Mark Cuban, chủ sở hữu của đội bóng Dallas Mavericks, đã đăng ký theo học ngành kinh tế thuộc Đại học Pittsburgh, sau đó chuyển đến Đại học Indiana để học thêm về chuyên ngành kế toán.

Trong thời gian theo học ở Đại học Indiana, Mark Cuban đã lén theo học các lớp MBA, cho đến tận khi nhà trường phát hiện ra Mark Cuban mới chỉ 18 tuổi và chưa từng đăng ký các lớp này. Cuối cùng, vị tỷ phú sinh năm 1958 đã tốt nghiệp đại hoc với tấm bằng kinh doanh tổng hợp.  

“Ngay từ khi mới 12 tuổi, tôi đã chắc chắn rằng mình phải xây dựng được một sự nghiệp kinh doanh riêng. Vì vậy, tôi đã chọn theo học ngành này”. Mark Cuban là một trong 62 tỷ phú thuộc danh sách Forbes 400 của Mỹ từng theo học chuyên ngành kinh doanh khi còn là sinh viên đại học.

{keywords}
3 chuyên ngành học phổ biến nhất được các vị tỷ phú theo đuổi là kinh doanh, kinh tế và kỹ thuật 

Những vị tỷ phú nổi tiếng khác cũng từng theo học chuyên ngành này bao gồm: Warren Buffet, Marc Benioff, Jim Walton,... Điều này khiến cho tấm bằng kinh doanh trở thành bằng cấp phổ biến nhất trong giới tỷ phú của Mỹ theo học, xếp sau đó là chuyên ngành kinh tế và kỹ thuật.

Thống kê cho thấy có 58 tỷ phú thuộc Fobres 400 từng học chuyên ngành Kinh tế. Điển hình gồm có ông chủ đội bóng chày New York Mets Steve Cohen (Đại học Pennsylvania), cặp song sinh tỷ phú Bitcoin Cameron và Tyler Winklevoss (Đại học Harvard) và nhà sáng lập công ty môi giới cùng tên Charles Schwab (Đại học Stanford).

Cũng có đến 55 thành viên Fobres 400 sỡ hữu tấm bằng kỹ thuật. Danh sách này bao gồm cựu thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg, cựu giám đốc điều hành Google Eric Schmidt. Đặc biệt, tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập ra Amazon và cũng là người đứng đầu danh sách này từng học chuyên ngành kỹ thuật và khoa học máy tính.

Có nhiều nguyên nhân khiến các tỷ phú chọn các ngành học trên. Rất nhiều trong số đó là vì lý do cá nhân. Ví dụ, nhà đồng sáng lập Square, Jim McKelvey ban đầu chọn ngành kinh tế vì cha của ông. Cha ông khi đó là Trưởng khoa Kỹ thuật tại Đại học Washington ở St. Louis, nói với Jim rằng các kỹ sư dành quá nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm. Nếu Jim đi theo con đường này, ông sẽ cảm thấy đơn độc. Quyết định của người cha góp phần không nhỏ vào thành công của Jim McKelvey sau này.

Hay Steven Sarowitz, nhà sáng lập công ty trả lương trực tuyến Paylocity, cũng có lý do riêng để học chuyên ngành kinh tế. Trợ lý của Steven Sarowitz từng nói đùa rằng vị tỷ phú này “chọn ngành kinh tế vì ông từng thi trượt ngành kỹ thuật điện”. Tuy nhiên, người trợ lý cũng phải thừa nhận “kinh tế học rất phù hợp với Steven Sarowitz vì ông ấy có tư duy rất tốt về toán học và lý thuyết”.

Không quá ngạc nhiên khi thấy chuyên ngành kỹ thuật và khoa học máy tính xếp hạng cao như vậy trong hồ sơ học bạ của những người giàu nhất nước Mỹ.

“Nếu chỉ nhìn vào khoảng 20 năm trở lại đây, chúng ta có thể thấy ngành công nghệ thông tin đã đóng góp rất lớn vào việc tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, không bất ngờ khi những người theo học chuyên ngành khoa học máy tính tạo ra các công ty công nghệ như Facebook và Google, hoặc thậm chí dấn thân vào lĩnh vực tài chính thông qua các công ty đầu tư mạo hiểm đều đạt được thành công lớn”, ông Saikat Chaudhuri, Giám đốc chương trình Quản lý, Doanh nhân và Công nghệ thuộc Đại học California nói.

Ngoài top 3 chuyên ngành phổ biến nhất là kinh doanh, kinh tế và kỹ thuật thì số thành viên của Fobres 400 theo học các chuyên ngành khác cũng khá nhiều.

Theo đó, có ít nhất 22 người có bằng chuyên ngành chính trị học, 18 người có bằng toán học. Thậm chí, có đến 19 tỷ phú còn chưa từng theo học đại học và 37 người khác bỏ dở chương trình học để nuôi giấc mơ khởi nghiệp của mình.

Thời Vũ (Theo Forbes)

Câu nói của giáo viên làm thay đổi cuộc đời vị tỷ phú từng là người vô gia cư

Câu nói của giáo viên làm thay đổi cuộc đời vị tỷ phú từng là người vô gia cư

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhiều lúc phải ngủ ngoài lề đường, nhưng tỷ phú John Paul DeJoria đã có một cú nhảy vọt khỏi sự nghèo khó để trở thành người sở hữu khối tài sản ước tính 3,4 tỷ USD.