Tiếp nối thành công của buổi hội thảo đầu tiên diễn ra vào ngày 7/11, chủ đề thứ hai về chăm sóc sức khỏe tinh thần giáo viên diễn ra vào sáng 14/11 thu hút hàng trăm giáo viên đăng ký tham dự. Sự kiện này nằm trong chuỗi hội thảo “Tối ưu hóa trải nghiệm dạy học trực tuyến" do hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) tổ chức miễn phí cho đối tượng giáo viên Anh ngữ khối công lập.

Dạy online làm tăng thêm áp lực cho giáo viên

Dạy học trực tuyến mang đến nhiều thách thức mới đối với giáo viên, đặc biệt là môn tiếng Anh đòi hỏi nhiều tương tác giữa thầy và trò. Mặt khác, đại dịch diễn ra suốt thời gian cũng đặt không ít nỗi âu lo lên vai người thầy. Vì thế, giảng dạy online trong mùa Covid-19 đã nhân đôi nỗi căng thẳng và mệt mỏi về tinh thần cho các thầy cô.

Mở đầu buổi hội thảo, diễn giả Emma Cronwright - Cử nhân Khoa học Danh dự về Trị liệu nghề nghiệp tại Đại học Cape Town (Nam Phi) đã chia sẻ câu chuyện của chính mình về việc sinh con đầu lòng trong mùa dịch và đảm bảo cân đối công việc của mình để giúp các thầy cô hiểu rằng ai cũng có những áp lực riêng, đừng ngần ngại chia sẻ chúng để đối mặt và tìm sự giúp đỡ.

{keywords}
 Emma Cronwright là một giáo viên giàu kinh nghiệm tại VUS trong giảng dạy tiếng Anh, đặc biệt trong việc khơi tạo sự sinh động trong lớp học

Diễn giả Emma giúp người tham dự hiểu rõ hơn về định nghĩa sức khỏe tinh thần và vai trò quan trọng của mảng sức khỏe dễ bị bỏ quên này. Thực tế, đây là chủ đề ít được quan tâm và không được nhắc đến nhiều trong cuộc sống, nhất là trong dạy học.

Theo thống kê của State of U.S. Teacher Survey của Mỹ trong năm 2021, hơn 75% giáo viên cho biết dạy học là nghề áp lực cao và nhiều người có định bỏ việc. Dựa theo thực trạng này, cô Emma thực hiện một cuộc bỏ phiếu nhanh dành cho giáo viên tham gia hội thảo. Kết quả có đến 46% thầy cô gặp áp lực tương đối, 30% cho rằng họ đang rất áp lực.

Giáo viên tự chăm sóc bản thân không phải là ích kỷ

Để giúp giáo viên tháo gỡ những “hòn đá" về tâm lý, cô Emma nhắc lại lời hướng dẫn về sử dụng mặt nạ oxy trong an toàn hàng không. Đó là hãy giúp bản thân mình trước khi giúp ai khác.

“Chúng ta là những giáo viên và thường xuyên quan tâm đến người khác như học trò, phụ huynh, cấp trên... mà quên đi chính mình cũng cần được quan tâm. Thầy cô cần phải biết tự chăm sóc, yêu thương bản thân nhiều hơn, và đừng nhầm lẫn đó là sự ích kỷ,” cô Emma Cronwright nhấn mạnh, đồng thời lưu ý mỗi người có một cách yêu thương chính mình khác nhau, hãy tìm lấy phương pháp chăm sóc riêng cho chính bản thân.

{keywords}
 Một số gợi ý hữu hiệu, dễ thực hiện của diễn giả Emma về xây dựng phương pháp chăm sóc và yêu thương bản thân

Theo diễn giả Emma, giáo viên cũng cần lưu ý thiết lập các giới hạn cho mình bởi dạy học trực tuyến tại nhà tức là hai phần của cuộc sống là gia đình và công việc đang giao thoa với nhau. Mọi người cần lưu ý về ảnh hưởng của thực tế này lên chính mình để từ đó vẽ ra được những giới hạn tách biệt.

“Hãy cố gắng chọn nơi dạy học tại không gian ít bị ảnh hưởng bởi cuộc sống riêng tư, đảm bảo khi gập laptop lại là công việc kết thúc để quay lại cuộc sống cá nhân, nếu có con nhỏ thì hãy thu xếp người thân phụ trông coi để an tâm “tạm quên” đi con nhỏ trong lúc dạy học… Càng thu xếp rõ ràng được ranh giới công việc - gia đình, càng giúp giáo viên giảm đi áp lực”, diễn giả Emma chia sẻ.

Ngoài ra, cô Emma cũng mang đến các đề tài thảo luận giúp giáo viên tham gia hội thảo có thể tham khảo lẫn nhau và tìm thấy hướng giải pháp cho bản thân như quản trị kỳ vọng, kết nối xã hội hiệu quả trong mùa dịch, tận dụng nhưng không lạm dụng công nghệ, và đặc biệt là xây dựng mục tiêu chăm sóc sức khỏe tinh thần bằng phương pháp SMART.

Buổi hội thảo không chỉ mang đến thông tin hữu ích mà còn tạo ra không gian chia sẻ giúp thầy cô cảm thấy không đơn độc, tìm thấy sự đồng cảm và những cách giải tỏa căng thẳng từ đồng nghiệp.

Cuối buổi hội thảo, diễn giả Emma Cronwright giới thiệu những chương trình, ứng dụng hữu ích mà giáo viên có thể tận dụng để hồi phục tinh thần như chương trình “Vaccine for the Soul”, ứng dụng Help Me, ứng dụng về thiền tịnh, các khoá tự tập yoga tại nhà… hoặc nếu trường học có dịch vụ tư vấn tâm lý thì thầy cô cũng nên tận dụng kết nối trò chuyện.

Chuỗi hội thảo “Tối ưu hóa trải nghiệm dạy học trực tuyến” là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy lộ trình số hoá trong giảng dạy và nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh cho giáo viên do VUS tổ chức, nhằm tạo ra giá trị sẻ chia với cộng đồng từ chính những nỗ lực và kinh nghiệm của VUS khi ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, thích nghi với thời cuộc.

Tiếp nối chuỗi hội thảo “Tối ưu hóa trải nghiệm dạy học trực tuyến", chủ đề thứ ba “Làm thế nào để khơi dậy hứng thú của học viên trong lớp học trực tuyến sĩ số lớn?” sẽ diễn ra vào 9h sáng ngày 21/11 do cô Lê Bảo Trân - ThS. Ngôn ngữ học Ứng dụng, có hơn 8 năm kinh nghiệm về đào tạo Anh ngữ, hiện là Quản lý Chuyên môn tại VUS - chia sẻ.

Giáo viên quan tâm có thể đăng ký tham dự tại: vus.link/WebinarGVT11

Ngọc Minh