Oon-Seng Tan là nhà nghiên cứu thỉnh giảng của chương trình Chen Yidan tại Trường sau đại học về Giáo dục Harvard (HGSE) vào năm 2019. Ông là Giáo sư về Giáo dục tại Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Phát triển trẻ em, từng đảm nhiệm vai trò Giám đốc Viện Giáo dục Quốc gia Singapore (2014-2018).

VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của ông có nhan đề: "Vài bài học từ Singapore và những chú sư tử", trích từ cuốn sách "Những lá thư gửi tân Bộ trưởng Giáo dục".

{keywords}

Giáo sư Oon-Seng Tan

Kể từ năm 2008, bởi vai trò Trưởng khoa và sau đó là Giám đốc Viện Giáo dục Quốc gia (NIE), tôi đã rất vinh dự được quan sát tỉ mỉ sự lãnh đạo của một số Bộ trưởng Giáo dục rất có năng lực ở Singapore. Tôi đã học được rất nhiều từ những hiểu biết sâu sắc và quá trình ra quyết định của họ.

Mặc dù là một tổ chức tự chủ của một trường đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới, NIE có quan hệ đối tác chặt chẽ với Bộ Giáo dục Singapore. Trong suốt thập kỷ qua, hệ thống giáo dục của Singapore đã nhận được mối quan tâm chưa từng có trên quy mô toàn cầu, vì nó luôn đạt thành tích cao trong các kỳ đánh giá xuyên quốc gia về kiến thức và kỹ năng của học sinh, chẳng hạn như Xu hướng Học tập Khoa học và Toán học (TIMSS) và Đánh giá Quốc tế về tiến bộ trong năng lực đọc hiểu (PIRLS), đều được quản lý bởi Hiệp hội Quốc tế về Đánh giá Thành tích Giáo dục; hay mới đây nhất là Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD. Chính thành tích cao mà học sinh Singapore đạt được trong các chương trình đánh giá đó đã châm ngòi, khiến các đoàn Bộ trưởng từ khắp nơi trên thế giới đã đến thăm Singapore và NIE. Bởi vậy, tôi đã có vinh dự được gặp gỡ nhiều bộ trưởng giáo dục từ Châu Á, Châu Âu, Bắc và Nam Mỹ.

Thông thường, các Bộ trưởng đến thăm sẽ trao đổi với tôi về nhiều vấn đề, chẳng hạn như đưa ra các chính sách phù hợp về quy mô lớp học, xác định các đòn bẩy để nâng cao thành tích của học sinh, tạo ra những giáo viên hiệu quả và trang bị cho học sinh các kỹ năng của thế kỷ 21. Nhờ các báo cáo của OECD về giáo dục, tôi cũng đã có vinh dự được gặp nhiều Bộ trưởng giáo dục tại các hội nghị cấp cao quốc tế để chia sẻ quan điểm học thuật của tôi về trường hợp Singapore.

Gần đây nhất, tôi gặp một chính trị gia giáo dục từ Châu Âu, người đã hỏi tôi rằng: “Người ta sẽ bắt đầu từ đâu nếu có quá nhiều vấn đề giáo dục cần được chỉnh đốn?”. Trong văn bản ngắn gọn này, tôi tổng hợp những lời khuyên mà tôi dành cho một Tân Bộ trưởng Giáo dục.

Giáo dục là một chặng đường dài

Giáo dục là một chặng đường dài, và chất lượng giáo dục tác động đến việc xây dựng quốc gia, bảo tồn các giá trị, và phát huy năng lực của con người trong việc thích ứng, đổi mới, và tạo ra giá trị mới.

Bộ trưởng thân mến, xin cho phép tôi được khuyến nghị ngài đọc cuốn Di sản Giáo dục của Lý Quang Diệu (Tan, Low và Hung, 2017). Khi Singapore giành được độc lập vào năm 1965, các nhà lãnh đạo phải đương đầu với nhiệm vụ xây dựng một đất nước nghèo đói với hầu như không có tài nguyên thiên nhiên và bị cản trở bởi các căng thẳng liên quan đến vấn đề đứt gãy và xung đột sắc tộc. Năm 1966, Lý Quang Diệu đã tập hợp một nhóm các nhà giáo dục và nói với họ: “Tôi thực sự đến để thảo luận một vấn đề với các bạn, một vấn đề chỉ có thể được giải quyết, nếu như suy đến cùng, người phải hiểu nó không phải tôi, các quan chức Bộ hoặc các bạn, mà là các giáo viên. Bởi, thành tố quan trọng nhất trong tất cả những gì chúng ta đang cố gắng thực thi, chính là giáo viên. Có hai yếu tố ảnh hưởng đến việc định hình cuộc sống của một chàng trai hay một cô gái: điều thứ nhất nằm ở nhà; và điều còn lại nằm ở trường. Chúng ta không thể làm gì nhiều với những thứ diễn ra ở nhà, nhưng chúng ta có thể làm gì đó với các nhà trường” (Lee, 1966). Cố Thủ tướng sáng lập Singapore Lý Quang Diệu từng nhận xét rằng vị trí Bộ trưởng Giáo dục “không phải là công việc phổ biến nhất trong danh mục đầu tư” và là “công việc mà các thiên thần cũng sợ hãi không dám đảm nhận” (Lee, 1977). Không phải những khẩu hiệu hoành tráng về xóa đói giảm nghèo hay những tuyên bố lôi cuốn về công bằng xã hội và nhân quyền sẽ khiến xã hội xoay chuyển tình thế, mà chính sự nhẫn nại, bền bỉ có chủ đích, và ngoan cường mới mang lại sự tiến bộ của quốc gia.

Các giá trị đảm bảo tốc độ tăng trưởng đều đặn của Singapore không nhất thiết phải là những giá trị độc nhất. Mới đây, tôi đã đến Stavanger, một thành phố ở Na Uy, nơi từng là một làng chài chịu thời tiết khắc nghiệt của Bắc Âu. Ngày nay mọi người nghĩ về Na Uy như một quốc gia giàu có về dầu mỏ, ấy là còn chưa kể đến những vịnh hẹp, những ngọn núi tuyệt đẹp và mặt trời lúc nửa đêm. Nếu không có dầu mỏ, đất nước này sẽ không có đủ nguồn lực để đem những kỳ quan thiên nhiên vĩ đại kia đến với mọi người. Thế nhưng, thu nhập từ dầu mỏ không chỉ đến một cách dễ dàng mỗi khi phát hiện ra các vỉa dầu ngoài khơi. Vào mùa thu năm 1969, giàn khoan Ocean Viking đã phát hiện ra dầu thô ở thềm lục địa Na Uy. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, việc sản xuất dầu trong điều kiện biển động là một thách thức gần như bất khả thi đối với con người. Mọi người cần phải cùng nhau đưa ra tầm nhìn về lợi ích lâu dài từ việc khám phá ra dầu mỏ. Người Na Uy đã thực sự may mắn bởi họ có những người tiên phong chính trực, thông minh và đổi mới. Ví dụ, họ đã cương quyết phát triển các công nghệ mới, như việc xây dựng các bệ bê tông khổng lồ, lắp đặt các công trình dưới nước, và các đường ống dẫn rộng ở vùng nước sâu.

Cũng giống như những người Na Uy thuở ban đầu, những người Singapore tiên phong đã bắt đầu với sự lãnh đạo đúng đắn và các giá trị cộng tác, tập trung vào mục tiêu phát triển dài hạn. Giáo dục cần phải được vận hạnh dựa trên các giá trị, và không bao giờ được phép trở nên thiển cận.

Trong trường hợp của Singapore, khả năng đáp ứng với những thay đổi địa phương và toàn cầu, và sự cam kết đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất là điều cốt lõi. Chúng tôi cần học hỏi tính hiệu năng cao của người Na Uy. Tại Bảo tàng Dầu mỏ Stavanger, tôi được biết về bản chất của việc khai thác dầu ngoài khơi, rằng chỉ một phần nhỏ dầu có thể được khai thác qua nhiều tầng đáy biển. Trên toàn thế giới, tỷ lệ khai thác trung bình cho các dự án tương tự là 25-30%. Để có hiệu suất tốt hơn, người ta cần sử dụng công nghệ một cách tinh vi và hiệu quả, cũng như những người lao động được đào tạo và có động lực cao, bao gồm các kỹ sư, các nhà hóa học và cả các thợ lặn. Đối với Na Uy, hệ số thu hồi dầu vượt xa nhiều nước với tỷ lệ 46%. Người Na Uy đánh giá cao giá trị của việc chiết xuất thêm chỉ 1%, như thể cứ 1% tăng thêm thì sẽ tạo thêm giá trị tương đương 300 tỷ NOK (30 tỷ USD)! Cũng như vậy, giáo dục phải tạo ra những con người có tư duy xuất sắc, ví như những guồng máy tốt nhất với những khát khao nhân bản nhất.

Tương tự như trên, khi hướng tới việc đáp ứng các nhu cầu kinh tế và xã hội của người dân, sự phát triển giáo dục phải liên tục bắt nhịp với những đổi mới công nghệ mới nhất. Đồng thời, chúng ta cũng nên đảm bảo rằng mọi trẻ em đều có thể học được nhiều điều trong từng giờ học ở trường. Các giáo viên của chúng ta nên hiểu cách mỗi học sinh học tốt nhất, và có các hành động có chủ đích để đem lại hoạt động học tập có ý nghĩa, thúc đẩy học sinh hướng tới sự hiểu biết sâu sắc, đi cùng với đó là hình thành năng lực tự học. Còn hơn cả các lợi ích về mặt kinh tế, cần phải duy trì hệ thống giáo dục với một khung tiếp cận toàn diện, bảo tồn các giá trị văn hoá, căn tính dân tộc, cùng với các hệ giá trị gốc rễ trong từng gia đình và cả xã hội.

Tôi xin dành tặng ba lời khuyên cho vị tân Bộ trưởng Giáo dục: Di sản, Con người, và Tương lai.

Tôi tin rằng các Bộ trưởng Giáo dục tốt sẽ chú ý đến điểm mạnh của hệ thống và tiến hành xây dựng từng khối nền móng căn bản; đồng thời cải cách và chuyển hoá các cấu thành khác của hệ thống. Có 3 chữ P mà các nhà lãnh đạo giáo dục cần suy ngẫm: Paradigms (Hệ hình – Thế giới quan và các quan điểm), Philosophy (Triết lý – Những niềm tin), và Practicality (Tính thực hành – Đâu là điều mà bạn muốn làm?). Một cách tự nhiên, cách chúng ta nhìn nhận thế giới phải là sự kết hợp của “kính thiên văn” và “máy bay trực thăng”. “Kính thiên văn”, ý tôi là chúng ta cần hiểu quá khứ (chúng ta từ đâu đến, và chúng ta đã tới hiện tại bằng cách nào) và nhìn vào tương lai (phép ngoại suy chính xác). Chúng ta cũng cần một cái nhìn trực diện (từ trên máy bay trực thăng) về mọi thứ: vượt lên trên các vấn đề vi mô và rời rạc để có một bức tranh toàn cảnh. Các hệ hình đề cập đến sự hiểu biết của chúng ta về các thế giới quan đối lập, từ đó thay đổi các giả định cơ bản. Tất cả các cá nhân, tổ chức liên quan tới giáo dục đều có những giả định của riêng họ. Đâu là tầm nhìn của bạn về tương lai của giáo dục? Bạn có tin rằng giáo dục có thể thay đổi số phận của nhiều người, đặc biệt là những người đang luẩn quẩn trong vòng nghèo đói? Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo cơ hội bình đẳng cho mọi trẻ em bất kể xuất thân? Chúng ta có đang phân bổ đúng các nguồn lực hạn chế của mình giữa đầu tư vào giáo dục đại học và đầu tư vào giáo dục mầm non không?

Giáo dục cần phải được định hướng dựa vào tương lai. Các nhà lãnh đạo giáo dục cần phải nhận thức được bản chất thay đổi của kiến thức, quá trình học tập và các bối cảnh xung quanh. Giáo viên phải là người điều phối việc học và thiết kế môi trường học tập. Ví dụ, giáo viên cần tiếp thu các phương pháp sư phạm mới và chuyển đổi các thực hành sư phạm, để tìm ra những cách thức mới mà người học thu nhận thông tin thông qua công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội. Giáo viên phải đánh giá cao vai trò của họ trong việc trau dồi các năng lực của thế kỷ 21, bao gồm kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, hợp tác, sáng tạo và giao tiếp liên cá nhân. Những điều trên không hề khó – chỉ cần nghĩ LỚN (BIG) và ĐIÊN CUỒNG (MAD).

Cụ thể, hãy khuyến khích thay đổi chương trình giảng dạy nhằm thúc đẩy (i) Big-picture thinking – Tư duy toàn cảnh (đã có rất nhiều phương pháp sư phạm cho việc này, từ Học tập qua Dự án đến Học tập dựa trên Vấn đề); (ii) Inquiry – Tìm tòi (khơi dậy cảm giác tò mò ở học sinh); và (iii) Grit – Bền chí (Cần trau dồi thực hành cảm xúc tích cực và khả năng phục hồi khi đối mặt với khó khăn). Thúc đẩy (i) Multiple perspective-taking – Tiếp cận đa chiều; (ii) Accomplishments more than assessment – Nhìn vào thành quả hơn là nhìn vào việc đánh giá (ví dụ, các hoạt động học tập trong thế giới thực và những thành tựu có tác động đến con người và xã hội), và (iii) Dialogue – Đối thoại (các tương tác để làm tư duy của học sinh trở nên rõ nét hơn, thay vì chỉ tập trung tới tư duy của giáo viên).

Tin tưởng ở giáo viên: Mười điều răn về Chính sách dành cho Nhà giáo

Thưa Bộ trưởng, tôi thường hỏi học sinh rằng những giáo viên giỏi nhất ở trường của các em trông như thế nào. Câu trả lời mà tôi nhận được thường xuyên nhất là "những giáo viên biết quan tâm". Một hệ thống giáo dục tốt được tạo nên từ những giáo viên có tâm. Khi các giáo viên được hỏi điều họ mong muốn nhất ở Bộ, câu trả lời luôn xuất hiện là “sự tin tưởng”. Chúng ta cần tin tưởng vào giáo viên và phát triển các chính sách dành cho giáo viên để niềm tin đó trở thành hiện thực.

Xin vui lòng cho phép tôi được chia sẻ “Mười Điều Răn” về các chính sách hiệu quả dành cho giáo viên.

Điều răn thứ nhất: Hãy tuyển những ứng viên chất lượng. Hãy thu hút những người có sự cân bằng, hài hoà giữa trình độ và thái độ. Trình độ bao gồm việc thông thạo chuyên môn, kỹ năng giao tiếp tốt, và thái độ phải được đặc trưng bởi tình yêu thực sự về công việc với thanh, thiếu niên, nhi đồng. Hãy cho những ứng viên này đi thực tập hoặc trải qua những kinh nghiệm tương tự để họ có thể hưởng lợi từ các trải nghiệm đích thực trên lớp học.

Điều răn thứ hai: Hãy thấu hiểu những lý do khiến người ta không muốn trở thành giáo viên. Hãy mổ xẻ một cách vị tha, cả các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Hãy đảm bảo mức lương thực sự cạnh tranh cho giáo viên. Đây là điều hết sức cần thiết, và các nhà hoạch định chính sách nên xây dựng các tiêu chuẩn tham chiếu mức lương một cách hợp lý. Việc tăng lương cao hơn mức trung bình của thị trường lao động không hẳn sẽ dẫn tới sự cải thiện về chất lượng. Tốt hơn là hãy thiết lập những mức lương thực sự cạnh tranh, và tạo không gian để những người giỏi nhất nỗ lực hướng tới các nấc thang đãi ngộ cao hơn qua quá trình liên tục trau dồi sự ưu tú. Bên cạnh đó, hãy cung cấp các đãi ngộ khác, như chế độ nghỉ làm để dành thời gian phát triển chuyên môn và phát triển bản thân.

Điều răn thứ ba: Xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên mới có chất lượng, kết hợp với các tiêu chí đánh giá và kiểm định giáo viên nghiêm ngặt. Những chương trình đào tạo giáo viên tốt nhất đều là những chương trình hài hoà về mặt tổng thể, bao gồm cả các kiến thức chung và các nội dung chuyên biệt, với trọng tâm đáng kể dành cho các hoạt động sư phạm dựa trên nền tảng nghiên cứu. Các chương trình này cũng tích hợp lý thuyết và thực hành một cách hiệu quả, từ đó tạo điều kiện phát triển các cộng đồng học tập mạnh mẽ. Hơn nữa, chúng thường đi liền với những hoạt động kèm cặp, với sự cộng tác cố vấn từ các giáo viên có kinh nghiệm, và những nhà huấn luyện giáo viên – những người lành nghề trong lĩnh vực nghiên cứu giáo dục.

Điều răn thứ tư: Trao cho giáo viên một tầm nhìn về lộ trình nghề nghiệp của họ. Giáo dục đang trở thành một lĩnh vực ngày càng phức tạp, với sự đòi hỏi chuyên môn ngày càng cao để phát triển năng lực sư phạm, chương trình giảng dạy, cũng như lãnh đạo các đơn vị giáo dục. Thúc đẩy việc khởi tạo các lộ trình nghề nghiệp khác nhau, chính là đem lại nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp và phân bổ các tài năng. Cần phải có những lộ trình chuyên biệt để giáo viên có thể trở thành giáo viên lành nghề, chuyên gia chương trình, và lãnh đạo nhà trường. Các lộ trình chuyên môn rõ ràng hơn cũng chính là chỉ báo về vai trò chuyên môn và quyền tự chủ chuyên môn của giáo viên.

Điều răn thứ năm: Hỗ trợ giáo viên không ngừng học hỏi và phát triển nghề nghiệp. Giáo viên phải luôn cập nhật những kiến thức, kỹ năng và phương pháp giảng dạy mới. Các hoạt động phát triển chuyên môn vượt ra ngoài các hội thảo và các đào tạo, bao gồm phát triển chuyên môn gắn với trường học, các chương trình nhập môn và kèm cặp kỹ lưỡng, các mạng lưới giáo viên cộng tác và các dự án nghiên cứu, tìm tòi để cải thiện thực tiễn giảng dạy và kết quả học tập.

Điều răn thứ sáu: Thiết lập tư duy tiến về trách nhiệm giải trình và đánh giá. Chúng ta muốn giáo viên tự đánh giá chuyên môn với quan điểm rằng, bằng cách nào đó, họ có thể làm việc tốt hơn nữa để tác động đến sự phát triển toàn diện và kết quả học tập của học sinh.

Điều răn thứ bảy: Thiết lập đội ngũ lãnh đạo trường học kế cận vững vàng. Lãnh đạo nhà trường đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi môi trường mà giáo viên và học sinh cùng hoạt động. Hãy chú ý đến việc lựa chọn các nhà lãnh đạo trường học, thúc đẩy các phương pháp lãnh đạo hiệu quả và phát triển năng lực lãnh đạo nhà trường. Trong đó, việc chủ động tiếp cận và việc lập kế hoạch cho đội ngũ kế cận đóng vai trò cốt yếu.

Điều răn thứ tám: Quảng bá hình ảnh nhà giáo. Tầm nhìn của chúng ta về giáo viên phải vượt ra ngoài việc chỉ coi họ là những người truyền đạt nội dung. Chúng ta cần một tầm nhìn mà trong đó, vai trò của giáo viên như những nhà lãnh đạo về tư duy sư phạm, những hình mẫu truyền cảm hứng, những nhà chuyên môn được kính trọng và những người bảo vệ các giá trị xã hội. Các yếu tố chính sách chính trong việc nâng cao hình ảnh nhà giáo bao gồm: (i) xây dựng văn hóa tôn trọng đối với giáo viên; (ii) tạo không gian cho sự tự chủ và tin cậy về chuyên môn; (iii) công bố các việc làm tốt của giáo viên; (iv) quản lý khối lượng công việc và môi trường làm việc chung; (v) có sự công nhận quốc gia cho thành tích của các chuyên gia giảng dạy; và (vi) sử dụng các chiến dịch truyền thông và quảng bá để nâng cao sức hấp dẫn của nghề giáo

Điều răn thứ chín: Đảm bảo tính gắn kết để quá trình triển khai được hiệu quả. Nếu muốn thực thi các chính sách một cách hiệu quả, hãy nhớ rằng tổng thể không chỉ là đơn thuần là phép tính cộng các phần của nó. Các hệ thống giáo dục hiệu quả đều có góc nhìn “toàn cảnh” để từ đó phối hợp với các chính sách nhằm tạo ra các tác động lâu dài. Các chiến lược chính sách chính bao gồm: (i) các cấu trúc quản trị đảm bảo sự nhất quán các hoạt động và tối ưu hóa các nguồn lực; (ii) sự hợp tác giữa tất cả các bên liên quan; và (iii) sự hiện diện của các tầng lớp, mạng lưới trung gian để tạo điều kiện cho việc thực thi chính sách.

Điều răn thứ mười: Hãy nghe tiếng nói của các giáo viên. Giáo viên là những người ở tiền tuyến của các thách thức giáo dục. Yếu tố giáo viên vượt trội mọi thứ khác trong việc đảm bảo kết quả học tập của học sinh. Họ cũng thường cảm nhận được nhịp đập của thế hệ tiếp theo. Hãy vượt lên cả những dữ liệu giáo dục và đối thoại trực tiếp với giáo viên. Những giáo viên tận tâm thường bỏ nhiều công sức hơn để phát hiện những học sinh tụt hậu vì các khó khăn trong học tập. Yếu tố giáo viên không giống như các yếu tố mang tính hệ thống khác. Nó khác hoàn toàn, vì đó là yếu tố con người. Hơn nữa, giáo viên đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc đảm bảo nền tảng học thuật vững chắc về lĩnh vực cơ bản như năng lực ngôn ngữ, các kỹ năng định lượng và khả năng lập luận, mà còn trong việc truyền cảm hứng, động viên, dẫn dắt và tạo điều kiện thuận lợi để mỗi học sinh có thể tự kiếm tìm các kiến thức của riêng mình. Giáo viên cũng là những người đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết các đặc tính và giá trị của xã hội. Theo một cách rất thực tế và hữu hình, giáo viên - dù tốt hơn hay tệ hơn – đều là những tấm gương mà học sinh hướng tới, vì họ là những người trưởng thành mà thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ở cùng trong phần lớn quãng đời học sinh, bên ngoài bối cảnh gia đình.

Bài học từ những chú sư tử

Cái tên “Singapore” có gốc gác từ “Singa-pura”, có nghĩa là “Thành phố Sư tử”.

Truyền thuyết đó là một câu chuyện dài, nên bạn cần phải đến thăm Singapore để có thể hiểu được các điều bí ẩn xoay quanh nó. Thế nhưng, lời khuyên của tôi là mọi tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục nên đi thăm các khu bảo tồn hoang dã ở Châu Phi để học hỏi từ các chú sư tử thực thụ. Tôi đã tới Nam Phi để thuyết trình tại một hội nghị và tham gia “bài học sư tử” của mình. Các khu bảo tồn sinh thái hoang dã ở châu Phi cung cấp những hiểu biết lí thú về cách loài sư tử tồn tại, và những bài học song song có thể được rút ra cho giáo dục. Tôi đã học được rằng sư tử phải tập trung khi săn con mồi; mỗi lần sư tử ra ngoài kiếm thức ăn, nó phải đảm bảo bắt được mục tiêu vì nó không thể tổn hao năng lượng cho một chuyến đi săn không có kết quả. Hãy tưởng tượng nếu mỗi lần sư tử đi kiếm linh dương nhưng nó lại bỏ lỡ con mồi của mình. Điều này không chỉ đem lại cơn đói mà còn khiến nó trở nên yếu ớt vì các cơ bắp của nó sẽ bị teo tóp sau mỗi lần săn mồi thất bại. Sư tử không thể sống sót trên thảm thực vật - chúng là loài ăn thịt. Sự thực là, khi sư tử yếu và không thể chạy, chúng sẽ trở thành mục tiêu cho những kẻ săn mồi khác.

Tương tự như vậy, các Bộ trưởng Giáo dục cần phải hết sức tập trung vào những gì họ muốn đạt được để phân bổ năng lượng và những nguồn lực hạn chế của mình, nhằm “chiến đấu những trận chiến đúng đắn” và “đảm bảo những điều trọng tâm luôn là những điều trọng tâm”. Các Bộ trưởng Giáo dục cần có sự khôn ngoan để quyết định xem họ có thể đạt được những gì trong nhiệm kỳ của mình, và kiên trì quan sát việc hiện thực hoá những mục đích đó. Sư tử chỉ là vua bởi nó có tính chiến lược cao!

Tôi cũng thu thập được một cái nhìn sâu sắc khác từ hành vi của loài sư tử. Trong các chuyến tham quan khu bảo tồn hoang dã có hướng dẫn viên của chúng tôi, các nhân viên kiểm lâm đã đưa chúng tôi đi qua địa hình rộng lớn bằng những chiếc xe địa hình dẫn động 4 bánh (4x4 Open Game Drive) chắc chắn. Chúng tôi được yêu cầu không bao giờ được lấp ló ra ngoài xe. Miễn là chúng tôi vẫn ngồi yên, con vật sẽ không bao giờ tấn công chúng tôi mặc dù nó có thể đến gần xe của chúng tôi. Điều này là do tầm nhìn của sư tử khác với tầm nhìn của con người. Sư tử không nhìn mọi thứ theo cách chúng ta làm. Hãy nhớ rằng mọi bên liên quan như giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý, phụ huynh…không nhìn mọi thứ từ góc độ của bạn. Khi bạn ngồi trong xe của khu bảo tồn, sư tử không thể nhìn thấy các cá thể trong xe. Trong mắt chúng, chỉ nhìn thấy một cỗ xe đồ sộ trước mặt. Là người có chiến lược với việc sử dụng tài nguyên của mình, sư tử sẽ không đối đầu với một con vật to lớn và cứng rắn hơn, vì vậy nó thậm chí sẽ không bận tâm đến chiếc xe. Tất nhiên, đó là nếu chúng ta vẫn còn ngồi trên xe. Nhưng khoảnh khắc bất kỳ cá nhân nào chọn tách mình ra khỏi chiếc xe, con sư tử sẽ tóm lấy người đó – như điều đã xảy ra gần đây với một khách du lịch, người đã bỏ qua lời nhắc nhở của kiểm lâm, nhảy ra khỏi xe để chụp ảnh. Tương tự, các Bộ trưởng Giáo dục cần xem mình là một phần của cộng đồng lớn hơn. Sẽ không có chỗ cho cái tôi cá nhân hay các chương trình nghị sự, mà là lợi ích của học sinh, giáo viên, hiệu trưởng, phụ huynh và xã hội nói chung, những người đều là những bên liên quan tới giáo dục, cùng với bạn.

Xin cảm ơn vì bạn đã đọc. Tôi chúc bạn điều tốt đẹp nhất.

Tài liệu tham khảo

Lee, K.Y. (1966). Diễn văn của Thủ tướng tại cuộc gặp các hiệu trưởng ở Nhà hát Victoria, ngày 29 tháng 8 năm 1966. Cục lưu trữ Quốc gia Singapore, Singapore.

Lee, K.Y. (1977). Diễn văn của Thủ tướng Lý Quang Diệu tại Quốc hội, ngày 23 tháng 2 năm 1977. Cục lưu trữ Quốc gia Singapore, Singapore.

Tan, O.S., Low, E.L. và Hung, D. (2017). Di sản Giáo dục của Lý Quang Diệu: Các thách thức của sự thành công. NXB Springer Nature, Singapore.

Oon-Seng Tan

Trích "Những lá thư gửi tân Bộ trưởng Giáo dục" - Tác giả: GS: Fernando M. Reimers.

Dịch giả: Hoàng Anh Đức, Lê Anh Vinh

Bản quyền: Công ty Cổ phần Xuất bản và Dữ liệu ETS

'Những chiêm nghiệm của một Bộ trưởng Giáo dục đang ở cuối nhiệm kỳ gửi người kế nhiệm'

'Những chiêm nghiệm của một Bộ trưởng Giáo dục đang ở cuối nhiệm kỳ gửi người kế nhiệm'

"... nếu bạn vừa đảm nhận vai trò mới của mình trong Bộ Giáo dục, hãy cố gắng và đặt câu hỏi đúng về các vấn đề như tuyển sinh, chất lượng giáo dục hoặc các điều kiện ảnh hưởng đến sự biến động xã hội và kinh tế".