- Phụ huynh bức xúc về việc con của gia đình đạt giải Ba môn Sinh kỳ thi học sinh giỏi QG không được nhận vào ngành Bác sĩ đa khoa, Trường ĐH Y Dược TpHCM. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT ngay lập tức có phản hồi.

VietNamNet vừa nhận được của một phụ huynh học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng.

Trong thư, phụ huynh này trình bày “Theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy được ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BGDĐT ngày 26/2/2015 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tại điểm e khoản 2 Điều 7 “Các đối tượng được xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ” nêu:

“Thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, đã tốt nghiệp trung học, được tuyển thẳng vào ĐH theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải.

Thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia nếu chưa tốt nghiệp trung học được bảo lưu sau khi tốt nghiệp trung học”.

{keywords}

Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh đại học tại Trường ĐH Y Hà Nội. (Ảnh: Văn Chung).


 

“Năm 2014, con tôi đạt giải Ba môn Sinh kỳ thi chọn Học sinh giỏi quốc gia (HSGQG) và được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tặng Bằng khen. Tại thời điểm đó cháu đang học lớp 11 nên theo Quy chế thì cháu được bảo lưu kết quả cho đến khi tốt nghiệp THPT. (Những em học sinh cùng thi với cháu năm 2014 lớp 12 đạt giải 3 quốc gia môn Sinh đã được tuyển thẳng vào ngành Bác sĩ đa khoa của trường Đại học y dược TPHCM)

Vào ngày 15/3/2015 tôi đi dự Tư vấn tuyển sinh do Báo Tuổi trẻ tổ chức tại Đà Nẵng có hơn 4.000 học sinh và phụ huynh cùng dự. Sau khi đặt câu hỏi về cơ chế tuyển thẳng thì được đại diện của hội đồng tư vấn trả lời đúng theo tinh thần điểm e khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh năm 2015 và giải thích rõ là những em đạt giải nhất, nhì, ba HSGQG đương nhiên được tuyển thẳng…

Nhưng đến đại diện của Trường ĐH Y Dược TpHCM nói “Theo phương án của trường thì chỉ tuyển thẳng học sinh đạt giải Nhất môn Sinh vào ngành Bác sĩ đa khoa, còn đạt giải Nhì, Ba không được vào ngành Bác sĩ đa khoa mà vào ngành Y học cổ truyền, y tế dự phòng”. Nếu các em không dùng quyền tuyển thẳng (tức vào ngành y học cổ truyển … ) mà muốn vào ngành Bác sĩ đa khoa thì các em phải dự thi và được cộng 3 điểm cho giải nhất, giải nhì: 2 điểm và giải ba: 1 điểm”.

Cho rằng như vậy là thiệt thòi cho con mình, phụ huynh đã viết đơn thư “kêu cứu” gửi VietNamNet.

“Tôi nghĩ, nếu Bộ nói như vậy nghĩa là quy định của trường có hiệu lực lớn hơn quy định của Bộ sao? Và cũng có ý kiến của Bộ cho rằng nếu tuyển những em đạt giải thấp thì sẽ thiệt thòi cho những em thi tuyển đạt 26, 27 điểm”.

Nói như vậy thì giải nào là thấp? Bởi giải thấp hay cao cũng do Bộ chấm điểm rồi chọn thí sinh đoạt giải theo tỷ lệ phần trăm mà Bộ đã đưa ra quy định từ đầu để lấy theo chỉ tiêu, chứ đâu phải gia đình tôi chọn? Và nếu nói vậy thì Bộ phải đưa ra quy định ngay từ đầu rằng chỉ tuyển giải Nhất vào ngành đúng ngành mà học sinh chọn… còn giải Nhì và Ba thì không” – vị phụ huynh bức xúc.

Bộ Giáo dục phản hồi

Ngay khi nhận được đơn thư của phụ huynh, tối 24/3, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí&Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT Trần Văn Nghĩa đã có trả lời về băn khoăn này.

Phó Cục trưởng cho biết: Theo khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh: "Thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; ......, đã tốt nghiệp trung học, được tuyển thẳng vào ĐH theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải"

Theo khoản 1 Điều 2 của Quy chế tuyển sinh: "Căn cứ hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT, quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển vào các ngành học của các đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7".

Với quy định như vậy, Quy chế được hiểu như sau: Các cháu đạt giải Nhất, Nhì, Ba của Kỳ thi HSGQG được tuyển thẳng vào các ngành học theo quy định của Bộ, nhưng giải nào vào ngành nào lại do trường đại học quy định. Điều này thể hiện quyền tự chủ của các trường đại học đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học“ – ông Nghĩa giải thích.

“Tại sao lại có nhiều người "kêu cứu" đối với môn sinh, trong khi đó không có ai có ý kiến gì đối với các môn khác. Mặc dù các học sinh đoạt giải ở các môn Toán, Lý, Hóa đã có những thành tích rất cao trong các kỳ thi Olympic Quốc tế.

Lý do ở đây là: học sinh đoạt giải Sinh học hy vọng được nhận "phần thưởng" quá lớn: để vào ngành bác sỹ đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội và Trường ĐH Y Dược TpHCM. Nếu đi bằng con đường bình thường phải đạt 27 điểm, thậm chí 28 điểm,

Cũng chính vì lý do như vậy nên hai trường đại học rất bức xúc, họ trình bày: Một vài năm trước khi cho phép tất cả các em đều được vào bác sỹ đa khoa thì tất cả đều dồn vào hai trường và mỗi năm hai trường phải bớt ra hàng trăm chỉ tiêu (trong tổng số khoảng 500 chỉ tiêu của mỗi trường) cho các đối tượng này và cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm học sinh 27 điểm phải mất cơ hội học tập của họ tại trường mà họ mơ ước. Như vậy liệu có công bằng không?” – ông Nghĩa phân tích.

Phó Cục trưởng cho biết: “Thực tế, qua khảo sát tại các trường trên: những thí sinh đạt giải Sinh học, nhiều người có kết quả học tập tại đại học không bằng nhóm thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tuyển sinh đại học.

Hơn nữa, các em vẫn có cơ hội vào học ngành bác sỹ đa khoa tại một số trường y còn lại cũng có điểm đầu vào khá cao và những trường này đồng ý để các em được tuyển thẳng

Và cả hai trường đều đề xuất với Bộ cho họ được thực hiện quyền tự chủ chỉ cho phép một số em đạt giải cao được tuyển thẳng vào ngành bác sỹ đa khoa, còn giải thấp hơn vào các ngành khác hoặc khi thi họ sẽ được cộng điểm ưu tiên.

Với lý do như vậy, Quy chế Bộ đã đưa ra quy định trên. Hiện nay Bộ đang dự thảo Hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên tuyển thẳng để các trường thực hiện”.

  • Văn Chung