- Cam kết trước Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc sáng 21/5, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định: Hải Dương không bao giờ chạy theo thành tích, không chỉ trong giáo dục mà ở tất cả các lĩnh vực....

Báo cáo trước Phó Thủ tướng về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Văn Quế cho biết: Tổng số thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) là 20.635 thí sinh.

  {keywords}
Buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác chuẩn bị thi tại Hải Dương sáng 21/5

Trong đó, số thí sinh dự thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì: 12.495 (chiếm 60,55% tổng số ĐKDT); Số thí sinh dự thi tại cụm do sở GD-ĐT chủ trì: 8.140 (chiếm tỉ lệ 39,45% tổng số ĐKDT).

Số thí sinh ĐKDT thi môn tự chọn: Hóa học: 10.069 em; Vật lí: 9.544; Địa lí: 8.823; Sinh học: 3.637; Lịch sử: 2.390.

Theo ông Quế, tại cụm thi địa phương do sở GD-ĐT chủ trì phối hợp với Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang với trên 8.100 thí sinh dự thi cũng đã sẵn sàng từ điểm thi, phòng thi đến lựa chọn cán bộ coi thi và giám sát. ....

Không ép học sinh thi để xét tốt nghiệp?

Trên 8.100 học sinh của Hải Dương chỉ đăng ký thi tại cụm do sở tổ chức đặt ra vấn đề hướng nghiệp có ép thí sinh? Đại diện Sở GD-ĐT Hải Dương cho rằng, con số 40% học sinh thi để xét tốt nghiệp cho thấy công tác hướng nghiệp những năm gần đây đã có hiệu quả. Học sinh đã biết được khả năng của bản thân không đổ xô đăng ký thi ĐH như những năm trước.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển tiếp lời, không có chuyện ép thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp mà là tự nguyện xuất phát từ bản thân mỗi thí sinh. Thực tế, khi tiếp nhận quy chế thi từ Bộ GD-ĐT cá nhân tôi nhận rất nhiều băn khoăn. Nhiều ý kiến đề nghị Chủ tịch giải thích về những điểm mới. Cụ thể như: Thi tại địa phương có mất cơ hội vào ĐH? Thí sinh vẫn vất vả khi phải di chuyển sang tỉnh khác dự thi...

  {keywords}

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển (bìa phải) cam kết: Hải Dương không chạy theo thành tích...

Sau các buổi họp với các cấp ủy liên quan kết hợp với tuyên truyền, tư vấn về những điểm mới thí sinh và phụ huynh đã hiểu vấn đề. Những thí sinh thi tại địa phương vẫn có cơ hội vào ĐH. "Do vậy, 40% thí sinh thi để xét tốt nghiệp đã biết lựa sức - không còn tình trạng biết thi không đỗ ĐH vẫn đi thi như các năm trước" - ông Hiển cho biết.

Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, việc tổ chức thi ở địa phương sẽ không được nghiêm túc nhưng quyết tâm của tỉnh đã quán triệt làm nghiêm theo đúng quy định. "Hải Dương không bao giờ chạy theo thành tích, không chỉ giáo dục mà tất cả các lĩnh vực. Tất cả là vì dân chứ không phải vì chủ tịch" - ông Hiển quả quyết.

Vì vậy, với cụm thi ở địa phương để xét tốt nghiệp cũng được chỉ đạo đi vào thực chất, không chạy theo thành tích. Cũng chính vì thế mà nhiều năm Hải Dương không lọt tốp đầu về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp...

Ở góc độ quản lý vĩ mô, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Trần Văn Nghĩa phân tích, con số 40% thí sinh ở Hải Dương nói riêng và gần 280.000 thí sinh cả nước thi để xét tốt nghiệp cho thấy, việc đổi mới thi đã có tác động vào công tác phân luồng sau trung học. Học sinh đã biết lượng sức mình...

"Không có chuyện thi ở cụm thi địa phương sẽ có nới lỏng, tiêu cực. Năm nào Bộ cũng có chấm thẩm định ngẫu nhiên từ kết quả chấm thi, nếu có sai phạm sẽ xử lý" - lời ông Nghĩa. Một điều nữa cần phải khẳng định: Việc tổ chức thi ở địa phương hay cụm thi quốc gia đều chung một đề thi cho nên sức ép là ngang nhau, đòi hỏi công tác tổ chức thi cũng phải tốt.

Cái gì thuận cho dân thì phải làm

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thi cử về lâu dài là một khâu tác động đến đổi mới chương trình, nội dung giảng dạy và phương pháp dạy. Vì lâu nay ta làm đề theo kiểu học thuộc lòng thì thí sinh sẽ học thuộc lòng, còn thi mà làm đề theo kiểu logic, suy luận thì thí sinh sẽ học theo kiểu suy luận. Nhưng cái này không phải mình ngủ dậy sáng mai thay hết những thói quen trong nhiều năm.

Mặt khác, thi cử là vấn đề xã hội quan tâm nhất và bức xúc nhất. Bức xúc là vì, nó quá nhiêu khê, phức tạp. Một năm 4 kỳ thi, chứ không phải 2, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của xã hội. Mà tốn kém như thế để làm gì? Để suy cho cùng vẫn hướng đến hai mục đích: gần như 100% các cháu vẫn đỗ tốt nghiệp phổ thông.

  {keywords}
Phó Thủ tướng chỉ đạo tại buổi làm việc

Bởi vậy, kỳ thi lần này nhằm đổi mới phương pháp, cải cách chương trình sách giáo khoa, khắc phục bất cập giảm bớt nhiêu khê cho xã hội. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là dù có khó cho ngành giáo dục, nhưng bớt nhiêu khê, bớt khó cho dân thì vẫn phải làm.

Mục đích là làm sao để các cháu học để thi tốt nghiệp phổ thông không có áp lực và phân luồng tốt ở trên để vào đại học. Về phía địa phương cần đảm bảo kỳ thi nghiêm túc từ việc trông thi, chấm thi. Huy động các lực lượng tham gia như công an, đoàn thanh niên,… giúp hướng dẫn thí sinh vòng ngoài.

Mong muốn của Chính phủ kỳ thi đổi mới mạnh hơn nữa, thuận lợi hơn nữa cho nhân dân. Và quan trọng nữa phải đảm bảo trung thực.

"Đổi mới là một quá trình lâu dài, chứ không giật cục được. Nhưng chắc chắn sẽ theo hướng: kỳ thi ngày càng bớt nhiêu khê đi, thuận tiện cho dân. Đầu vào đại học cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là đẩy mạnh chất lượng đầu ra của đại học..." - Phó thủ tướng khẳng định.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Tôi cho rằng Việt Nam xếp hạng 12 là đúng” 

Tại buổi làm việc về công tác chuẩn bị thi tại Hải Dương sáng ngày 21/5, sau những chỉ đạo về đổi mới công tác thi cử, ông Đam dẫn lại khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khi đánh giá năng lực của học sinh Việt Nam. Theo ông Đam, vị trí thứ 12 của Việt Nam trong bảng xếp hạng của OECD là đúng. “Bởi vì lượng kiến thức của học sinh Việt Nam, nhất là toán và khoa học tốt hơn so với nhiều nước trên thế giới”.

Tuy nhiên, ông Đam cũng chỉ ra điểm yếu của giáo dục Việt Nam là các kỹ năng mềm rất kém. “Về kỹ năng mềm, bây giờ ai cũng nói phải đổi mới sách giáo khoa, dạy giáo dục công dân, rồi tập huấn lại giáo viên. Tôi lại cho rằng không cần tập huấn, đổi mới sách giáo khoa gì cả, mà nên có cuộc vận động khơi dậy truyền thống của mình. Ví dụ như dạy các cháu biết trực nhật, lao động thay vì đi thuê người làm...Đấy cũng là một phần của giáo dục, không cần nhiều tiền, nhưng hiện nay chúng ta ít chú ý”.

Ông Đam cũng đề nghị ngành giáo dục cùng các địa phương tới đây đánh giá lại vấn đề giáo dục đạo đức trong nhà trường kể từ bậc tiểu học trở lên, trong đó đánh giá cả sự tham gia của Đoàn thanh niên vào công tác này. 

Kiều Oanh