- Tham dự đại hội tài năng trẻ toàn quốc năm 2015, Đỗ Nhật Nam, gương mặt quen thuộc với công chúng chia sẻ những khác biệt về việc dạy, học ở nhà trường Việt Nam và Mỹ.

{keywords}
Đỗ Nhật Nam tại Đại hội Tài năng trẻ lần thứ 2.

Nhật Nam cho biết, sách giáo khoa của Mỹ mặc dù không hoàn hảo, nhưng có nhiều điều đáng ghi nhận, học hỏi.

Nam mong muốn, bộ sách giáo khoa cho trẻ em Việt Nam sẽ có ngữ liệu thân thiện và cập nhật. Ví dụ bài học nên về về chính đối tượng được học sinh yêu thích, thần tượng. Ngoài ra, sách giáo khoa nên chú trọng tính thực hành. Nhật Nam dẫn ví dụ môn Sinh học ở Mỹ, học sinh được tự tay làm thí nghiệm và viết báo cáo riêng.

Bên cạnh đó, chương trình giảng dạy nên khuyến khích khả năng tự học của học sinh. Trên lớp, thầy cô có thể đưa ra danh sách câu hỏi nâng cao, được tính theo số điểm cao hơn. Dưới mỗi bài đọc nên có phần gợi mở về những cuốn sách cần đọc. Đồng thời, các trường nên tăng cường hệ thống thư viện, dù có thể phải đầu tư tốn kém.

"Thầy cô nên hạn chế bài tập chỉ yêu cầu phần học thuộc lòng, thay vào đó là các mô hình dự án để học sinh làm việc theo nhóm. Ở Mỹ, điểm dự án quan trọng nhất, thậm chí hơn cả điểm thi. Việc học kết hợp thực hành đã được áp dụng ở nhiều nước phương Tây" - Nhật Nam nói.

Về đánh giá học sinh bằng điểm số, Nhật Nam nêu ý kiến, bảng điểm không nên công khai. Ở Mỹ, học sinh phải có đăng nhập tài khoản mới có thể xem được điểm và lời phê của giáo viên. Điều này giúp học sinh biết được điểm mạnh, yếu, người đạt điểm cao không kiêu căng và học sinh kém không tự ti.

Cùng với đó, việc định hướng nghề nghiệp nên thực hiện sớm và chuyên nghiệp hơn trong chương trình sách giáo khoa. Tại Mỹ, luôn có người định hướng nghề nghiệp trong trường, giúp học sinh hiểu biết và tránh lãng phí thời gian vì không xác định được mình nên theo học ngành nào.

Đỗ Nhật Nam sinh năm 2001, hiện học lớp 8 tại trường St. Paul The Apostle (Mỹ). Nhật Nam được biết tới với việc viết sách cho trẻ em, dẫn chương trình, có nhiều thành tựu về học tiếng Anh từ sớm.

Một chuyên gia giáo dục cho biết: Những  chia sẻ của Đỗ Nhật Nam không phải là điều mới mẻ. Có những việc mà ngành giáo dục đang triển khai như thay đổi cách đánh giá ở bậc tiểu học (không chấm điểm thường xuyên theo Thông tư 30), hoặc "dạy học theo dự án" (ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông). Nhiều nội dung dang được đưa vào trong dự thảo "chương trình  giáo dục phổ thông tổng thể". 

Liên quan tới đổi mới giáo dục, vừa qua, Nhà Trắng đã ban hành đạo luật mới "Mọi sinh viên đều thành đạt" (Every Student Succeeds) thay thế cho đạo luật "Không có trẻ em bị bỏ rơi" (NCLB) bị chỉ trích trong suốt một thập kỷ qua do không hiệu quả.

Theo luật cải cách giáo dục mới, mọi học sinh vẫn phải làm các bài kiểm tra môn đọc hiểu và toán học trên quy mô toàn quốc, tương tự như đạo luật cũ. Tuy nhiên, luật mới sẽ trao quyền cho giới chức bang và địa phương có thể cải tiến hệ thống giáo dục của địa phương dựa trên kết quả của bài kiểm tra, thay vì áp đặt quy định chung.

  • Văn Chung - Song Nguyên