- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trả lời nhiều câu hỏi về vấn đề xét tuyển vào ĐH, CĐ trong buổi giao lưu trực tuyến do báo Dân trí tổ chức ngày 14/8.

Cách xét tuyển mới giúp thí sinh trưởng thành hơn

Đây là ý kiến của ông Luận trước việc có độc giả tỏ ra mệt mỏi với cách xét tuyển ĐH, CĐ hiện tại và mong muốn Bộ có giải pháp khắc phục.

Ông Luận nhấn mạnh cách tuyển sinh của năm nay khác với cách tuyến sinh của các năm trước. Những năm trước tuyển sinh, thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường trước kỳ thi, khi chưa có thông tin về kết quả thi của mình cũng như tương quan của các thí sinh khác nên việc đăng ký với tỷ lệ may rủi rất lớn.

{keywords}
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Năm nay, thí sinh đăng ký nguyện vọng sau khi biết điểm và Bộ đã công bố các số liệu điểm của các khối thi cùng với chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Như vậy, thí sinh có đầy đủ thông tin để cân nhắc lựa chọn, thay đổi nguyện vọng để vào được trường mình có khả năng đỗ.

“Đây là một sự thay đổi lớn theo hướng tạo điều kiện cho thí sinh chủ động tự cân nhắc quyết định trường mình lựa chọn. Việc làm này, thí sinh phải tự tìm hiểu và cập nhật thông tin từ các trường nên vất vả hơn nhưng ít rủi ro, cơ hội trúng tuyển cao hơn. Tránh trường hợp điểm cao mà trượt đại học.

Qua việc này cũng giúp các thí sinh nâng cao tính chủ động và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình, làm cho các em trưởng thành hơn”.

Thí sinh có thể… tự quay về cách xét tuyển cũ

Một độc giả tên Phạm Tiến Thành chia sẻ: “Cá nhân tôi cảm thấy còn tồn tại nhiều bất cập. Việc học sinh nộp hồ sơ sau khi biết điểm, lo lắng, túc trực từng ngày để theo dõi thứ tự của mình, cuộc đua nộp - rút hồ sơ như vậy theo tôi đang gây ra 1 cuộc cạnh tranh mang tính ăn thua, giống như chứng khoán. Việc tuyển sinh như vậy dường như đang làm thí sinh bị quay cuồng trong vấn đề chọn trường, dẫn đến tình trạng không đỗ trường này thì ta chuyển sang trường khác. Rất mong năm sau Bộ Giáo dục cho thí sinh đăng ký trường NV1 trước khi thi giống như cách tuyển sinh cũ vì như vậy sẽ tuyển được người có đam mê ngay từ ban đầu”.

Còn theo độc giả Nguyễn Nguyễn, thì “Ngày nào tôi cũng cùng con phải canh điểm mà vẫn cứ lo đến mất ăn mất ngủ, trong khi con tôi điểm tương đối cao (23 điểm) vẫn có nguy cơ trượt ĐH mặc dù chỉ dám chọn trường ở tốp giữa. Trong khi năm ngoái các trường này chỉ cần 19 – 20 điểm”.

Với những ý kiến này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hồi đáp rằng: “Công tác tuyển sinh năm nay nhằm tạo cơ hội và cung cấp cho thí sinh các kênh thông tin để có thêm căn cứ lựa chọn ĐKXT, nhằm giảm thiểu tình trạng người có điểm cao vẫn trượt đại học nhưng người có điểm thấp lại đỗ như những năm trước đây.

Thí sinh có thể không sử dụng các cơ hội hỗ trợ nói trên, chỉ ĐKXT vào 1 trường và chờ công bố kết quả như những năm trước, tùy vào quyền lựa chọn của thí sinh.

“Bộ khuyến khích thí sinh cân nhắc thông tin, tận dụng cơ hội để có quyết định phù hợp với nguyện vọng, đam mê của mình. Để tận dụng lợi thế đó, các thí sinh sẽ phải vất vả hơn”.

Ông Luận cũng phân tích rằng “Mức điểm trúng tuyển hàng năm vào các trường có thay đổi phụ thuộc vào kết quả thi của thí sinh đăng ký vào trường. Năm nay, việc cung cấp thông tin xét tuyển của các trường công khai, cập nhật liên tục để thí sinh, phụ huynh có thông tin và phán đoán được khả năng trúng tuyển để giữ nguyên hoặc thay đổi nguyện vọng đăng ký.

Việc này, phụ huynh và học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn và do vậy vất vả hơn năm trước. Nếu thí sinh không muốn vất vả thì vẫn có thể đăng ký xét tuyển như năm trước là nộp thẳng hồ sơ xét tuyển vào trường, không theo dõi thông tin nữa và chờ trường thông báo kết quả.

“Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Bộ tạo mọi điều kiện tối đa cho thí sinh, đồng thời để rộng cửa cho thí sinh có quyền quyết định sử dụng cơ hội đó hay không”.

Làm gì nếu ngày 20/8 hồ sơ chưa tới trường?

Với câu hỏi này, ông Luận cho biết nếu thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện thì trường ĐH, CĐ sẽ căn cứ dấu xác nhận trên bưu phẩm để tính mốc thời gian thí sinh nộp hồ sơ.

Ngành bưu chính cố gắng trong vòng hai ngày có thể chuyển bưu phẩm các địa phương trong cả nước đến các trường ĐH, CĐ. Trong trường hợp tới ngày 20/8 mà hồ sơ chưa đến được trường ĐKXT, trước hết thí sinh cần liên hệ với bưu điện để xác nhận kết quả chuyển phát.

Nếu bưu phẩm đã được gửi đến trường thì thí sinh liên hệ trực tiếp với nhà trường. Trong trường hợp bị thất lạc thì thí sinh liên hệ với bưu điện và với trường hoặc nếu cần thiết liên hệ trực tiếp với Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục để có biện pháp hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi.

Ông Luận cũng cho rằng để giúp học sinh ở các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa  chưa có điều kiện hạ tầng kỹ thuật CNTT còn hạn chế, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, chỉ đạo các Sở Giáo dục, trường THPT cập nhật thông tin tuyển sinh phổ biến tới thí sinh. Một số báo in cũng liên tục cập nhật các thông tin xét tuyển, tạo điều kiện cho thí sinh thay đổi nguyện vọng ngay tại địa phương.

Cách nào thu hút học sinh giỏi vào sư phạm?

“Đã có thời gian các trường sư phạm thu hút được học sinh giỏi vào học nhờ những chính sách của Đảng và Nhà nước là miễn học phí” – ông Luận phân tích. “Nhưng đến thời điểm này, do điều kiện kinh tế phát triển, có thêm chính sách như tín dụng sinh viên nên miễn giảm học phí không còn nhiều ý nghĩa trong việc thu hút học sinh giỏi nữa. Học sinh quyết định vào học ngành nào căn cứ vào cơ hội việc làm, thu nhập sau khi tốt nghiệp và cơ hội tiến bộ”.

Theo ông Luận, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu đề xuất với Đảng và Nhà nước các chính sách sử dụng và đãi ngộ đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời bổ sung hoàn thiện chính sách đối với sinh viên các trường sư phạm. Mặt khác, Bộ đang rà soát điều chỉnh mạng lưới cơ sở các trường sư phạm phù hợp với nhu cầu về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng nhu cầu đổi mới  giáo dục căn bản toàn diện.

Ngân Anh lược thuật