Lao động kỹ năng thấp thì lương thấp

Trong tham luận tại Diễn đàn Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, ông Trương Anh Dũng, cho rằng  thị trường lao động và việc làm đang ngày càng phân hóa theo hai xu thế là nhóm kỹ năng thấp-lương thấp và kỹ năng cao-lương cao. Điều này không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động có trình độ thấp mà ngay cả lực lượng lao động bậc trung nếu họ không được trang bị các kiến thức, kỹ năng mới, kỹ năng sáng tạo để thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động và của doanh nghiệp.

Dẫn báo cáo “Triển vọng việc làm và xã hội thế giới: xu hướng 2021” của ILO (WESO) ông Dũng cho hay nêu, dự kiến sẽ có 205 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu vào năm 2022, tăng cao so với mức 187 triệu năm 2019. Chưa kể tổn thất về thời gian làm việc cũng bị ảnh hưởng bởi hàng triệu người rời bỏ lực lượng lao động hay rơi vào tình trạng thất nghiệp khi các quốc gia trong khu vực không tạo được việc làm mới.

Tại Việt Nam, theo ông Dũng, đợt Covid-19 lần thứ tư đã gây sức ép nặng nề cho kinh tế trong đó có thị trường lao động quý III năm 2021. “Thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng với hàng loạt kỷ lục tiêu cực, hàng triệu lao động bị mất việc làm, bị cắt giảm thu nhập. Cơ hội tìm kiếm được việc làm của người lao động trở nên khó khăn hơn bao giờ hết”- ông Dũng nói.

{keywords}
Ông Trương Anh Dũng dự trực tuyến Diễn đàn Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025,

Dẫn báo cáo tình hình lao động việc làm quý III/2021 của Tổng cục thống kê, ông Dũng thông tin cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 với các hình thức như mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây. Cụ thể lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2021 là 49,1 triệu người, giảm 2  triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) tăng đột biến vượt xa con số 2% như thường thấy, duy trì ở mức cao là 8,89%. Thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo tiếp tục tăng và đạt gần 2,4 triệu người, tăng 642 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Ông Dũng nhìn nhận, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, trong đó có 652.000 người bị mất việc làm và 8,8 triệu người bị thay đổi thu nhập.

Quy mô giáo dục nghề nghiệp chưa tương xứng

Nhìn nhận lại sự phát triển nghề nghiệp, ông Dũng cho hay dù luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội và không ngừng đổi mới và có nhiều chuyển biến tích cực.. Tuy nhiên vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức như quy mô, số lượng đào tạo chưa tương xứng với dân số trong độ tuổi lao động.

“Đến hết năm 2020 còn khoảng 75,4% trong tổng số hơn 54 triệu lao động chưa có có văn bằng, chứng chỉ, phải làm những công việc giản đơn, năng suất lao động thấp”- Tổng cục trưởng nêu.

Mặt khác theo ông Dũng, công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào giáo dục nghề nghiệp chưa đạt được mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị là “Đến 2020 phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN”.

Cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý về trình độ, ngành nghề, vùng miền, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với cơ cấu ngành nghề trên thị trường lao động. Bên cạnh đó việc đào tạo theo các chương trình chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn và yêu cầu nâng cao chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh cao.

Ngoài ra, tính thích ứng của hệ thống chưa cao để theo kịp với sự thay đổi của khoa học công nghệ, nhất là CMCN 4.0. Do dịch Covid-19 nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp được huy động trở thành khu cách ly; đào tạo nghề chuyển sang hình thức trực tuyến, chất lượng bị ảnh hưởng do không bố trí đủ thời gian học thực hành trực tiếp tại cơ sở đào tạo và thực hành, thực tập tay nghề tại các doanh nghiệp.

Cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp vẫn còn bất cập. Việc huy động các nguồn lực đầu tư còn khó khăn; ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp những năm gần đây có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu…

Đưa sinh viên nghề cung ứng cho doanh nghiệp

Theo ông Dũng, để phục hồi thị trường lao động cần quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và đẩy lùi Covid-19, nhất là tại thành phố lớn các địa phương có nhiều khu công nghiệp, trong đó đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc-xin.

Mặt khác cần triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch, nhất là các chính sách đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động, xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. 

{keywords}
Có thể đưa sinh viên trường nghề cung ứng lao động tạm thời cho các doanh nghiệp theo hình thức vừa học vừa làm 

Ông Dũng cũng đề xuất Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động, các kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát bệnh dịch của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất. Sẵn sàng cung ứng lao động tạm thời cho các doanh nghiệp là lực lượng học sinh sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hình thức thực hành, thực tập tại doanh nghiệp và theo hình thức vừa học, vừa làm.

Để đào tạo, phát triển giáo dục nghề nghiệp, ông Dũng đề xuất  bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường lao động, nhất là khu vực, địa bàn thành thị tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất…

Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề; tăng nhanh quy mô đào tạo nghề, nhất là khi nhu cầu lao động có kỹ năng tăng cao nhưng những rào cản bởi dịch bệnh và năng lực chuyển đổi, thích ứng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế;

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo trực tuyến, trực tiếp, đào tạo chính quy; vừa học vừa làm, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn…

Minh Anh

Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, tranh thủ 'dân số vàng'

Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, tranh thủ 'dân số vàng'

Nhiều ý kiến cho rằng phải coi việc phát triển giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tranh thủ thời cơ dân số vàng của đất nước.