Bài viết của tác giả Mike Ives đăng trên tờ The Associated Press (AP) về những yếu kém, bất cập của hệ thống giáo dục Việt Nam.
   

Cổng trường Thực Nghiệm bị đạp đổ hôm 13/5. Ảnh: Thanh niên

Anh Đào Quốc Huy và vợ là hai trong số những bậc phụ huynh chen chúc ở cổng trường tiểu học Thực Nghiệm lúc 3 giờ sáng ngày 13/5. Khi trời sáng, đám đông đã xô đẩy, làm đổ cánh cổng trường, rồi sau đó ùa vào với hi vọng mua được hồ sơ đăng kí dự tuyển.

Đây là ngôi trường công duy nhất ở Việt Nam áp dụng phương pháp học tập kiểu Mỹ thay vì chỉ học thuộc lòng. Khoảng 600 trẻ mầm non Hà Nội phải cạnh tranh với nhau để giành được một trong 200 suất học của năm học tới.

“Giống như chơi xổ số vậy! Và chúng tôi cần phải gặp may” – anh Huy, ông bố 35 tuổi của một cô con gái chia sẻ.

Vụ việc hỗn loạn trước cổng trường Thực Nghiệm chỉ khiến các bậc phụ huynh xây xát nhẹ, không ai bị bắt giữ, tuy nhiên nó lại là một vấn đề mà các chuyên gia cho rằng đang đè nặng lên vai các nhà lãnh đạo Việt Nam. Gần 4 thập kỉ sau chiến tranh, hệ thống giáo dục của đất nước này vẫn còn quá lạc hậu và nhiều tham nhũng. Điều này đang cản trở sự tăng trưởng kinh tế quốc gia. Và tầng lớp trung lưu đông đảo đang rất tuyệt vọng về sự thay đổi của hệ thống giáo dục.

Ở đất nước mà giáo dục được coi là quốc sách này, trường học ở mọi cấp bậc đều đang bị cản trở bởi hối lộ, gian lận và tình trạng thiếu các nhà nghiên cứu cũng như những chương trình giảng dạy mang tầm cỡ quốc tế. Kết quả là ngày càng nhiều học sinh Việt Nam theo học các trường tư thục có phương pháp giảng dạy quốc tế, sau đó họ đi du học.

Mặc dù thu nhập bình quân ở quốc gia này chỉ có 1.400 USD/ năm/ người, nhưng có tới hơn 30.000 người Việt Nam đang học tập ở nước ngoài vào năm ngoái. Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về số sinh viên học ở Australia và xếp thứ 8 về số sinh viên học ở Mỹ, cao hơn cả Mexico, Brazil và Pháp.

Trong thập kỉ qua, số người Việt Nam đang học ở Mỹ đã tăng gấp 7 lần từ mức 2.000 người. Hầu hết trong số gần 15.000 người đang học ở Mỹ vào năm ngoái không thuộc diện học bổng ở các trường nổi tiếng, mà họ theo học các trường cao đẳng cộng đồng và tự chi tiền túi để trả học phí – thông tin từ Viện Giáo dục quốc tế có trụ sở tại New York.

Không giống như các trường đại học ở đất nước láng giềng Trung Quốc – nơi mà các nhà lãnh đạo đã tiến hành cải cách từ những năm 80, các chuyên gia cho rằng trường học Việt Nam đang không theo kịp một thế giới đang toàn cầu hóa không ngừng. Thay vào đó, Chính phủ nước này đang duy trì một hệ thống đẩy mạnh quản lý tập trung không hiệu quả và thiếu tư duy phản biện.

Mô hình giáo dục của Việt Nam là “một kiểu dùng cho tất cả”, và các nhà lãnh đạo “nên làm nhiều hơn để giáo dục là tài sản của quốc gia” – ông Mai Thanh, chuyên gia giáo dục cấp cao của Ngân hàng Thế giới ở Hà Nội nhận định. “Tôi thấy giáo dục như một cơ hội đang bị bỏ lỡ” – ông nói.

Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của Việt Nam ở mức 6% mặc dù tỷ lệ lạm phát cao nhất Châu Á và nền kinh tế đang phải chịu gánh nặng của các công ty nhà nước hoạt động trì trệ. Các nhà phân tích cho rằng khủng hoảng giáo dục đang có nguy cơ làm cằn cỗi lực lượng lao động trong nước và tiếp tục cản trở sự phát triển của đất nước.

Intel – nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các công nhân lành nghề cho cơ sở sản xuất ở thành phố Hồ Chí Minh – các nhà nghiên cứu tới từ Trường Kennedy, ĐH Harvard cho hay.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết “tài nguyên con người” của Việt Nam không hỗ trợ cho nhu cầu giáo dục đang ngày càng tăng của nước này. Các nhà nghiên cứu Harvard cho rằng việc cải cách hệ thống giáo dục đại học đã bị “đóng băng” kể từ khi Việt Nam bắt tay vào cải cách kinh tế và tự do hóa vào giữa những năm 80.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, mặc dù Việt Nam đang đầu tư nhiều hơn vào giáo dục (chiếm 1% GDP) so với nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, song vấn đề chủ yếu là do quản lý kém chứ không phải do thiếu đầu tư.

“Chính phủ biết rất rõ rằng phần lớn người dân đang không hài lòng với tình trạng hiện tại của hệ thống giáo dục, kể cả những người có điều kiện kinh tế, hiểu biết chính trị và cả tầng lớp bình dân” – Ben Wilkinson, đồng tác giả của một báo cáo quan trọng vào năm 2008, kiêm phó giám đốc Chương trình ở Việt Nam của Trường Kennedy tại TP Hồ Chí Minh nhận định. Ông cho rằng còn quá sớm để nói về những ảnh hưởng của việc sinh viên đổ xô đi du học đối với tương lai của Việt Nam.

Một vấn đề phổ biến khác của hệ thống giáo dục Việt Nam là các bậc phụ huynh đang hối lộ cho giáo viên để con em mình đạt điểm cao, có một tấm bằng đẹp. Trong một báo cáo năm 2010, Tổ chức Minh bạch quốc tế có trụ sở tại Berlin kết luận rằng giáo dục là ngành tham nhũng nhiều thứ 2 ở Việt Nam sau ngành hành pháp.

Các phương tiện truyền thông thường xuyên đưa tin về những vụ bê bối trong ngành giáo dục, mà gần đây là vụ gian lận thi cử ở một trường phổ thông Bắc Giang – nơi mà một giám thị công khai thu “phao thi” trong kì thi tốt nghiệp THPT. Sau khi một thí sinh quay lén cảnh này bằng chiếc camera bí mật, 6 giáo viên đã bị sa thải.

Hồi đầu tháng 6, Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật về trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường đại học, tuy nhiên các nhà cải cách giáo dục vẫn đang hoài nghi về hiệu quả của luật này.

“Nhiều trường đại học chỉ quan tâm tới việc tuyển sinh càng nhiều càng tốt” – đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương nói trước báo giới hồi tháng 5. “Còn việc sau khi tốt nghiệp họ đi đâu, có tìm được việc làm không là việc của họ”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không hồi đáp lại những câu hỏi bằng văn bản của AP.

Tầng lớp trung lưu Việt Nam đang tự hỏi làm thế nào để con cái họ tỏa sáng bất chấp hệ thống giáo dục yếu kém. Hướng giải quyết là đăng kí cho chúng theo học những lớp học buổi tối – thường được giảng dạy bởi giáo viên trường công, những người có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/ tháng. Không giống như các quan chức cấp cao, hầu hết các gia đình không chi trả nổi học phí của các trường tư hay các trường đại học nước ngoài.

Tuy nhiên, anh Đào Quốc Huy – người đã chờ đợi suốt đêm trước cổng trường Thực Nghiệm – đã may mắn. Anh mới biết tin cô con gái 6 tuổi vừa được nhận vào ngôi trường có mức học phí 870.000 đồng/ tháng này – số tiền mà anh cho rằng ít hơn khoảng 10 lần so với học phí trường tư.

“Ai cũng muốn cải cách giáo dục, nhưng họ không làm được gì cả. Giáo dục chỉ là một bánh xe trong cả hệ thống” – anh nói.

  • Nguyễn Thảo (Theo AP)