Văn Chấn là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là nhiệm vụ hết sức quan trọng, huyện đã ban hành, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và có chính sách hỗ trợ người lao động nên đã từng bước mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Từ năm 2010 đến nay, huyện đã đào tạo nghề cho 7.885 người. Trong đó, nghề nông nghiệp 5.909 người và nghề phi nông nghiệp 1.976 người với tổng kinh phí thực hiện trên 14,6 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 10,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 3,8 tỷ đồng).

{keywords}
Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc Văn Chấn

Các nghề phi nông nghiệp gồm: kỹ thuật xây dựng, may dân dụng, sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa xe máy, thêu dệt thổ cẩm, chạm khắc đá…; nghề nông nghiệp gồm: chăn nuôi - thú y, trồng trọt, chế biến nông sản, nuôi cá nước ngọt, kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi lợn, sản xuất rau an toàn...

Thời gian đào tạo 1 tháng đối với nghề nông nghiệp và 3 tháng đối với phi nông nghiệp.

Để công tác dạy nghề và giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động có hiệu quả cao huyện chỉ đạo các đơn vị tổ chức dạy nghề ngay tại địa bàn người có nhu cầu học nghề như mở lớp dạy nghề trồng nấm, tại xã Sơn A, Phúc Sơn; chăn nuôi lợn, xã Tân Thịnh; nghề xây dựng tại xã Thượng Bằng La; chạm khắc đá, nuôi ong mật tại xã Sơn Thịnh; nghề mây, tre, song đan tại xã Thạch Lương…

Qua kết quả khảo sát hàng năm, số lao động học nghề nông nghiệp có việc làm chiếm trên 95% và nghề phi nông nghiệp chiếm trên 80% với thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Bảo Anh