Ngày 1/4, học sinh Triều Tiên sẽ bước vào năm học mới. Ngay trước ngày khai trường, giới chức lãnh đạo nước này công bố hệ thống giáo dục phổ cập 12 năm sẽ chính thức được áp dụng “đầy đủ” kể từ năm nay.

Bậc tiểu học tăng thêm 1 năm

Tờ Rodong Sinmun, nhật báo của Đảng Công nhân cầm quyền bình luận về quyết định phổ cập giáo dục 12 năm như sau: “Đó là những thành tựu đáng tự hào mà Đảng đã dành cho thế hệ tương lai”.

Quốc hội Triều Tiên đã phê chuẩn hệ thống phổ cập giáo dục 12 năm trong phiên họp tháng 9/2012, với sự hiện diện của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhưng việc thực thi bị trì hoãn từ đó đến nay bởi thiếu nguồn lực.

{keywords}

Hiện tại, học sinh Triều Tiên được học phổ cập 11 năm: 1 năm mẫu giáo, 4 năm tiểu học và 6 năm trung học.

Hệ thống phổ cập GD 12 năm mới sẽ gồm 1 năm mẫu giáo, 5 năm tiểu học, 3 năm THCS và 3 năm THPT.

Theo Yang Moo-jin, giảng viên Đại học Triều Tiên học tại Seoul, Hàn Quốc, thì việc nới rộng phổ cập giáo dục lên 12 năm thể hiện “Kim Jong-un quan tâm sâu sắc tới hệ thống GD thế hệ tương lai”.

Mặc dù, hệ thống GD Triều Tiên tương đối bí ẩn với thế giới nhưng những người đã từng đến Triều Tiên ghi nhận nước này có sự đầu tư đặc biệt cho trẻ em, ít nhất là học sinh tại thủ đô Bình Nhưỡng. Nhiều công trình được xây dựng quy mô và tốn kém như cung thiếu nhi và nhiều khu nhà trẻ hoành tráng. Cung thiếu nhi Bình Nhưỡng mỗi ngày tiếp nhận tới 5.000 lượt học sinh tới học thêm nghệ thuật hay thể thao.

Vận động tự thân

Bên cạnh sự đầu tư nhà nước cho giáo dục trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn vì cấm vận, người dân Triều Tiên cũng ngày càng ý thức hơn đầu tư cho học hành của con cái.

Giống như ở nhiều quốc gia châu Á, cuộc đua tới cánh cổng trường đại học bắt đầu từ mẫu giáo. Trẻ con nhà “có điều kiện” cần học nhiều hoạt động nghệ thuật - như chơi nhạc cụ hoặc khiêu vũ - những kĩ năng thiết yếu để bước vào tầng lớp trên của xã hội Triều Tiên. Chỉ số ít trường mẫu giáo có tiếng mới đưa giáo dục nghệ thuật vào chương trình giáo dục.

Mức độ cạnh tranh tăng lên khi học sinh vào cấp tiểu học. Phụ huynh phải đầu tư mạnh cho con các môn như Toán và Tiếng Triều Tiên để có thể thi được vào trường nội trú - loại trường này mỗi tỉnh chỉ có duy nhất 1 trường và được gọi là “trường trung học hạng nhất”.

Học sinh ở trường trung học hạng nhất được hưởng nhiều đặc ân. Được miễn trừ khỏi các hình thức lao động, giúp có nhiều thời gian hơn cho ôn thi đại học và cũng cho phép trẻ chọn thời điểm đi nghĩa vụ quân sự.

Một số gia đình giàu có ở Triều Tiên thậm chí góp tiền mua nhà làm chỗ mở lớp dạy thêm cho con cái họ.

Sau khi học sinh vào trường trung học - rào cản tiếp theo là kì thi đại học. Những trường trung học bình thường chia học sinh thành 2 luồng - một vào đại học và một không vào đại học. Học sinh ở luồng không vào đại học chủ yếu gia nhập quân đội ngay sau khi tốt nghiệp. Vì vậy mà phụ huynh thường “quà cáp” để giáo viên đưa con họ vào luồng đại học và tiến cử thi đại học.

Tại Triều Tiên, tấm bằng đại học có ý nghĩa thiết yếu tìm việc làm “cổ cồn trắng” hoặc đi sâu vào chính trường.

Hệ thống giáo dục phổ cập do nhà nước đài thọ hoàn toàn mang đến cho trẻ 12 năm học miễn phí, từ tiểu học cho tới hết phổ thông. Tuy nhiên, trong hệ thống GD “bao cấp” này, đã không còn hiếm chuyện phụ huynh cho con đi luyện thêm các môn như Toán và Tiếng Triều Tiên.

Thanh Anh (Theo Yonhap News)