{keywords}
Rất nhiều hoạ sĩ bị xâm phạm bản quyền tác phẩm. 


Vô tư xài 'chùa'

Ban đầu là nhóm 5 hoạ sĩ đứng ra tố cáo các đơn vị vi phạm. Tới nay, số hoạ sĩ biết được tranh mình bị xâm phạm bản quyền đã lên tới 8 người, gồm: họa sĩ Bùi Trọng Dư (Hà Nội), Lâm Đức Mạnh (Hà Nội), Ngụy Đình Hà (Hà Nội), Nguyễn Thu Huyền (Hà Nội), Nguyễn Đăng Sơn (Huế), Lê Phan Quốc (Huế), Nguyễn Quý Tâm (Huế), Phan Linh Bảo Hạnh (Bình Dương).

Con số này được giới họa sĩ đánh giá là còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới vì nhiều họa sĩ đã vào cuộc rà soát lại các mẫu áo dài trên mạng để tìm kiếm xem có xâm phạm bản quyền tranh của mình hay không.

Khởi đầu từ việc họa sĩ Bùi Trọng Dư phát hiện ra bức tranh sơn mài Ao sen vẽ năm 2011 của mình bị Công ty vải in Lan Anh lấy làm nền áo, rồi cắt tranh cô gái của họa sĩ khác vào in chồng lên, gọi đó “mẫu tự thiết kế” sau đó chào bán quảng cáo công khai trên web và mạng xã hội.

{keywords}
 Tranh của hoạ sĩ Lâm Đức Mạnh bị vi phạm bản quyền.  

Tương tự, Công ty Lotus House sử dụng tranh của hoạ sĩ Bùi Trọng Dư đưa lên áo dài mà không hề xin phép cũng như trả tiền tác quyền. Trước đó vào tháng 9/2016, bức ao Ao sen cũng bị BTC cuộc thi Giọng hát Việt nhí sử dụng làm phông sân khấu. Chỉ sau khi họa sĩ lên tiếng thì người đại diện Giọng hát Việt nhí mới chịu xin lỗi và bồi thường tiền bản quyền.

Họa sĩ Lâm Đức Mạnh, tác giả bức tranh sơn dầu Đêm thu vẽ năm 2017, bị xâm phạm trái phép lên áo dài, chia sẻ: “Từ vụ đạo tranh lên áo dài lần này, tôi thấy buồn cho thẩm mỹ của nghề tạo mẫu thời trang áo dài. Tranh có ngôn ngữ của tranh, vẽ trên áo dài đòi hỏi ngôn ngữ khác, không thể in tranh, cắt ghép thô thiển vào áo dài được. Tôi thấy thương cho sự ấu trĩ của đơn vị may áo dài, đồng thời cũng rất bất bình về việc họ sử dụng tranh của tôi vào mục đích thương mại mà không xin phép”.

Họa sĩ Ngụy Đình Hà, tác giả bức tranh sơn dầu Hai chị em vẽ năm 2018, bị công ty áo dài Phương Mai xâm phạm trái phép. Còn họa sĩ Phan Linh Bảo Hạnh đau xót nói: “Mỗi tác phẩm của họa sĩ được vẽ ra đều phải đặt hết tâm huyết sức lực vào đó. Vậy mà bị nghiễm nhiên chiếm đoạt, càng lúc càng công khai, trắng trợn. Từ chép tranh bán, chép tranh vào tường trang trí và bây giờ là in lên áo, không biết người ta còn làm trò gì với các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ nữa đây. Lương tâm, đạo đức nghề nghiệp ở đâu?”.

{keywords}
 Tác phẩm của hoạ sĩ Bùi Trọng Dư bị xâm phạm. 


Cương quyết đòi lại sở hữu trí tuệ

Liên lạc các đơn vị nói trên, đại diện công ty in vải Lan Anh chối quanh, nói khách đưa thiết kế đến thì in thôi. Người nghe điện thoại tự nhận là nhân viên Lotus House trả lời đã ghi nhận phản ánh từ phía các hoạ sĩ và nói sẽ xin hướng giải quyết của cấp trên. 

Mới đây nhất, các hoạ sĩ đang soạn thảo văn bản chính thức để gửi tới ông Trần Quốc Nhân - chủ sở hữu và là người chịu trách nhiệm pháp luật của công ty Phan Trần, và các công ty vi phạm, yêu cầu chấm dứt việc sử dụng hình ảnh trái phép này. 

Họa sĩ Bùi Trọng Dư khẳng định mạnh mẽ rằng các họa sĩ cần đấu tranh với các đơn vị xâm phạm bản quyền để yêu cầu bồi thường tác quyền tranh và được xin lỗi.

{keywords}
 Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Quý Tâm bị xâm phạm 

Họa sĩ Tô Chiêm cũng nhất trí rằng: “Nếu hình ảnh tranh của họa sĩ bị chiếm đoạt sử dụng trái phép nhằm mục đích lợi nhuận thì hiển nhiên là cần đấu tranh quyết liệt, kiện ra toà để đòi lại công lý vì giá trị sáng tạo là tài sản không thể ăn cắp”.

Hoa sĩ Phạm An Hải ủng hộ các hoạ sĩ phản đối việc ngang nhiên xâm phạm bản quyền, in tranh nghệ thuật lên sản phẩm áo dài, bán thu lời; đặc biệt là khi chưa được sự đồng thuận của các hoạ sĩ.

Hoạ sĩ Phạm Hà Hải đánh giá: “Hiển nhiên vi phạm như thế là có tội. Đây là vi phạm sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả, cần truy tố”.

Nhận định về vụ việc, luật sư Lê Quang Vy - chuyên gia tư vấn về dịch vụ quyền sở hữu trí tuệ và tranh tụng dân sự (Đoàn luật sư TP.HCM) nói: “Theo Luật Sở hữu trí tuệ, mọi hành vi sao chép không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả đều là hành vi xâm phạm bản quyền (trừ trường hợp sao chép để sử dụng cho mục đích học tập, hay nghiên cứu của riêng mình).

Chủ sở hữu được khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại, ngoài ra nếu hành vi xâm phạm quyền tác giả có quy mô thương mại đều có thể bị xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Vì vậy khi chủ sở hữu quyền tác giả phát hiện hành vi xâm phạm bản quyền thì có quyền yêu cầu bên xâm phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi công khai, và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có)”.

{keywords}
 Tác phẩm của hoạ sĩ Ngụy Đình Hà bị xâm phạm 

Luật sư Nguyễn Giang Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã vào cuộc sát cánh cùng nhóm hoạ sĩ soạn văn bản gửi tới các đơn vị vi phạm.

“Nếu các đơn vị kinh doanh không thực hiện nghĩa vụ, chúng tôi sẽ cùng nhau kiện ra toà, đòi lại công lý cho tác phẩm của mình” - hoạ sĩ Bùi Trọng Dư cương quyết tuyên bố.

Hoà Bình

 

Tuyệt tác 'Thiếu nữ' của Trần Đông Lương đã bán 360 triệu đồng

Tuyệt tác 'Thiếu nữ' của Trần Đông Lương đã bán 360 triệu đồng

Bức tranh lụa tuyệt tác này vừa thuộc về một nhà sưu tập đang sống tại Hà Nội. Hiện tại, nhà sưu tập chưa muốn nói thêm gì về bộ sưu tập của mình.