Giữa đêm tối với cái lạnh 16 độ C, tiếng cười trong lớp học xoá mù tại xã A Dơi khiến cả một vùng như ấm nồng hẳn lên.

{keywords}
 

Chúng tôi băng qua con đường nhựa từ xã Tân Long (huyện Hướng Hoá) để đến với xã biên giới A Dơi. Những ngày giáp Tết, nơi đây mưa phùn cả ngày lẫn đêm, bị giá rét cùng sương mù bủa vây. Dù đường xá đi lại khó khăn, trong đêm tối, nhiều phụ nữ lớn tuổi với chiếc áo ấm mỏng manh cùng cặp sách trên tay đang trên đường đến lớp xoá mù.

Lớp học xoá mù chữ được tổ chức tại 2 điểm trường tại thôn Prin Thành và thôn A Dơi Đớ (xã A Dơi, Hướng Hoá) là nơi nhiều phụ nữ lớn tuổi đến học vào các tối thứ 3, 5, 7 hàng tuần.

Những lớp học này do Đồn Biên phòng Ba Tầng (BĐBP tỉnh Quảng Trị) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Dơi tổ chức cho hơn 70 phụ nữ đã quá tuổi đi học trên địa bàn.

“Chúng tôi đã biết chữ”

Vốn dĩ sinh ra trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn nên hầu hết những người phụ nữ ở nơi đây quanh năm suốt tháng chỉ biến bám víu vào những thửa ruộng để kiếm cái ăn qua ngày. Có lẽ họ chưa bao giờ nghĩ đến việc mình được đi học.

Trong căn nhà được làm với 4 tấm tôn, chỉ có một chiếc giường xập xệ, chị Hồ Thị Ba (SN 1986, trú tại thôn Prin Thành) ăn vội miếng sắn nguội, mở tủ ra chuẩn bị sách vở để chuẩn bị cho tiết học Tập làm văn vào buổi tối cùng ngày.

“Tôi trở về từ Lào vào năm 2018, khi vừa về tôi không hề biết đọc, viết và tính toán. Sau khi được chính quyền giúp đỡ, vào năm nay tôi đã được đi học chữ. Giờ đây tôi cơ bản đã đọc được tiếng Việt. Tôi cảm thấy vui lắm các chú ạ. Giờ đây có thể bày cho các con học chữ rồi” - chị Ba hồ hởi.

Thời điểm này đang là mùa thu hoạch sắn nên ai ai cũng bận rộn hơn. Dẫu có về muộn thì chị Hồ Thị Tam vẫn đến lớp. Chị Tam kể, ngày trước gia đình khó khăn lắm, chồng lâm bệnh nặng hiện ở với bố mẹ, con cái thì không thể nuôi được nên gửi lên chùa. Suốt ngày làm lụng vất vả nhưng chị Tam chỉ chờ tới tối để được đi học.

Còn em Hồ Thị Hậu (SN 2008, cùng trú tại địa bàn), tâm sự gia đình em là hộ đặc biệt khó khăn, bố mẹ chỉ biết làm ruộng kiếm ăn qua ngày. Hồi trước, em phải đi bộ 2km để đến trường, lại bị cận thị bẩm sinh nên thời gian về sau không được đi học nữa.

“Từ nhỏ em đã bỏ lỡ cơ hội học tập nên giờ đây, khi nghe có lớp xoá mù chữ được mở ra khiến em vui lắm. Giờ lại được đi học, lại được đọc sách và viết số rồi”, Hậu vui mừng kể lại.

Chị Hồ Thị Ván (SN 1979, trú tại thôn Prin Thành) chia sẻ, trước đây, vì không viết được tên nên chị phải điểm chỉ bằng tay. Nay sau hơn 2 tháng đi học thì chị đã viết được tên mình, đọc được sách.

Bà Hồ Thị Nữ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Dơi kiêm giáo viên của lớp học xoá mù này cho biết, các “học sinh” trong lớp học này giờ đây đã có niềm vui mới là học chữ nên họ luôn luôn đến lớp 100%. Có một số học viên sau 2 tháng học đã biết chữ, biết số và giờ đã đi xuống đồng bằng làm việc.

“Chị Tam, em Hậu cùng các chị các mẹ ở đây luôn luôn cố gắng đọc được nhiều chữ hơn trong các tiết học và điều đó khiến tôi rất vui. Tôi mong muốn sau này, khi họ biết chữ thì cuộc sống của họ sẽ đổi thay hơn”, chị Nữ cho biết thêm.

Bảo Lâm

Thầy hiệu phó 20 năm 'bám' đất nghèo, xây 40 điểm trường mới

Thầy hiệu phó 20 năm 'bám' đất nghèo, xây 40 điểm trường mới

Trong 8 năm, thầy Vỹ và bạn bè đã vận động xin tài trợ để xây mới 40 điểm trường, 30 điểm trường được sửa chữa và hỗ trợ trang thiết bị phòng học như điện năng lượng mặt trời, bàn ghế, bảng, sách vở…