Dư âm về hai chàng sinh viên 20 tuổi khởi nghiệp nhận được khoản đầu tư 3,1 tỷ đồng tại Tập 1 Chương trình truyền hình thực tế Shark Tank vẫn còn trên các diễn đàn thì Tập 2 đã được tiếp diễn với nhiều cảm xúc.

Kết thúc tập 2, Startup Trần Tâm Phương đã nhận được số tiền đầu tư là 4 tỷ đồng cho 36% từ Shark Phú và Shark Vương.

Thương vụ số 1:Đầu tư mạo hiểm - đã đến thời của… dấm và tiêu!

Startup: Trần Tâm Phương

Sản phẩm: Giấm gạo và Hồ tiêu Thủy Tâm

Bắt đầu với câu chuyện gây xúc động về những năm tháng mưu sinh của bố mẹ, startup Trần Tâm Phương với dự án Dấm gạo Thủy Tâm đã mang đến những xúc cảm rưng rưng khi kể lại niềm say mê về sản phẩm dấm gạo của người mẹ tần tảo.

Ý tưởng thương mại hóa sản phẩm này đã “manh nha” trong đầu Tâm từ thuở niên thiếu, sau những ngày miệt mài làm “shipper” cho bố mẹ. Bất chấp thực tế là doanh số mới đạt 2,5 tỷ đồng/năm cho cả 2 dòng sản phẩm dấm gạo và hồ tiêu muối, anh chàng ao ước đến ngày “mỗi quán phở trên thế giới này có 1 chai dấm gạo Thủy Tâm”! Niềm tin ấy đã được khẳng định bằng lời mời đầu tư 3 tỷ đồng cho 15% vốn để “công nghiệp hóa” mô hình sản xuất gia đình.

Với lộ trình sử dụng vốn rõ ràng và không giấu ý định “lợi dụng” “cá mập” để nâng cấp sản phẩm lên tầm cao mới, Tâm đã bước vào cuộc thương thuyết với 2 “cá mập” Nguyễn Xuân Phú và Trần Anh Vương - những DN đang nắm giữ lợi thế về hệ thống phân phối thực phẩm lớn và đầu tư chuyên nghiệp cho nông nghiệp công nghệ cao.

Sự giằng co “trả giá” chỉ thực sự dừng lại khi các “nhà đàm phán” gặp nhau ở mức đầu tư 4 tỷ đồng cho 36% cổ phần. Một cái kết đẹp cho cả đôi bên và cũng đủ làm hài lòng người xem khi startup này không hề tỏ ra “lép vế”, thậm chí còn nhanh chóng nắm bắt ý định của “cá mập” về khả năng “chịu chi”!

Có thể thấy đây là bước đi khá thông minh bởi theo quy định của Shark Tank, nếu các bên không thống nhất với nhau về thương vụ ngay tại chương trình thì sau đó cũng sẽ không được “bắt tay nhau” để thương lượng kiểu “đằng sau ống kính”!

Thương vụ số 2:

Startup: Hoàng Tiễn và Quốc Anh

Dự án: Coffee Bike

Dự án Coffee Bike với founder Hoàng Tiễn và giám đốc vận hành Quốc Anh lại thiếu may mắn khi không thể chứng minh được tính ổn định và tiềm năng của một mô hình kinh doanh cà phê theo chuỗi khi đã được nhượng quyền. Theo “shark” Hưng thì Hoàng Tiễn vẫn chưa định vị rõ ràng về giá trị cốt lõi của DN, không rõ bán thương hiệu, bán cà phê, bán máy móc hay bán xe đẩy! “Điều này khiến DN loanh quanh, lẩn quẩn”, “cá mập” này giải thích cho lý do không chọn Coffee Bike.

Các chàng trai còn tỏ ra khá lúng túng khi được hỏi về tình hình tài chính của công ty. Câu chuyện làm truyền thông để xây dựng thương hiệu của Coffee Bike cũng không thuyết phục được “shark” Linh chỉ vì startup này mới chỉ làm được những hoạt động “bề nổi” cho cái gọi là xây dựng thương hiệu.

Vì vậy, dù chỉ gọi 2 tỷ đồng cho 15% cổ phần, đồng thời nuôi mong ướcc ó thể tìm kiếm được cố vấn phát triển thương hiệu ra thế giới nhưng Coffee Bike vẫn bị tất cả các nhà đầu tư trên ghế nóng từ chối.

Thương vụ số 3: Từ chối “cá mập” vì nghĩ mình “đáng giá” hơn

Startup: Khắc Thiệp và Quang Trung

Dự án: PARKME - ứng dụng đỗ xe thông minh

Dự án PAKME - ứng dụng đỗ xe thông minh - với 2 chàng trai Khắc Thiệp (founder) và Quang Trung (quản lý tài chính) đã “nổ phát súng” đầu tiên với lời kêu gọi đầu tư 4,5 tỷ đồng cho 15% vốn cổ phần. Ban đầu, Khắc Thiệp đã gần thuyết phục được nhiều khán giả khi đưa ra hàng loạt dữ liệu chứng minh cho một thị trường khổng lồ đang chờ đợi Pakme khai phá. Tuy nhiên, nhóm “cá mập” không dễ dàng bị “lóa mắt” bởi những con số… trên giấy!

Thẳng thắn cho hay sẽ không rót tiền cho Pakme, “shark” Hưng nhìn nhận đây là dự án của… tương lai! Vì startup chưa nắm giữ được nguồn tài nguyên nên chưa thể mở rộng business ngay …hiện tại!”. Theo “shark” Linh đây không phải là ứng dụng quá khác biệt so với rất nhiều sản phẩm trên thị trường.

“Shark” Phú đã chỉ ra điểm sai trong định vị nguồn thu của Pakme, “cầu đang nhiều hơn cung, bãi đỗ xe không thiếu khách hàng. Vì sao người ta đồng ý chiết khấu cho DN, đáng lẽ phải thu tiền từ người sử dụng, và cho thêm tiền bãi xe”.

Tuy vậy Shark” Phú vẫn cho người sáng lập Pakme một cơ hội khi đề nghị “4,5 tỷ đồng cho 45% cổ phần”, với một điều kiện gây sốc là “nếu thất bại phải làm việc cho tôi 5 năm”! Tuy nhiên, Khắc Thiệp từ chối vì tin rằng “mình đáng giá nhiều hơn thế, để lại ấn tượng mạnh cho người xem.

Nhóm “cá mập” vẫn chưa trổ hết “ngón nghề” săn mồi để cho ra những cú thương lượng ngoạn mục. Liệu những startups “non trẻ” có dễ dàng giành được chiến thắng để bắt tay với các “ông lớn” hay không - những cuộc đấu trí sẽ được tiếp tục lên sóng VTV3 vào 11h thứ 7 tuần tới!

Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ là chương trình thực tế về đầu tư khởi nghiệp đã thành công ở 40 Quốc gia, tại Việt Nam chương trình do công ty TV Hub sản xuất.
16 tập phát sóng lúc 11h10 thứ 7 hàng tuần trên kênh VTV3 bắt đầu từ ngày 11/11/2017
Thông tin thêm truy cập Fanfage: #sharktankvietnam; website: sharktankvietnam.com.vn

Lệ Thanh