- Hầu hết các trường ĐH trong vài năm trở lại đây không tuyển được nhân sự nên nhiều trường ĐH buộc phải thuê những giảng viên từ nơi khác.

Trong khi đó có không ít giảng viên trẻ lại không muốn đi tiếp con đường và sự nghiệp trồng người cao quý (vốn là ước mơ cao đẹp một thời) đang là một vấn đề gây đau đầu cho lãnh đạo các trường ĐH hiện nay.

Vì sao như vậy, vì sao đang có cơ hội được làm “thầy” biết bao người nhưng nhiều giảng viên trẻ lại “dứt áo ra đi”? Vấn đề này cần được nhìn nhận như thế nào?

{keywords}
Ảnh minh họa

1. Lãnh đạo thiếu quan tâm thậm chí… xem thường?

Đây có thể nói là nguyên nhân đầu tiên cũng là nguyên nhân chính đưa đến quyết định “dứt áo ra đi” của giảng viên trẻ hiện nay ở nhiều trường ĐH. Nhiều người khi phân tích vấn đề này cho rằng giảng viên trẻ khi mới về trường ĐH ít có điều kiện thăng tiến nên đã bỏ đi. Điều này là không sai nhưng nói như thế vẫn chưa thấy hết bản chất của vấn đề.

Về sâu xa có thể nói đây là vấn đề liên quan đến tâm lý muốn được khẳng định và chứng tỏ mình của những trí thức trẻ nói chung. Lãnh đạo nhiều trường ĐH hiện nay do không hiểu, không bao quát hết vấn đề nên đã xem nhẹ, coi thường vô tình đã gây nên một “chấn thương tình cảm” đối với nhiều giảng viên trẻ. Từ đó, đưa đến quyết định rời bỏ giảng đường mặc dù trong thâm tâm không ít giảng viên trẻ ước mơ làm thầy vẫn còn rất cháy bỏng.

Thực ra, khi đã xác định trở thành một giảng viên tương lai ở trường ĐH những trí thức trẻ không phải họ không ý thức được vấn đề được thăng tiến ở trường đại học là như thế nào. Đã xác định trở thành giảng viên thì vấn đề thăng tiến đối với họ thật ra cũng rất đơn giản.

Đó là được đứng lớp giảng dạy chứ không nhất thiết là được cử đi nước ngoài học tập – một mơ ước rất xa vời (dĩ nhiên nếu được thì càng tốt) hay trở thành lãnh đạo… Mà các giảng viên trẻ để có thể đứng lớp giảng dạy được thì bản thân phải chịu “thiệt thòi” ít nhất gì cũng năm, bảy năm. Khoảng thời gian này họ nhất định phải sống kham khổ để tự trau dồi và rèn luyện (vì chưa thể đứng lớp nên thu nhập rất ít).

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều trường đại học hiện nay ở nước ta, lãnh đạo rất ít người hiểu được tâm tư, nguyện vọng rất chính đáng này. Ở nhiều trường, các vị lãnh đạo tuy lúc nào cũng yêu cầu, cũng hô hào “giảng viên trẻ phải cố gắng học tập, nghiên cứu để trau dồi kiến thức” (điều này là hoàn toàn chính đáng) nhưng trên thực tế việc các giảng viên trẻ nghiên cứu, học tập như thế nào thì rất ít người quan tâm, giám sát để có thể đưa ra những lời khuyên và động viên tinh thần kịp thời cho họ.

Giảng viên trẻ gần như là “tự bơi”, tự tồn tại trong môi trường mà cấp trên mỗi khi nhắc đến tên đều luôn miệng phán một câu: “còn non quá, chưa đủ kinh nghiệm đâu!”. Vấn đề này dễ thấy nhất là ở những cuộc hội thảo và nghiên cứu khoa học trong và ngoài trường.

Các vị lãnh đạo thử nhìn lại xem mỗi khi trường mình được các đơn vị bạn mời tham gia hội thảo thì những giảng viên trẻ có mấy người được trường cử đi với tư cách là đại diện cho trường hay chỉ là những “cây đa cây đề” mới được nhà trường ưu ái, giảng viên trẻ chỉ đi theo với tư cách trợ giúp. Chỉ những cây đa cây đề mới được nhà trường điều riêng chở đi còn giảng viên trẻ thì tự túc...

Về vấn đề nghiên cứu khoa học ở trường cũng vậy, có không ít các giảng viên “lão làng” khi thẩm định đề tài nghiên cứu của giảng viên trẻ thường chỉ cần “liếc sơ” ngang là đưa ra kết luận đánh giá (đó là chưa nói không ít người vì động cơ cá nhân nào đó đã cố tình đánh giá, nhận xét thiếu công tâm để vùi dập những người trẻ (vì họ biết giỏi hơn họ); hoặc có những người tuy không có chuyên môn nhưng cũng “thích” ngồi vào ghế hội đồng khoa học của trường để thẩm định đề tài).

Đây có thể nói là một trong những việc làm rất tệ hại của các vị “cây đa cây đề” đối với các giảng viên trẻ. Tuy không nói ra nhưng trong lòng các giảng viên trẻ cảm thấy rất thất vọng và chán nản bởi cảm giác bị người đi trước xem thường.

Cho dù những đánh giá của “các vị tiền bối” là chính xác đi chăng nữa thì việc làm qua quýt ấy cho thấy một sự thiếu tôn trọng đối với các giảng viên trẻ. Bởi dù sao những công trình kia cũng là thời gian và công sức, tâm huyết mà họ đã đầu tư vào.

Tóm lại, có thể nói những vấn đề trên là nguyên nhân sâu xa nhất làm cho giảng viên trẻ ngày càng trở nên chán nản, mất hết niềm tin và động lực phấn đấu nên đã quyết định “dứt áo ra đi” từ bỏ ước mơ làm thầy. Ở góc độ nào đó có thể nói, đây chính là tâm lý bảo thủ của nhiều lãnh đạo - một hạn chế mang tính cố hữu trong tư duy đào tạo và quản trị nhân sự của ta hiện nay chứ không riêng gì ở các trường đại học.

2 Giảng viên trẻ - “có tiếng nhưng không có miếng!”

Vấn đề này nói huỵch tẹt ra đó là chuyện thu nhập không đủ sống của giảng viên trẻ hiện nay. Nhiều người cho rằng vấn đề thu nhập không phải là nguyên nhân chính để giảng viên rời bỏ giảng đường. Nói như thế là nói dối. Là giảng viên ĐH mà lương không đủ sống thì tâm trí đâu để đầu tư cho việc nghiên cứu và giảng dạy.

Những giảng viên trẻ có năng lực và đạo đức họ thấy nhà trường trả công như thế là không thỏa đáng không sớm thì muộn họ cũng sẽ bỏ đi. Đó là một thực tế cần phải dũng cảm nhìn nhận.

Như đã nói với một trí thức trẻ được tuyển dụng vào làm giảng viên ở trường ĐH thời gian đầu đối với họ chắc chắn là chỉ học tập nghiên cứu để được lãnh đạo tin tưởng cho đứng lớp giảng dạy. Để đạt được mục tiêu này, ít nhất họ phải mất trung bình từ 5 - 7 năm (hoặc nhiều hơn nữa) ngồi nghiên cứu, soạn bài và theo dự thính hay trợ giảng cho những giảng viên đi trước. Năm, bảy năm trời trau dồi để có thể đứng lớp làm thầy người khác, để được gọi là giảng viên đại học (nghe thật oách) là xứng đáng nhưng năm, bảy năm để chỉ được ngoài hai tiếng giảng viên ngoài ra cuộc sống bản thân thì túng quẩn, nghèo khó thì thật là chua xót (Ở đây chưa nói đến chuyện giảng viên trẻ còn phải mua sách vở, tài liệu, dụng cụ học tập để nghiên cứu trau dồi thêm...)

Một giảng viên trẻ trong tương lai phải gánh trên mình cả một sự nghiệp trồng người thiêng liêng và cao cả mà cuộc sống lay lắt như thế làm sao mà không chán nản cho được. Đây có thể nói là một bất công lớn đối với các trí thức trẻ với ước muốn trở thành giảng viên ĐH hiện nay. Bởi vì cùng thời gian ấy, với trình độ và năng lực ấy họ cũng không khó khăn gì để tìm cho mình một chỗ làm mà thu nhập có khi cao gấp mấy lần ở trường ĐH.

Có thể nói chính sự bất công này đã làm cho các giảng viên trẻ bị dao động khi nhìn sang các bạn bè đồng trang lứa. Các vị lãnh đạo thử hình dung, một sinh viên ra trường năm 22 tuổi, nếu ở lại trường đại học làm giảng viên thì mất thêm 5, 7 năm nữa lúc ấy đã là tam thập nhi lập. Nửa đời người phấn đấu để rồi lúc ngẩng mặt lên trong khi bạn bè mình ở môi trường khác có đứa đã là giám đốc một công ty nào đó, cuộc sống vô cùng thoải mái về vật chất còn mình thì vẫn chỉ đi “lượm bạc cắc” (trong khi tài năng thì như nhau thậm chí là giỏi hơn nữa) thì thử hỏi làm sao mà không chạnh lòng. Vì thế, cuối cùng sau nhiều lần cân nhắc, nhiều giảng viên trẻ thấy rằng để lập thân bằng con đường trở thành giảng viên đại học hiện nay thật vô cùng khắc nghiệt nên họ đành “dứt áo ra đi” thôi. Điều này cũng là lẽ đương nhiên vì cuộc sống nếu chỉ “có tiếng mà không có miếng” thì cũng chẳng hạnh phúc gì.

***

Nói tóm lại, các vị lãnh đạo ở các trường ĐH hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh và vị trí của một giảng viên trẻ để hiểu và thông cảm cho họ. Mang danh là giảng viên một trường ĐH mà bản thân không được lãnh đạo quan tâm, động viên; ngoài ra cuộc sống thì lay lắt, tạm bợ chỉ “có tiếng mà không có miếng” thì hỏi sao họ không từ bỏ ước mơ làm Thầy tuy rất cao đẹp nhưng đầy “mạo hiểm” ấy.

Hãy hiểu và quan tâm giảng viên trẻ bởi vấn đề này về lâu dài nếu chúng ta không tìm phương án khắc phục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc đổi mới và phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa mà giáo dục được xem là một trong những khâu quan trọng nhất.

  • Nguyễn Trọng Bình (Giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Cửu Long)