{keywords}
Năng Xuân Hoàng Nhi (bên trái), cô gái người Chăm đầu tiên nhận được học bổng của Quỹ AEON 1%

Từng có lúc phải đoán xem cô giáo nói gì 

Sinh sống tại thôn Thành Ý, xã Thành Hải, Phan Rang Tháp Chàm - khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Ninh Thuận, nơi thường xuyên phải chịu sự khắc nghiệt của vùng đất được mệnh danh “nắng như phang, gió như rang”, việc được đi học với các em nhỏ người Chăm là cả một sự may mắn. Năng Xuân Hoàng Nhi may mắn có được sự quan tâm của gia đình, ba mẹ luôn khuyến khích các con học hành để đỡ cực khổ.

Hành trình đến lớp “tìm con chữ” thực tế không hề dễ dàng. Cả năm lớp 1 chỉ có 2 bạn người Chăm, còn lại đều là người Kinh. Nhi chỉ được tiếp xúc với tiếng Kinh qua vài hoạt động ở trường mẫu giáo nên ngay cả việc đơn giản nhất là nghe cô giáo nói gì, yêu cầu điều gì, Nhi cũng không thể hiểu.

“Mình cố gắng quan sát cô và các bạn, sau đó đoán xem cô nói gì. Ví dụ như: các con lấy tập ra, đứng dậy, đọc theo cô… Nói vui vui là như các bạn người Việt đột nhiên vào học trong lớp tiếng Anh, nghe giảng toàn bằng tiếng Anh vậy đó. Điều khó khăn là lúc đó tụi mình quá nhỏ, chưa biết gì cả nên càng lúng túng nhiều hơn”, Hoàng Nhi nhớ lại.

Theo Nhi, những khó khăn này không phải chỉ ở lớp 1 mà suốt những năm sau đó. Nhiều bạn trẻ người Chăm dần bỏ dở con đường học vấn khi hết bậc phổ thông, hoặc chọn cách dễ dàng hơn là học ở bậc trung cấp, cao đẳng để tìm công việc gần nhà.

Nhưng cô gái Hoàng Nhi thì nung nấu ước mơ xa hơn với niềm thôi thúc giản dị: Cộng đồng dân tộc Chăm phải có được những bạn trẻ học vấn tốt hơn, chuyên môn cao hơn để cống hiến cho quê hương, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục.

{keywords}
 Với nghị lực vươn lên mạnh mẽ, cô gái nhỏ cuối cùng cũng đã hiện thực hóa ước mơ của mình khi đỗ trường Đại học Sư Phạm TP.HCM, chuyên ngành Giáo dục tiểu học

Nhi còn nhớ ngày trước, thôn còn khó khăn, riêng ông ngoại Nhi có làm một tủ sách nhỏ ở nhà. Tủ sách khi ấy là kho báu với những đứa trẻ người Chăm. Các em nhỏ hay tới nhà, mượn sách, chăm chú xem với niềm hạnh phúc. Nhi nhận ra rằng người Chăm cũng ham “con chữ”, ham học lắm, nhưng lại có ít sự hỗ trợ cần thiết. Từ đó, cô gái trẻ người Chăm luôn nung nấu mong muốn được đóng góp cho cộng đồng dù phải gặp khá nhiều lời “bàn ra” từ bạn bè, người quen rằng nên chọn ngành khác để dễ kiếm việc và có thu nhập cao hơn.

“Người Chăm có những người nghe, nói tiếng Kinh còn không rõ, chứ đừng nói chi biết chữ, đọc được các văn bản. Nhi luôn tin rằng giáo dục chính là nền tảng giúp thay đổi mọi thứ, đó là tương lai cho cộng đồng Chăm sau này. Nhi quyết định chọn ngành sư phạm thay vì kinh tế hay các ngành nghề khác là vì vậy”, Nhi nói.

Trở về để giúp đỡ trẻ em Chăm học hành

Trở thành cô giáo “làng” là một thử thách không hề đơn giản, dạy những đứa trẻ dân tộc Chăm đồng nghĩa với việc không chỉ dạy chữ mà còn phải gần gũi với phụ huynh. Có khi giáo viên phải đến tận nhà thuyết phục cha mẹ cho con đi học, hướng dẫn cho các em những kỹ năng quan trọng còn thiếu, giúp các em hiểu rõ nét văn hóa đẹp của dân tộc mình. Không đợi đến lúc chính thức tốt nghiệp rồi mới trở về quê, ngay những mùa hè suốt thời sinh viên, Nhi đã luôn dành thời gian cho các em.

Hoàng Nhi kể: “Những ngày hè, mình tham gia các hoạt động cộng đồng tại địa phương, dạy các em múa hát các bài hát của dân tộc Chăm. Thông qua các hoạt động văn nghệ, tụi mình mong muốn giữ gìn nét đẹp và bản sắc quê hương, đồng thời, lồng ghép hướng dẫn, dạy các em về kỹ năng sống phổ biến với trẻ em người Kinh nhưng có thể vẫn xa lạ với các em nhỏ người dân tộc như về sự an toàn, về cách tiếp xúc với người lạ…

Tụi mình còn tổ chức các chương trình vận động quỹ trao quà cho các em nhỏ. Những phần quà nhỏ thôi như tập, sách, bút viết nhưng giúp động viên các em nhỏ rất nhiều. Mình còn ước mơ tổ chức thêm những sân chơi khoa học vì ở đây các em còn thiếu thốn nhiều lắm”.

{keywords}
 Cứ hè về, Nhi (người thứ 3 từ bên trái qua) lại cùng với các bạn về quê tổ chức những chương trình giáo dục ý nghĩa cho các em dân tộc Chăm

Khi tham gia quá trình phỏng vấn học bổng AEON thuộc Quỹ AEON 1%, trước câu hỏi về quyết định thế nào nếu nhận được lời mời của một trường học quốc tế sau khi tốt nghiệp? Không chần chừ, Nhi khẳng định việc về Ninh Thuận giảng dạy cho trẻ em dân tộc Chăm là ước mơ mãnh liệt mà Nhi đã theo đuổi từ năm lớp 5. Trẻ em người Chăm cần được vươn lên, với những thành tích học tập ngày một tốt hơn và Nhi sẽ không từ bỏ mục tiêu đó.

{keywords}
 “Cô giáo làng” tương lai (thứ 4 từ bên trái) cùng các bạn sinh viên xuất sắc của trường Đại học Sư phạm TP.HCM vinh dự nhận học bổng AEON

Câu trả lời chân thành cùng câu chuyện của Nhi cũng chính là những phẩm chất mà Học bổng AEON đang tìm kiếm. Vượt qua những thử thách khó khăn, khẳng định bản thân bằng kết quả học tập và nỗ lực hết lòng đóng góp cho cộng đồng, Năng Xuân Hoàng Nhi là sinh viên người dân tộc thiểu số đầu tiên nhận học bổng AEON. 

Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, lần đầu tiên từ năm 2009, với sự ủy quyền của Quỹ AEON 1%, công ty TNHH AEON Việt Nam đã tổ chức Lễ trao học bổng AEON dưới hình thức trực tuyến.

Đến nay, AEON đã trao gần 1.100 suất học bổng cho sinh viên khó khăn, có thành tích học tập xuất sắc tại TP.HCM và Hà Nội.

Lê Hương