Tại Lễ Khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể trong những thập niên tới là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả những bài viết theo chủ đề này với mong muốn góp tiếng nói để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu đề ra.

Xây dựng mạng lưới chuyên gia lan toả toàn quốc

Đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đang được Bộ TT&TT phối hợp xây dựng đã xác định rõ: “Đào tạo kỹ năng chuyển đổi số, công nghệ số, dịch vụ số, kinh doanh số, xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số trên toàn quốc để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số là yếu tố then chốt, góp phần đảm bảo công cuộc chuyển đổi số quốc gia thành công. Phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số là nền tảng quan trọng, góp phần đảm bảo tiến trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhanh, hiệu quả và bền vững”.

{keywords}
 

Cùng với việc xây dựng, phát triển mạng lưới chuyển đổi số quốc gia và cấp bộ, tỉnh, cần lựa chọn, đào tạo, tập huấn đội ngũ tối thiểu 1.000 chuyên gia về chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực, địa phương. Các chuyên gia này sẽ tiếp tục đào tạo lại cho cán bộ liên quan ở cơ quan, tổ chức mình và trở thành lực lượng nòng cốt để dẫn dắt, tổ chức lan tỏa tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp cũng cần chú trọng tổ chức đào tạo ngắn hạn về kỹ năng chuyển đổi số, kỹ năng số cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị. Xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến mở về kỹ năng chuyển đổi số để tổ chức các khoá đào tạo trực tuyến mở về kỹ năng chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng CNTT cho đông đảo công chức, viên chức, người lao động và người dân.

Đưa kiến thức, kỹ năng số vào hệ thống từ tiểu học đến đại học

Để giải quyết một cách căn cơ bài toán nhân lực cho chuyển đổi số, nhất là phát triển xã hội số, cần triển khai giáo dục kiến thức, kỹ năng số trong cơ sở giáo dục các cấp. Mục tiêu cần đạt được trong các giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030 lần lượt là 50% và 90% tổng số cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các môn học giáo dục về kỹ năng số, công nghệ số và giáo dục STEM/STEAM/STEAME.

Với nhân lực chuyên nghiệp về CNTT, chuyển đổi số, cần đẩy mạnh đào tạo các chuyên ngành về công nghệ số, kinh tế số và xã hội số. Mở các chuyên ngành mới và tăng chỉ tiêu đào tạo kỹ sư, cử nhân trong các trường đại học, cao đẳng và kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật về: công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, IoT, Blockchain...; kỹ thuật ứng dụng công nghệ số; kinh tế số như quản trị số, kinh doanh số...; xã hội số như truyền thông số, quản trị xã hội số...

Tiên phong trong làn sóng mới

Từ khi được ban hành đến nay mới chỉ hơn 6 tháng, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia do Bộ TT&TT chủ trì xây dựng và triển khai đã tạo nên một làn sóng chuyển đổi số sâu rộng khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước. Trong tiến trình đó, các đơn vị đều đánh giá phát triển nhân lực chuyển đổi số là việc cấp bách, là nền tảng quan trọng.

Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh Lê Ngọc Hân cho biết, tỉnh đã được tham mưu đưa chương trình đào tạo chuyển đổi số trở thành chương trình đào tạo có tính chất thường xuyên, hàng năm với cán bộ, công chức, viên chức từ cấp xã, phường trở lên. Chuyển đổi số sẽ trở thành một trong những học phần bắt buộc, nằm trong chương trình đào tạo chung dành cho các cán bộ từ cấp thôn, bản, xã, phường cho đến huyện, thị.

Thái Nguyên cũng xác định đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới. Tỉnh sẽ chủ động liên kết với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và các đối tác trong và ngoài nước, đẩy mạnh hợp tác với Đại học Thái Nguyên để đào tạo nguồn nhân lực.
Nhiều cơ sở đào tạo xác định chuyển đổi số chính là “chuyển đổi trường đại học thành quốc gia số thu nhỏ”, với tinh thần nghĩ ngược, làm ngược, thay đổi hoàn toàn cách thức dạy, học cũng như đánh giá, ai cũng có cơ hội học tập suốt đời.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã và sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo, mở thêm các ngành đào tạo mới có lai ghép ICT. Ngay trong năm 2020, Học viện đã đổi mới chương trình Kỹ thuật Điện tử Viễn thông, mở mới 2 ngành Kỹ thuật điều khiển & Tự động hóa (Định hướng robotic), Công nghệ tài chính (Fintech). Hiện trường đang tiếp tục xây dựng chương trình để tiến tới mở mới 2 ngành Kỹ thuật dữ liệu và IoT trong năm 2021. Logistic và Báo chí số là những ngành học sẽ tiếp tục được nghiên cứu để mở trong tương lai gần.

Ở cấp độ quốc gia, một trong sáu nội dung hợp tác chính giữa Bộ TT&TT với Bộ GD-ĐT là phối hợp đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra nhân lực CNTT, nhân lực chuyển đổi số; truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) Nguyễn Thị Thu Giang nhấn mạnh: Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, công tác đào tạo nhân lực ICT của các trường buộc phải thay đổi. Các trường cần kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp CNTT để nắm bắt được doanh nghiệp, thị trường đang cần nhân lực có những kiến thức, kỹ năng mới gì nhằm bổ sung kịp thời, điều chỉnh chương trình, kế hoạch đào tạo phù hợp.

Chuyển đổi số là tất cả lên online. Vì lên online mà nhiều cái cũ phải thay đổi cho phù hợp môi trường mới, nhiều cái mới sẽ xuất hiện trên môi trường mới. Cái cũ nào phải thay đổi và cái mới nào xuất hiện sẽ là không gian sáng tạo vô cùng to lớn cho người trong cuộc, tức là những người đi tiên phong. Một khi bài toán nhân lực cho chuyển đổi số quốc gia được giải với tinh thần dám nghĩ lớn, nghĩ khác, sự sáng tạo, tiên phong cùng với niềm tin kiên định, thì những bước bứt phá vươn lên thành nước phát triển, hùng cường thịnh vượng sẽ đến ngày càng gần. 

Vân Anh

Chủ động tiếp cận cơ hội từ kinh tế số

Chủ động tiếp cận cơ hội từ kinh tế số

Việt Nam đang chủ động tiếp cận cơ hội từ kinh tế số cho tăng trưởng kinh tế. Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều đang hưởng nhiều lợi ích khi chuyển đổi số khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, đơn giản hơn.