- Hơn 10 năm nay, để kiếm tiền nuôi con, chú Nguyễn Hữu Định, bố bạn Nguyễn Hữu Tiến (một trong 17 thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội) đã sống tạm bợ khắp vỉa hè, lều bạt ở Thủ đô. Chú chưa một lần thuê nhà trọ, thậm chí nhiều lúc còn ở trong ống cống bỏ hoang.

BẤM ĐỂ XEM CLIP

“Ở trọ trần gian” là câu nói đùa chú Nguyễn Hữu Định mô tả về cuộc sống mưu sinh của mình suốt 10 năm ở trung tâm thủ đô Hà Nội.

 “Nhà trọ” của chú đơn giản lắm, nay xin ở công trường xây dựng tạm bợ, mai phiêu dạt ra nằm ở các bốt điện thoại, cây rút tiền tự động. Có khi mệt quá, chú kiếm tạm mái hiên của một ngôi nhà nằm hơi khuất với mặt phố để ngủ tạm.

{keywords}

Vì con, chú Định không ngại vất vả khó khăn thậm chí ở ngoài đường hay ống cống. (Ảnh: Văn Chung)

Vợ chồng chú Định ở quê thôn Động Phí (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có làm thêm mấy sào ruộng.

Nhưng chừng đó không thể nuôi nổi 4 người con ăn học. Gia đình phải đi vay mượn khắp nơi, thậm chí vay lãi ngày để lo cho chuyện học hành cho các con. Số tiền giờ đã gần 100 triệu đồng.

Ngày tôi tới thăm căn nhà nhỏ của cô chú ở thôn Động Phí, người đến chúc mừng Tiến nhiều mà người tới đòi nợ lãi cũng chẳng ít. Bà ngoại em Đặng Thị Vót, đã ngoài 80 tuổi vẫn phải giúp các cháu bằng những bát gạo, củ khoai ông bà có.

Cô Hoàng Thị Thanh, vợ chú hết đi phụ hồ, làm thuê, giờ ở nhà đi vặt lông vịt buổi đêm kiếm tiền. Còn chú, từ đi bốc vác, phụ hồ,…nay “ổn định” với hòm đồ nghề sửa xe đạp và một cái chai nhỏ bán xăng trên đường Lê Văn Lương kéo dài.

Người cha với đôi bàn tay chai sạn, gương mặt đăm chiêu: “Mỗi ngày tiền kiếm được vài chục, ngày nhiều thì hơn 100.000 đồng tôi chẳng dám thuê nhà trọ, ở lang thang bên ngoài, điện đóm cũng không có”.

Sau nhiều lần di chuyển, giờ chú mới chuyển ra ở trong ống cống bỏ hoang trên đường Lê Văn Lương kéo dài.

Chiếc cống được che đậy bằng tấm gỗ công trường bỏ đi, chú mang về chắp vá thành cửa che nắng, che mưa. Vì sợ nửa đêm ngủ ai đó vào đánh hay trấn lột lấy đồ nghề nên chú cẩn thận gửi hòm nghề, xe đạp bên cổng bảo vệ của khu đô thị đối diện “nhà” của chú, bên kia đường.

{keywords}

Chú Tiến với công việc sửa, vá xe đạp xe máy trên đường Lê Văn Lương kéo dài. (Ảnh: Văn Chung)

Nhớ về 10 năm phiêu dạt trên đất thủ đô, chú chẳng thể quên những năm làm sửa xe từ Cầu Giấy, đường Láng rồi đến đường Lê Văn Lương. Nhiều lần không có chỗ ngủ, gặp trận mưa to phải ngủ nhờ phòng để đồ của nhà vệ sinh công cộng có hơn 1 mét vuông mà hai người nằm, chân co lại không thể chuyển mình.

Hay nỗi vất vả của những lần ngủ vỉa hè, chú phải chờ đến  9 - 10 giờ tối mới dám ngủ, đến 4h sáng dậy vì sợ người ta đi lại nhiều và “ngại” nữa.

Niềm vui, hạnh phúc và là động lực lớn nhất để chú Định và vợ cố gắng làm ăn chính là những đứa con chăm ngoan học giỏi.

Nguyễn Hữu Tiến vừa đỗ thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội với 29,5 điểm.

Người em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiền cũng đỗ Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội với số điểm 26.

Trước Tiến, còn có 1 người chị đang học năm cuối Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; người chị thứ 2 học năm thứ 3 CĐ Xây dựng trên Hà Nội. Hai người chị được bố mẹ xin cho ở kí túc xá của trường để tiết kiệm chi tiêu.

{keywords}

Chú Định ở trong ống cống bỏ hoang, ngày ngày sửa xe kiếm tiền nuôi con ăn học. (Ảnh: Văn Chung)

 “Biết bố nó khổ lắm. Nhiều khi tôi với các con cũng khuyên thuê nhà ở nhưng chú lại gạt đi, bảo để dành tiền nuôi con” – cô Thanh tâm sự.

Còn chú Định phân trần: “Nhiều khi các con cũng khuyên về ở với chúng nó, nhưng tôi gạt đi, nói con phải gắng học hành. Bố còn sức khỏe sẽ lo cho con ăn học”.

“Em biết bố mẹ vất vả nên chỉ biết cố gắng thôi. Nếu sau này xin được dạy thêm em sẽ nói với bố để hai bố con về ở cùng với nhau” – Tiến nghẹn ngào.

Chú Đặng Văn Giao (người thôn Nội Xa, xã Vạn Thái, Ứng Hòa, Hà Nội) hiện ở gần “nhà” của chú Định cho biết: “Cậu ấy về khu này ở đã hơn 2 năm. Vừa rồi dựng tạm túp lều để ở nhưng vừa bị người ta kéo xuống. Chú ấy kéo tạm được mấy thanh gỗ, thêm cái chiếu ở trong ống cống ngay sau căn lều của tôi. Thật khâm phục khi vợ chồng chú ấy có những người con giỏi giang, ngoan ngoãn”.

  • Văn Chung