- Trong năm 2011, ĐHQG TP.HCM đã có 173 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, doanh thu chuyển giao công nghệ đạt khoảng 90 tỉ đồng. Đó là số liệu từ hội nghị thường niên năm 2011 do ĐH này tổ chức ngày 5/1.

Phòng thí nghiệm ĐHQG TP.HCM. Nguồn ảnh: website của đại học
Ông Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết, 2011 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển ĐHQG thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nòng cốt trong hệ thống giáo dục Việt Nam, với một số lĩnh vực hoạt động đạt chuẩn mực khu vực và quốc tế.

Theo ông Bình, con đường trở thành đại học nghiên cứu còn nhiều mục tiêu phải đạt. Tỉ lệ giảng viên tiến sĩ sẽ phải tăng dần để đạt 34% vào năm 2012, 40% vào năm 2015. Hiện nay, số giảng viên tiến sĩ là 831 người, chiếm gần 30% trong tổng số giảng viên.

Tỉ lệ  sinh viên sau ĐH cũng sẽ phải tăng từ 17% (trong tổng số 50 ngàn sinh viên) lên 30% và cao hơn nữa.

"ĐHQG TP.HCM cũng sẽ truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho các giảng viên mạnh mẽ hơn, đặc biệt là giảng viên ngành khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế" - người đứng đầu cơ sở đào tạo đại học lớn của cả nước cho hay.

Năm 2011, các nhà  khoa học của ĐHQG TP.HCM đã công bố 173 bài nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế, trong đó có 142 bài thuộc danh sách ISI (Viện Thông tin Khoa học, nơi có cơ sở dữ liệu được lựa chọn khách quan và uy tín).

"Các trường đại học “tinh hoa mới” là cách nói khác của các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của mỗi quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực tài năng, chất lượng cao, nghiên cứu khoa học đỉnh cao, đóng vai trò hoa tiêu, dẫn đầu, tiên phong và trụ cột cho cả nền GDĐH của đất nước đó hội nhập và cạnh tranh, phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa". (GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQG Hà Nội)

Tuy nhiên, ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM thừa nhận, về lĩnh vực khoa học xã hội, chỉ có 8 bài được đăng trên tạp chí quốc tế, nhưng không có bài nào lọt vào ISI.

Ông Sen khẳng định, đó chính là yếu kém của khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam. So với khoa học tự nhiên thì khoa học xã hội gặp nhiều khó khăn hơn, trong đó có vấn đề về quan điểm, phương pháp luận khoa học.

"Bên cạnh đó,  đội ngũ giảng viên khoa học xã  hội còn phải khắc phục nhiều về phương pháp nghiên cứu hiện đại, chưa sử dụng tiếng Anh thành thạo" - ông Sen nói.

Ông cho biết, mình đã “treo giải” 10 triệu đồng thưởng “nóng” cho giảng viên nào có bài báo lọt vào danh sách ISI và từ 3 đến 5 triệu đồng cho giảng viên có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế.

Hiện nay, ĐHQG TP.HCM cũng đã cơ bản hình thành trên 20 nhóm nghiên cứu có khả năng tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế. Trung bình, mỗi đề tài nghiên cứu khoa học được chi 200 triệu đồng.

  • Hương Giang

*****************

Ý kiến của bạn về ý tưởng này, chia sẻ theo email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn.