TS Nguyễn Đông Hải (sinh năm 1983) bắt đầu vào hàng ngũ giáo sư trong hệ thống đại học ở Mỹ vào tháng 8/2016 khi được mời làm giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Creighton. Một năm sau, tháng 7/2017, anh trở thành Giáo sư Vật lý chính thức tại ĐH Tennessee Wesleyan.

Nhìn lại quãng đường đã trải qua, TS Hải cho biết còn rất nhiều điều anh đã từng “không dám mơ”, “không thể nghĩ”.

“Năm 2001, khi thi rớt đại học ngành sư phạm Vậy lý, làm sao tôi dám mơ là 5 năm sau sẽ tốt nghiệp Thủ khoa ngay chính ở đó. Năm 2006 tốt nghiệp đại học, khi tôi mới lờ mờ tìm hiểu chuyện du học, thì làm sao dám mơ 5 năm sau sẽ tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ. Năm 2011, tốt nghiệp TS Vật lý tại ĐH Kansas State (Mỹ) xong là về Việt Nam ngay, làm sao tôi có thể nghĩ 5 năm sau sẽ trở thành giáo sư ở Mỹ...”.

{keywords}
Anh Nguyễn Đông Hải trong ngày nhận bằng tiến sĩ tại ĐH Kansas State, năm 2011

12 năm học phổ thông của cậu học trò Nguyễn Đông Hải trôi qua êm đềm, với những lời nhận xét "ngoan, hiền, chăm học" từ các thầy cô chủ nhiệm.

Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai), Hải dự thi vào ngành Sư phạm Vật lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhưng không trúng tuyển.

Một năm sau, Hải mới thành công. Và tới năm 2006, Hải tốt nghiệp Thủ khoa ở chính trường đại học này.

“Khi ta có một điều gì đó để đam mê và một sự nhiệt thành để theo đuổi tới cùng và thực hiện đam mê đó một cách tốt nhất, thì ta chắc chắn sẽ thành công” - Hải đúc kết.

20 năm với nhiều thay đổi, “nhưng trong tôi có những điều còn nguyên vẹn là sự đam mê Vật lý nói riêng và khoa học nói chung, đam mê tìm hiểu và chia sẻ những kiến thức khoa học đó cho người khác. Đó cũng là hành trang trong suốt con đường đi dạy của tôi”.

Dù đang sống và làm việc ở Mỹ nhưng anh “tự thú”, tâm hồn lúc nào cũng nghĩ về Việt Nam, mong muốn được cống hiến cho quê hương.

“Tôi mong giúp giáo viên nâng tầm bản thân mình”

Sau học kỳ mùa xuân và mùa thu ở Mỹ, Hải thường dành kỳ nghỉ hè và nghỉ đông để trở về Việt Nam. Trong thời gian này, anh đã tổ chức các khóa học bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông, thực hiện các chương trình, dự án giáo dục và nhiều thiện nguyện.

{keywords}

{keywords}

TS Nguyễn Đông Hải trong các chuyến làm từ thiện tại Việt Nam

TS Hải cho biết từ khi còn dạy ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, anh hay nói với sinh viên rằng một giáo viên cần 4 yếu tố: giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ, thông thạo ngoại ngữ và có đạo đức.

“4 yếu tố này quan trọng như nhau và sẽ hình thành nên một giáo viên. Ở Việt Nam mọi người đang quan tâm đến nâng ngạch, bậc nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng là nâng tầm cho giáo viên.

Với tôi, nâng tầm là ít nhất nâng được 1 trong 4 yếu tố này”.

Giải thích cụ thể, TS Hải cho rằng nếu mới ra trường, kiến thức chuyên môn chưa vững, thì giáo viên tiếp tục học hỏi, đọc sách. Sau vài năm, kiến thức nhiều hơn, giáo viên có thể biến hóa với những kiến thức đó thì tức là đã được nâng lên một tầm cao mới.

Hay trước đây đi giảng, kiến thức đó giáo viên hiểu nhưng nói mãi học sinh vẫn ngơ ngác. Sau này, giáo viên đã biết nói sao cho học sinh hiểu, có phương pháp tổ chức lớp học hiệu quả, thì đó cũng là nâng tầm.

Trước đây đụng tới tìm tài liệu là chỉ dùng Tiếng Việt, nay vốn Tiếng Anh đã nâng cao, giáo viên tự tin lên mạng tìm tài liệu. Trước sống vị kỷ nay biết vị tha hơn, tốt lành hơn, biết nghĩ cho người khác hơn… Đó chính là nâng tầm, tức là có sự tiến bộ đáng kể và thiết thực trong việc phát triển bản thân và nghề nghiệp.

Mặc dù mở nhiều lớp bồi dưỡng cho giáo viên và sinh viên sư phạm, nhưng theo TS Hải, không nhiều học viên có thể thực hiện được trọn vẹn giáo án.

“Tình trạng chung là học viên của các lớp này nếu là sinh viên thì bận học nhiều môn ở trường, rồi đi dạy thêm, làm thêm ngoài giờ; còn giáo viên thì bận dạy và sổ sách ở trường, bồi dưỡng chương trình nên không có nhiều thời gian và sức lực để học thật chất lượng. 

Bên cạnh đó, việc tạo một nguồn cảm hứng và động lực cho giáo viên tham gia các khóa học bồi dưỡng về tiếng Anh để nâng tầm bản thân là rất quan trọng. Để làm được điều đó thì rất cần những chính sách từ nhà trường, các cấp quản lý giáo dục, hỗ trợ và đãi ngộ xứng đáng với những giáo viên có trình độ tiếng Anh chuyên ngành tốt.

{keywords}
TS Nguyễn Đông Hải trong buổi nói chuyện với các Phật tử ở chùa Thiên Quang, Bình Dương

TTS Hải cho biết anh và các cộng sự vẫn sẽ tiếp tục mở các khóa bồi dưỡng như vậy. Bởi, anh là người trực tiếp đứng lớp, khi dạy truyền hết tâm huyết, máu lửa và các giáo viên tham gia luôn cảm nhận được điều này.

“Sau khóa học, ngoài việc các học viên đã hết sợ Tiếng Anh, đã tự tin tra cứu tài liệu bằng Tiếng Anh, thì điều mà tôi cảm thấy vui nhất là họ đã ít nhiều được truyền cảm hứng để tự tin hơn trên con đường nghề nghiệp của mình”.

Giáo viên không thể cho học sinh cái mà họ không có

TS Hải cho biết nhiều giáo viên trẻ tâm sự với anh rằng sau khi đã học xong đại học sư phạm hoặc thậm chí cao học, thậm chí đi dạy vài năm, vẫn không hiểu tường tận những kiến thức Vật lý phổ thông trong SGK mà họ dạy cho học sinh hàng ngày. Và do đó, họ rất dễ bị "bí" trước những câu hỏi ngược lại từ học sinh. Vì vậy, những giáo viên này chọn giải pháp an toàn là bám sát SGK, không dám nói nửa lời ra khỏi SGK, không dám kích thích học sinh tư duy và đặt câu hỏi phản biện về kiến thức họ dạy.

Theo TS Hải, hiện tượng trên không phải do chương trình đào tạo của các trường đại học sư phạm.

“Chất lượng đào tạo sư phạm ổn, thậm chí vài năm gần đây còn tốt hơn chất lượng đào tạo hồi tôi đi học. Nhưng vấn đề là chất lượng sinh viên” – anh Hải khẳng định. 

“Giai đoạn 4 năm đại học là thời gian vàng, rất quan trọng để định hình các bạn là ai trong cuộc đời này. Thế nhưng, sinh viên bây giờ điện thoại di động đến từng ngón tay, internet khắp nơi… Các bạn cũng dành quá nhiều thời gian cho tụ họp bạn bè, mua sắm… nên bị xao nhãng, không tập trung học nên không giỏi. 

Tâm lý học cho qua, cho xong, học sao ra trường là được vẫn còn trong các bạn sinh viên. Vậy thì làm sao ra trường đủ chuyên môn đi dạy?

Một thầy cô giáo kiến thức chuyên môn không vững, thiếu đam mê, thậm chí không có đam mê với môn mình dạy thì làm sao dạy học sinh cho tốt? Và kể cả có học thạc sĩ rồi thì các bạn vẫn phải đi dạy từ 3-5 năm mới giỏi được”.

“Đam mê” cũng chính là điều mà TS Hải nhắc đi nhắc lại trong các cuộc trò chuyện.

“Giáo viên không có kiến thức không thể cho kiến thức. Giáo viên không có đam mê với nghề không thể khiến học sinh đam mê với công việc sau này. Tôi hay nhắc sinh viên trong 4 năm đại học hãy học cho chất lượng, những việc khác có thể làm sau”.

Với các bạn trẻ muốn theo nghề dạy học, điều đầu tiên cần làm, theo TS Hải, là “Hãy tự hỏi bản thân có cảm thấy vui khi lĩnh hội kiến thức mới – niềm vui của sự khám phá, và các bạn có muốn chia sẻ niềm vui đó cho người khác hay không. Nếu câu trả lời là có, bạn phù hợp với nghề dạy học, và ngược lại”.

“Thứ hai, là kiên trì theo đuổi mục tiêu mình đặt ra” – TS Hải nhấn mạnh.

“Đặc biệt, nghề dạy học đang chịu nhiều áp lực. Các bạn phải thật yêu nghề, yêu trẻ yêu kiến thức thì mới có thể làm tốt công việc trong bối cảnh này.

"Một khi đã đi thật xa, thì sẽ mong muốn được trở về, bởi lẽ cánh chim nào mà không có tổ. Trở về để được đứng trên mảnh đất quê hương mình, để được nghe ngôn ngữ thân thuộc, để được hòa cùng với đồng bào mình, và để đem những gì tích lũy được ở phương xa về phụng sự cho quê hương mình. Chỉ khi đó thì sự đi xa mới thật sự có ý nghĩa" - TS Nguyễn Đông Hải.

Ngân Anh