- Các biện pháp hiện nay phần lớn chỉ chú tâm đến chữ “Lợi” và bỏ quên chữ “Quyền”.

GS Trương Nguyện Thành, hiện đang giảng dạy tại Trường ĐH Utah (Mỹ) đồng thời là Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP.HCM nhìn nhận như vậy trong cuộc trao đổi với VietNamNet nhân chuyện Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ ngành liên quan đề xuất các biện pháp thu hút và sử dụng du học sinh Việt Nam tốt nghiệp về nước làm việc.


{keywords}
GS Trương Nguyện Thành hiện đang làm việc tại Khoa Hóa, Trường ĐH Utah (Mỹ) đồng thời là Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP HCM. Ảnh: FBNV

Phóng viên: Thưa GS Trương Nguyện Thành, nhiều sinh viên Việt Nam học tập tại nước ngoài sau khi tốt nghiệp thường không về Việt Nam làm việc. Theo ông, đâu là lý do của hiện trạng này?

GS Trương Nguyện Thành: Tôi cho rằng, chỉ có một lý do và nó xuất phát từ quyền tự do căn bản của con người đó là quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân.

Khi con người có sự lựa chọn nơi làm việc thì họ sẽ lựa chọn nơi đem lại cho họ những hạnh phúc cá nhân nhiều nhất, trong đó có cơ hội phát triển cho mình.

Về Việt Nam chỉ là một trong những lựa chọn. Nếu quyết định không về điều này đồng nghĩa là họ có sự lựa chọn tốt hơn.    

- Nhiềungười rằng môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ chính là hai lý do lớn nhất khiến các du học sinh lựa chọn "đi" nhiều hơn "về". Ông nghĩ sao?

Tôi vừa làm xong một trưng cầu ý kiến trên Mạng Liên Kết Trí Thức Việt Toàn Cầu (International Vietnamese Academics Network) về vấn đề này.

Kết quả cho thấy hai yếu tố chính cho quyết định ‘ở’hay ‘về’ của một cá nhân đó là môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ. 

Theo tôi biết, các du học sinh trở về Việt Nam thì đa số làm cho công ty nước ngoài.

Điều này cho thấy các công ty nước ngoài đáp ứng được hai nhu cầu đó.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thì đa số vẫn còn vướng trong tư duy quản lý nhỏ lẻ nên không tạo được sân chơi lý tưởng cho những người tài năng. Trong khi đó, rất ít người trở về làm việc trong cơ quan nhà nước, trừ trường hợp các tiến sĩ nước ngoài về giảng dạy ở các trường đại học.

Vậy ông đánh giá thế nào về các chính sách thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao (du học sinh, trí thức Việt kiều) về làm việc trong các cơ quan nhà nước hiện nay?

- Cơ quan nhà nước Việt Nam nếu muốn thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao thì điều trước tiên cần phải hiểu rõ đối thủ cạnh tranh cho nguồn nhân lực đó là ai.

Nếu nguồn nhân lực này hiện tại còn ở nước ngoài thì đối thủ cạnh tranh sẽ là toàn cầu.

Còn nếu nguồn nhân lực này ở Viêt Nam (đã quyết định về Việt Nam vì một lý do nào đó) thì đối thủ cạnh tranh sẽ là doanh nghiệp nước ngoài.

Trước khi nghĩ đến chính sách ‘thu hút’ nguồn nhân lực hiện đang ở nước ngoài thì điều trước tiên cần phải chứng tỏ khả năng thu hút nguồn nhân lực này hiện ở trong nước.

Và nếu chú trọng vào nguồn nhân lực trong nước thì không cần phải phân biệt là du học hay đào tạo trong nước mà thước đo phải là tài năng của từng cá nhân được đánh giá bởi hiệu quả công việc.  

Hiện tại, việc tuyển chọn nhân viên ở các cơquan nhà nước còn nặng nề với công thức nổi tiếng ‘Nhất hậu duệ, nhì quan hệ,và ba là tiền tệ’.

Trong khi đó tài năng là yếu tố duy nhất trong qui trình tuyểnchọn ở các công ty nước ngoài. Nếu muốn có người tài thì điều trước tiên là đưa yếu tố tài năng lên hàng đầu trong qui trình tuyển chọn.

Một khi có khả năng tuyển người tài thì cần có môi trường làm việc để họ có thể thi triển tài năng của họ. 


{keywords}
Cơ chế hành chính nặng nề và trói buộc nhân viên là lý do các cơ quan nhà nướckhông thu hút được những người tài. Ảnh minh họa.

Với kinh nghiệm làm việc trong cơ quan nhà nước tại Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP.HCM tuy được một số cơ chế đặcthù, tôi vẫn thấy rằng cơ chế hành chính ở các cơ quan nhà nước còn quá nặng nề và đang trói buộc nhân viên.

Chính những cơ chế này làm môi trường làm việc trở nên gò bó và nhàm chán. Do đó nó không thu hút được người tài mà chỉ thu hút người muốn ăn lương và hưởng lộc nhà nước.

Vậy từ quan điểm cá nhân, ông cho rằng nhà nước cần thực hiện những biện pháp nào để thu hút, sử dụng các du học sinh nước ngoài mà rộng hơn là các trí thức ViệtNam đang học tập và làm việc ở nước ngoài?

- Tôi nghĩ cần các biện pháp thu hút người tài chứ không nên phân biệt họ đang ở nước ngoài hay là người trong nước.

Tôi cho rằng, cần thực hiện ít nhất 3 biện pháp như sau:

Thứ nhất, đặt trọng tâm hàng đầu vào tài năng trong việc tuyển chọn nhân viên.

Thứ hai, cởi bỏ các cơ chế hành chính và quản lý đa chiều nặng nề ở các cơ quan nhà nước.

Thứ tư, có chế độ đãi ngộ tương ứng với hiệu quả công việc.

Không phải tới hiện tại việc thu hút nhân tài từ nước ngoài về nước mới được đặt ra. Theo GS, làm thế nào để những biện pháp sắp tới của Chính phủ có hiệu quảt hực sự?

- Hơn 10 năm nay tôi về Việt Nam thường xuyên nên biết Chính phủ đề cập đến vấn đề thu hút nhân tài từ nước ngoài hàng năm nhưng vẫn không đi đến đâu.

Cá nhân tôi cho rằng, Chính phủ nên học cách Nhât Bản, Đài Loan, Hàn Quốc trong việc thu hút nhân tài về giúp nước. 

Các quốc gia này đi tìm những “con ong chúa” rồi tạo mọi điều kiện để những con ong chúa này phát triển thành những tổ ong.

Chính những "con ong chúa" này sẽ thu hút những con ong thợ. Muốn thu hút được những ong chúa này thì vấn đề không phải chỉ ở chế độ đãi ngộ mà là môi trường trong đó cho phép họ quyền quyết định xây dựng tổ ong như thế nào.  Nói một cách khác, "trách nhiệm đi đôi với quyền lợi".

Tôi nghĩ, các biện pháp hiện nay phần lớn chỉ chú tâm đến chữ “Lợi” và bỏ quên chữ “Quyền”. 

GS Ngô Bảo Châu từng phát biểu rằng: "Chất xám sẽ chạy về nơi chất xám muốn ở". Ông nhìn nhận thế nào về quan niệm này?

- Tôi hoàn toàn đồng ý.

Tôi vẫn thường nói "Đất lành chim đậu". Chính phủ không cần phải nghĩ đến việc trải thảm như thế nào để thu hút người tài mà nên nghĩ cách tạo đất (môi trường) cho tốt thì chim sẽ bay về đậu.

Người tài khi được đào tạo tốt thì có khả năng đánh giá cơ hội phát triển chính xác hơn.

Do đó, không một chính sách trải thảm nào có thể gạt được họ. Cho dù có gạt được thì họ cũng sẽ bỏ đi khi biết được sự thật.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

  • Lê Văn - Hạ Anh (Thực hiện)

Đề xuất chính sách trong tháng 7

Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo, nhiều học sinh, sinh viên đi học tập ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí khác nhau (từ ngân sách nhà nước, học bổng của Chính phủ và cơ sở đào tạo nước ngoài, tự túc kinh phí), trong đó nguồn kinh phí tự túc của gia đình người học là chủ yếu. Đây là nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp chưa phát huy tốt vai trò, khả năng của mình do chưa có các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực này.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tổng thể và đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút, sử dụng có hiệu quả học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp đóng góp xây dựng đất nước; báo cáo Chính phủ trong phiên họp tháng 7/2016.

(Theo Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ)