngừng suy nghĩ.

Cuối cùng, theo lời khuyên của bác sĩ, cô Lưu phải xin đổi sang dạy một lớp khác.

Đỗ Nhung (theo Xinhuanet)

‘Xưởng' luyện thi có hàng trăm học sinh đỗ ĐH hàng đầu thế giới

‘Xưởng' luyện thi có hàng trăm học sinh đỗ ĐH hàng đầu thế giới

Trường Trung học Hành Thuỷ (Hà Bắc, Trung Quốc), được mệnh danh là “siêu xưởng luyện thi đại học” khi có tỉ lệ học sinh trúng tuyển vào Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh thuộc diện nhiều nhất cả nước.