Được học nghề gắn với việc làm, lao động nông thôn (LĐNT) vận dụng kiến thức kỹ năng, mạnh dạn đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật mở rộng sản xuất nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.

Hà Giang chú trọng dạy nghề, tạo việc làm

Làm nông nghiệp chỉ có 1 vụ chính, tranh thủ thời gian nông rỗi, chị Thào Thị Súa (thôn Sủa Pả, xã Phố Cáo, Đồng Văn, Hà Giang) tham gia lớp dạy nghề may do địa phương tổ chức, với mong muốn cải thiện thu nhập.  Sau khóa học, chị Súa đã có thể làm ra các sản phẩm may mặc bán ở chợ xã hoặc thương lái, mỗi tháng có thêm 3 triệu đồng, chị có thêm thu nhập để nuôi con, dành dụm.

Với chủ trương đào tạo nghề cho LĐNT, giải quyết việc làm phải gắn với giảm nghèo bền vững và phù hợp nhu cầu thực tiễn địa phương, Đồng Văn phối hợp với các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong và ngoài tỉnh; chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn chủ động mở các lớp Trung cấp nghề, đào tạo nghề ngắn hạn lưu động tại các xã, thôn; triển khai lồng ghép các chương trình, dự án, chú trọng công tác tuyên truyền vận động các tổ chức, nhân dân tham gia học nghề.

{keywords}
 

Huyện đã tổ chức dạy các ngành nghề thế mạnh trên địa bàn như kỹ thuật gieo trồng cây lương thực; kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; kỹ thuật sửa chữa xe máy, may mặc, xây dựng, điện dân dụng… Qua các lớp học nghề, nhiều LĐNT đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở các hiệu sửa chữa xe máy, xây dựng các trang trại chăn nuôi bò, lợn quy mô hộ gia đình, mở HTX dịch vụ nông nghiệp… góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.

Tính từ năm 2016 đến hết tháng 7/2018, huyện Đồng Văn đã đào tạo nghề được 2.887/4.000 người; tạo việc làm mới cho 5.034 LĐ, đạt 50,34% kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 34%; tỷ lệ người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 80%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm là trên 6%.

Thời gian tới, Đồng Văn sẽ đẩy mạnh liên kết với các tổ chức, đơn vị dạy nghề trong và ngoài tỉnh tìm hiểu nhu cầu học nghề gắn với tạo việc làm mới, xuất khẩu lao động; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề… Mục tiêu của huyện đến hết năm 2020 là giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 20%; bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5% - 7%; đào tạo nghề cho LĐNT đạt 6.000 người; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động...

Đẩy mạnh đào tạo nghề ở nhiều địa phương

Tỉnh Quảng Bình cũng xác định giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm là một trong hai chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của địa phương giai đoạn 2016-2020. Với các làm quyết liệt, trọng tâm, các chính sách, dự án giải quyết việc làm, hỗ trợ người nghèo đã giúp đời sống của người dân cũng như cơ sở hạ tầng vùng nông thôn trong tỉnh Quảng Bình được cải thiện rõ rệt.

{keywords}
 

Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của Quảng Bình giảm mạnh, giai đoạn 2016-2018 bình quân giảm 2,42%/năm. Đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 9,48%, hộ cận nghèo là 12,03%. Hàng năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 32.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mỗi năm tăng từ 2,5-3%, xuất khẩu lao động đạt 2.500 người/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt gần 25 triệu đồng/người/năm. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng được hỗ trợ đầu tư tại các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang vùng biển, nhất là ở huyện nghèo Minh Hóa; hàng chục ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở…

Tại Đắk Lắk, công tác đào tạo nghề cho LĐNT cũng được đẩy mạnh. Giai đoạn 2010-2017, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 705 lớp đào tạo nghề cho gần 24.000 lao động, trong đó có 11.610  lao động nữ, 18.119 lao động dân tộc thiểu số với tổng kinh phí hơn 66 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay vốn giải quyết việc làm của người lao động sau khi học nghề đạt 104,6 tỷ đồng với 4.624 hộ được vay. Tỉnh đã triển khai có hiệu quả một số mô hình đào tạo nghề cho LĐNT như: Đào tạo nghề trồng và khai thác nấm, chăn nuôi lợn, gà; trồng và chăm sóc cây cao su, hồ tiêu, dưa lưới;  dạy nghề mây tre đan kỹ nghệ.

Giai đoạn 2018-2020, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đào tạo nghề cho gần 27.000 lao động nông thôn, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp cho 6.660 người, nghề phi nông nghiệp cho 19.940 người; sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn; tổ chức 30 lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức xã với 3.000 lượt học viên.

Tại các địa phương, công tác đào tạo nghề LĐNT vẫn gặp phải một số khó khăn như: tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo, tìm kiếm việc làm; việc hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập chưa đầu tư đúng mức; chất lượng nguồn lao động còn hạn chế…

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững đi đôi với giải quyết việc làm, các địa phương tiếp tục triển khai các chính sách, dự án giảm nghèo, đổi mới phương pháp, nội dung đào tạo nghề phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội; tập trung ưu tiên đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo nghề gắn với tìm đầu ra cho sản phẩm; đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên cho các đơn vị đào tạo nghề. Đây là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

M.M - Phương Cúc - Thanh Hà