Lễ trao giải báo chí “Đồng hành cùng phát triển” với chủ đề “Xã hội tử tế” diễn ra chiều ngày 23/3 không chỉ có những giải thưởng, mà còn có sự xuất hiện của những nhân vật được nhắc đến trong các câu chuyện có sức lan tỏa rộng khắp thời gian qua.

{keywords}

Các bức ảnh của dự án "Human of Hanoi" trưng bày tại triển lãm


Giải báo chí “Đồng hành cùng phát triển” do các mạng lưới xã hội dân sự Việt Nam đồng tổ chức. Năm 2015, có tất cả 488 tác phẩm báo chí – truyền thông dự thi ở ba thể loại: báo in, báo điện tử và truyền thông xã hội.

Từ 488 tác phẩm, qua 3 vòng bầu chọn, ban giám khảo đã lựa chọn ra 12 tác phẩm để trao giải với tiêu chí: tính chính xác, tính phát hiện, kỹ thuật báo chí và quan trọng nhất là tính lan tỏa, truyền cảm hứng.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Phạm Kim Ngọc – Chủ tịch Gencomnet, đại diện ban tổ chức khẳng định mục đích của giải thưởng năm nay: “Xã hội tử tế cần nhiều hơn việc sống tử tế của mỗi con người. Xã hội tử tế cần những con người ấy đến với nhau, cổ vũ nhau và cùng nhau thực hiện nhiều điều tử tế, cũng như cùng nhau đấu tranh với những điều chưa tử tế để tạo dựng nên một xã hội nhân văn và tốt đẹp hơn”.

Chia sẻ trong cuộc trò chuyện cùng các khách mời, Lê Tuyết (báo Lao Động) – tác giả đạt giải Nhất năm nay cho rằng, là một nhà báo, việc mà chị muốn làm để sự tử tế có thể lan tỏa chỉ có thể là viết. Tuy nhiên, khó khăn nhất của những người làm báo hiện nay là họ phải chịu áp lực viết những thứ “ăn khách”, bởi lượng người đọc ảnh hưởng tới quảng cáo, tới tình hình tài chính của tòa soạn và từ đó ảnh hưởng tới đời sống của anh em phóng viên.

{keywords}

Cuộc trò chuyện giữa các nhà báo và nhân vật trong những câu chuyện tử tế được lan tỏa


Bất ngờ được mời phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Lê Bình của Trung tâm Tin tức VTV24 chia sẻ một thực tế có thể làm yên lòng những người làm báo tử tế: “Nhiều người có nói rằng bây giờ những thông tin cướp, giết, hiếp mọi người quan tâm rất nhiều. Đó là một xu hướng có thật. Nó lan truyền từ rất lâu rồi và ai cũng phải lao theo nó để làm sao kiếm được ‘view’.

Nhưng tôi muốn cung cấp ngược lại một thông tin hoàn toàn khác. Trong tay tôi đang có rating của Chuyển động 24h, trong đó có rating của chuyên mục Việc tử tế. Rating (chỉ số đo lường sự quan tâm của người xem – PV) của Chuyển động 24h là 7,6 thì rating của Việc tử tế là 8,44. Có nghĩa là Việc tử tế cao nhất trong tất cả tin tức khác: thời tiết, thể thao… trong cùng khung giờ và cao gấp 2 lần các chương trình ‘game show’.

Cho nên, tôi chỉ có một thông điệp thôi. Đó là, trong rất nhiều bạn ngồi đây đang làm những việc tử tế thì các bạn hãy vững tin lên”.

{keywords}
Tác giả Lê Tuyết (báo Lao Động) nhận giải Nhất với tác phẩm Những người "xóa mù" luật cho công nhân


Cùng bàn về chủ đề “làm thế nào để sự tử tế được lan tỏa?”, blogger Nguyễn Ngọc Long – tác giả đạt giải Truyền thông xã hội – khẳng định “chúng ta có thể làm rất nhiều để việc tử tế được lan tỏa”.

“Nhưng tôi nghĩ cái mà chúng ta có thể làm ngay là chấm dứt tình trạng ‘ném đá’ trên mạng. Bởi vì tôi thấy, đó là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất có thể ngăn cản những giá trị tử tế được lan tỏa trên mạng hay được nói ra”.

Blogger có tiếng trên mạng xã hội cũng chia sẻ rằng, trước khi đến với chương trình, anh đã suy nghĩ rất nhiều, “liệu mình có phải là người tử tế không?”

{keywords}
Chăm chú xem một tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Ảnh: iSEE

“Khi tôi viết cuốn sách “Tử tế là”, có rất nhiều người thích cũng như rất nhiều người không thích. Họ đặt ra cho tôi một câu hỏi: “Mày có phải người tử tế đâu mà mày viết một cuốn sách nghe rất là ghê gớm, dạy đời”. Và tôi tự suy nghĩ là mình có phải người tử tế hay không, mình có phải là người tốt hay không. Đôi khi tôi cảm thấy nhiều người nói quá thì chắc mình cũng không tốt lắm…!”

“Nhưng về sau tôi nhận ra rằng trên mạng cũng có rất nhiều người bị ném đá giống như mình. Họ không làm hài lòng tất cả mọi người”.

Nguyễn Ngọc Long cho rằng mạng xã hội thực ra lại là một nơi mất tự do nhất, bởi vì không ai dám nói. “Khi bạn nói lên quan điểm đi ngược với số đông thì bạn sẽ bị ném đá ngay”.

Anh kêu gọi mỗi người chúng ta hãy bao dung hơn, để ai cũng có thể thể hiện quan điểm của mình một cách tự do nhất. “Tôi rất mong báo chí hãy làm gì đó để cổ vũ mọi người cất lên được tiếng nói của mình một cách thực sự tự do trên mạng xã hội thì khi đó giá trị tử tế sẽ được lan tỏa”.

  • Nguyễn Thảo


Giải Nhất (15 triệu đồng): Lê Tuyết - Báo Lao Động - Những người “xoá mù luật” cho công nhân 

Giải Nhì (10 triệu đồng): Tâm Lụa - Báo Tuổi Trẻ Online - Báo chí Hồi sinh từ tình yêu thương 

Giải Ba: (7 triệu đồng mỗi giải)

1. Nguyễn Đông - Báo VnExpress - Em bé mắc bệnh ung thư được thoả nguyện làm cảnh sát 

2. Đỗ Trần Quân -  Báo An Ninh Thủ Đô - Chuyện chưa từng kể về những người “cứu hộ” chuyến xe định mệnh


Giải Khuyến khích: (5 triệu đồng mỗi giải)

1. Hồng Đào - Báo Người Lao Động - Thành phố nghĩa tình: Những tấm lòng thơm thảo

2. Nguyễn Điệp Quyên (Linh Anh) - Báo Pháp luật & Xã hội - Mùa xuân ấm áp của người phụ nữ cưu mang 3 đứa con của phạm nhân

3. Uông Thị Bích Ngọc (Tâm Anh & Hàn Thi) - Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô - Những đôi giày mang tên số phận

4. Nguyễn Chí Dũng - Báo Giáo dục và Thời đại - "Nhà điên" trên cao nguyên


Giải Truyền thông Xã hội: (5 triệu đồng mỗi giải)

1. Phạm Mỹ - Báo Thể thao & Văn hóa - Hình ảnh xúc động trong lễ diễu binh, diễu hành mừng 70 năm Quốc khánh

2. Nguyễn Ngọc Long - Facebook - Bà cụ "tàng hình"


Giải Thúc đẩy Công bằng và Hòa nhập Xã hội (5 triệu đồng): Lê Ngọc Hiển - Báo Tuổi trẻ - 8 người phụ nữ săn thần chết


Giải Bình chọn (5 triệu đồng):Trần Thị Minh - Báo Sức Khỏe Đời Sống - Lời thề Hippocrates