Theo dự thảo hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án 89, mức học phí tối đa được cấp cho giảng viên làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ngoài là 25.000 USD/năm. Mức chi sinh hoạt phí cao nhất là 1.300 USD/tháng.

Theo các nhà quản lý, mức hỗ trợ tối đa 3,5 tỷ đồng cho 1 suất học tiến sĩ ở nước ngoài nếu biết gói ghém và lựa chọn trường phù hợp thì sẽ ổn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc làm thế nào để kinh phí của nhà nước chi ra đạt được hiệu quả tốt nhất.

{keywords}
Gần 30% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ (Ảnh minh họa: Thanh Hùng)

Đồng tiền đi trước hay đi sau?

Gửi ý kiến về VietNamNet, anh Bùi Văn Dũng đặt vấn đề: Bây giờ có ý kiến ngược lại một chút, nếu sinh viên, học viên tự tìm kiếm học bổng làm và đạt học vị tiến sỹ ở nước ngoài, về phục vụ đúng theo yêu cầu và chuyên ngành mũi nhọn mà Nhà nước đang cần và thiếu thì có được thưởng gì không?

Theo anh Dũng, điều này để động viên và thu hút thêm tài năng về cho đất nước... “Khoản này có lẽ sẽ tiết kiệm hơn và không lớn bằng khoản tiền mà nhà nước phải bỏ ra để đầu tư cho một tiến sĩ”.

Anh Thái Công cũng đưa ra đề xuất tương tự, đó là cứ thu hút các sinh viên đã tự đi du học ở nước ngoài về làm việc, và Nhà nước trả lại tiền học ở nước ngoài cho các bạn đó là hiệu quả, chất lượng nhất.

“Tại sao phải cấp học bổng cho người đi mà không cấp tiền trực tiếp cho người về?” – anh Nguyễn Thanh Phong, người từng có thời gian du học tại Pháp, đồng tình với ý kiến này.

Theo anh Phong, việc cấp học bổng “theo kiểu cũ” như thế này có một số mặt hạn chế như: Học viên chưa chắc tốt nghiệp, thiếu động lực học tập, hay ở lại không về.

“Sao không thay đổi lối mòn chính sách và tiếp cận thực dụng hơn? – anh Phong đưa quan điểm của mình. “Thay vì cấp 3 hay 4 tỷ đồng cho 3-5 năm đào tạo thì cấp luôn 1 hay 2 tỷ cho người đã tốt nghiệp, có bằng cấp các trường được cho phép. Cứ cầm bằng tiến sĩ về Việt Nam dạy học, “tôi” sẽ cho “anh” tiền. Cực nhanh mà hiệu quả”.

Anh Bùi Thanh Sơn, từng làm việc cho một đơn vị quản lý hệ thống nghiên cứu ở Châu Âu cũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm này: “Vấn đề ở đây là thật ra chúng ta cần hiệu quả. Còn cấp học bổng như thế này, người ta đi học tận 5, 6 năm mới về. Thậm chí, thời điểm 5, 6 năm sau cái ngành nghề hay lĩnh vực đó liệu còn ưu tiên không, còn cấp thiết không? Cái mình cần là tiền ra ngay hiệu quả lập tức, giải quyết luôn vấn đề”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng “đưa bằng trước, nhận tiền sau” là hợp lý.

Anh Nhật Minh – một độc giả của VietNamNet – bình luận “việc người dân tự bỏ tiền ra đi học trước tiên cũng vì bản thân họ. Còn những người đang làm trong các trường đại học được nhà nước đầu tư để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước nhân dân. Đó là một hình thức đầu tư cho giáo dục”.

“Với đồng lương và mức thu nhập trong các trường đại học như hiện nay, không phải ai cũng có điều kiện để bỏ ra một khoản tiền lớn mà đi làm tiến sĩ rồi mới cầm bằng về lĩnh tiền đâu. Làm như thế khác gì mua hàng, “ship” đến mới trả tiền. Từ xưa đến nay làm gì có cái học bổng trong nước ngoài nước nào như vậy. Những giảng viên trẻ, gia đình còn khó khăn, chẳng có tài sản gì để mà vay hay thế chấp lấy tiền đi học chẳng lẽ lại “nhịn” à?” - một giảng viên đại học tại TP.HCM phản biện.

Cũng có những ý kiến nhìn nhận rằng trong Đề án 89 có mục tiêu khuyến khích người từ nước ngoài trở về.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Thanh Phong phân tích rằng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính chưa có đề cập cụ thể về nội dung này.

“Hình thức khuyến khích chỉ chung chung như tuyên truyền, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần và khuyến khích các cơ sở đào tạo chủ động. Hơn nữa, việc này cũng giống như đá bóng vào chân các trường khi cho các trường quyết định.

Theo tôi, khi không rõ ràng chi tiết, thì mọi thứ chỉ trên giấy. Tính chi phí cho một người đi học dễ hơn nhiều tính chính xác khi bỏ tiền thu hút nhân tài ở nước ngoài. Một tiến sĩ Harvard thì có khác một tiến sĩ trường nào đó không? Việc này cần Nhà nước ra khung rõ ràng hơn mới có thể thực hiện được”…

“Cho” học bổng rồi vẫn phải “trải thảm” đón về

Bên cạnh những băn khoăn về phần hỗ trợ kinh phí trong thời gian học, sử dụng “đầu ra” hiệu quả cũng là vấn đề nhiều người quan tâm.   

Anh Hoàng Lê đặt câu hỏi: “Học xong rồi về sử dụng nguồn nhân lực giảng viên tiến sĩ, thạc sĩ này như thế nào, hay vẫn để họ lương vài triệu, không sử dụng và không tạo điều kiện?”.

Sau ‘cái kết buồn’ của Đề án 322, Đề án 911 từng đặt mục tiêu đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ giai đoạn 2010-2020 nhưng đến 2017 đã phải dừng. Bộ GD-ĐT nhận định không thể đạt được mục tiêu theo kế hoạch.

Hàng loạt nguyên nhân đã được mổ xẻ. Nhưng bất cập lớn nhất có lẽ là việc cơ chế chưa đủ thu hút người sử dụng và tuyển dụng lưu học sinh sau khi tốt nghiệp.

“Những ràng buộc về điều kiện đào tạo khiến những người làm nghiên cứu sinh phải đắn đo trong khi điều kiện làm việc, chế độ lương bổng sau khi trở về lại không hấp dẫn…” - ông Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhận định

Ông Phạm Sỹ Tiến, người đầu tiên nhận trọng trách điều hành Đề án 322 từng nói: “Điều đáng buồn nhất của đề án là người học được Nhà nước đầu tư rất tốt, nhưng sau khi về nước không phát huy được năng lực của mình, không có môi trường để phát triển nghiên cứu tiếp”.

Do đó, với Đề án 89 “mới tinh” hiện nay, Bộ GD-ĐT nỗ lực khắc phục khâu cuối này bằng cách giao cơ sở giáo dục đại học tự chủ tuyển sinh và đào tạo. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT thì các cơ sở đào tạo, đơn vị sử dụng cần có chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài. Và khi đó, chính sách sẽ quay trở lại thành động lực để cán bộ giảng viên thực sự có mong muốn nâng cao năng lực trình độ để được ở lại cống hiến cho cơ sở đào tạo trong nước, đồng thời thu hút thêm nhân tài ở bên ngoài.

Trước những thay đổi này, ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận xét: “Về bản chất là vẫn phải chủ động đào tạo lực lượng cho chính nhà trường chứ không thể chờ từng cá nhân đi học để chạy về với mình”.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM: Muốn đưa người đi học và trở để về trường cống hiến thì ngoài chi trả toàn bộ học phí, trường còn trả cả thu nhập hàng tháng của họ.

“Hiện Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM thực hiện chế độ đi học cũng như làm việc ở nhà. Vậy nên, gần như 100% người trường đưa đi đều thực hiện việc học đúng tiến độ và về phục vụ trường”.

Ông Hoàn cho rằng nếu Đề án 89 cũng làm như vậy thì sẽ là sự “chống lưng” rất tốt cho các trường.

Ngoài ra, theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, để tăng tỷ lệ và chất lượng tiến sĩ cho các trường đại học, thì ngoài việc cấp học bổng, giải pháp rất quan trọng là phải đầu tư xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh...

Phương Chi - Lê Huyền

Những điều cần biết về học bổng cho giảng viên theo Đề án 89

Những điều cần biết về học bổng cho giảng viên theo Đề án 89

Bộ GD-ĐT mới đây đã bạn hành Thông tư hướng dẫn triển khai Đề án 89. 

Quá 'bèo bọt' mức dự chi cho giảng viên làm tiến sĩ trong nước?

Quá 'bèo bọt' mức dự chi cho giảng viên làm tiến sĩ trong nước?

Theo nhiều nhà quản lý, mức hỗ trợ từ 13-20 triệu/năm cho giảng viên học tiến sĩ theo diện Đề án 89 để thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị... ở trong nước là quá bèo bọt.

Dự chi tới 3,5 tỷ đồng cho giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài: Nhiều hay ít?

Dự chi tới 3,5 tỷ đồng cho giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài: Nhiều hay ít?

Theo các nhà quản lý, nghiên cứu sinh ở nước ngoài mức hỗ trợ tối đa 3,5 tỷ đồng cho 1 suất học tiến sĩ ở nước ngoài nếu biết gói ghém và lựa chọn trường phù hợp thì sẽ ổn.