Trong khi Bộ GD-ĐT  tìm mọi cách để giảm tải cho học sinh thì chính các phụ huynh lại khiến cho việc học của các em quá tải với tham vọng thành tích.



Nguồn ảnh: Lao Động

Ngoài việc học ở trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội), em Nguyễn Khánh Ly còn phải theo học 3 lớp học thêm bên ngoài. Lịch học của em dày đặc đến mức em gần như không có thời gian để giải trí hay đi chơi với bạn bè.

Báo Lao Động trích lời của Khánh Ly cho biết, bố mẹ em bắt em học thêm là bởi “con của bạn bố mẹ cũng học thêm như thế”.

Còn chị Hương Giang (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) giải thích: do điều kiện sống bây giờ tốt hơn, nên phải tập trung đầu tư cho con cái thật tốt, nhất là việc học. Vì vậy, chị muốn con cái của mình được dạy dỗ tốt hơn khi học từ các thầy cô giáo.

Giải thích cho hiện tượng này, giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng chính vì tâm lí quá trọng bằng cấp đã phần nào ảnh hưởng đến suy nghĩ của các bậc phụ huynh. GS phân tích việc cha mẹ ép con học nhiều vì tưởng cứ thành tích tốt thì tương lai rộng mở, nhưng trên thực tế, chính họ tạo áp lực khiến các em thấy việc học ngày một nặng nề, phản tác dụng.

Thầy Phạm Văn Lâm - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Diễn (Hà Nội) cho biết: việc cho con học thêm là chính đáng, nhưng nếu học tràn lan sẽ dẫn tới tình trạng học sinh cái gì cũng biết nhưng cuối cùng chẳng biết cái gì.

Thí sinh hoang mang vì trường không rõ quy chế

Theo thông tin từ báo Thanh Niên, 371 thí sinh dự thi cao học vào tháng 8/2011 của trường ĐH Sư Phạm TPHCM thấy hoang mang trước thay đổi về việc miễn thi ngoại ngữ.

Trước đó, trường có thông báo miễn thi ngoại ngữ cho các thí sinh có bằng tốt nghiệp ĐH ngành ngoại ngữ, có bằng tốt nghiệp ĐH tại nước ngoài, có chứng chỉ TOEFL ITP 400, TOEFL iBT 32 hoặc IELTS 4.0 trở lên hoặc tương đương.

Tuy nhiên, ngày 23/8, tất cả thí sinh nhận được thông báo đều phải thi ngoại ngữ.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng - Phó hiệu trưởng đã nhận sai sót trong việc này. Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT về việc ban hành Quy chế đào tạo trình độ Thạc sĩ áp dụng cho khóa thi từ tháng 8/2011 không có điều khoản nào quy định miễn thi ngoại ngữ.

Trục lợi từ... thí sinh điểm thấp: Kẽ hở của quy chế

Theo báo Thanh Niên, Công ty cổ phần đầu tư phát triển GD&ĐT Thanh Hóa hiện có ngành nghề kinh doanh chính là “bán buôn đồ dùng khác cho gia đình - trừ buôn bán dược phẩm” tại trụ sở chính ở thôn 2 xã Quảng Hưng, TP Thanh Hóa.

Tuy nhiên ở đây chỉ có trường Trung cấp tư thục Bách nghệ do công ty này thành lập. Ngoài ra, khu vực xung quanh không thấy biển hiệu ghi trụ sở hoặc văn phòng của công ty.

 Khi đối chiếu với những ngành nghề kinh doanh mà công ty này đăng ký thì những ngành mà công ty đề nghị các trường đào tạo thực sự tréo ngoe. Ví dụ: trong các ngành nghề kinh doanh của công ty không thấy có ngành nào liên quan tới lọc hóa dầu, trắc địa, tự động hóa, khai thác mỏ... như công ty đề nghị ĐH Mỏ Địa chất đào tạo.

Công ty TNHH nhà nước một thành viên cơ khí Hà Nội cũng có những chuyện tương tự như công ty trên.

Lãnh đạo một số trường ĐH có đào tạo cho các công ty nói trên đều thừa nhận không thể kiểm soát được việc các công ty này có nhu cầu sử dụng nhân lực hay không, chỉ thấy họ đề nghị đào tạo để sử dụng thì đồng ý.

Năm nay, ngay từ trước khi diễn ra kỳ thi tuyển sinh ĐH, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã nhiều lần khẳng định không cấp chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội cho bất kỳ trường nào.

Thế nhưng, trên thực tế rất nhiều trường đã xin được đào tạo theo địa chỉ sử dụng để biến thành các chỉ tiêu đào tạo thu học phí cao bên cạnh đó vẫn tồn tại chương trình cử tuyển nhằm ưu tiên đào tạo nhân lực cho những vùng khó khăn. Đây chính là những yếu tố tạo nên thực trạng lộn xộn trên.

  • Diệu Thanh tổng hợp từ Lao Động/ Thanh Niên