Không có một giải thưởng cá nhân nào, chỉ là những giải thưởng kê khai tập thể và tính quy đổi chỉ được 1/3 HCV Quốc gia nhưng nghệ sĩ Lê Nguyễn Kiều Anh, Phó chủ nhiệm khoa Nhạc cụ dân tộc, trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội vẫn được xét duyệt danh hiệu NSƯT.

Thành tích sơ sài?

Vừa qua một số giáo viên trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội đã có đơn thư phản ánh trường hợp của nghệ sĩ Lê Nguyễn Kiều Anh tới báo VietNamNet.

{keywords}

Cuộc thi năm 1998 không hề có mặt NS Lê Nguyễn Kiều Anh.

Theo đơn, giáo viên V.T. H. trình bày, ngay từ cấp cơ sở không phải tất cả những anh em nghệ sĩ trong trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội đều được tham gia bỏ phiếu bình xét công khai.

Việc lấy ra một chức danh cụ thể để phong danh hiệu cho NS Lê Nguyễn Kiều Anh cũng không được rõ ràng. Theo kết quả của Hội đồng cấp tỉnh, Sở VHTT&DL Hà Nội đã đề nghị Hội đồng cấp nhà nước xem xét phong tặng danh hiệu NSƯT cho NS Lê Nguyễn Kiều Anh với chức danh Chỉ huy dàn nhạc dân tộc nhưng kết quả của Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước lại xét tặng chức danh nghệ thuật là Nhạc công biểu diễn trống. Sự thiếu đồng điệu giữa cấp Sở và cấp Nhà nước khiến cho nhiều nghệ sĩ trong trường thắc mắc.

Theo giáo viên V.T.H., kể từ năm 1987 tới nay NS Lê Nguyễn Kiều Anh chưa từng chỉ huy giàn nhạc dân tộc của trường. Người chỉ huy dàn nhạc của trường đều do NSƯT Trọng Đài, NSƯT Doãn Tiến và giảng viên Hoàng Trung chỉ huy. Về chức danh nghệ thuật Nhạc công biểu diễn trống, NS Lê Nguyễn Kiều Anh cũng chưa từng được huy chương cá nhân nào về biểu diễn trống.

“Dàn nhạc dân tộc của Trường CĐ nghệ thuật Hà Nội đạt Huy chương vàng hòa tấu dàn nhạc dân tộc của hội thi Ca múa nhạc dân tộc toàn quốc năm 1992, đạt giải Xuất sắc của Liên hoan ca múa nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 1998, đạt giải Xuất sắc của Liên hoan ca múa nhạc và triển lãm mỹ thuật các trường nghệ thuật toàn quốc năm 2000 trong đó nghệ sĩ Lê Nguyễn Kiều Anh không tham gia bất kỳ vị trí nào trong dàn nhạc.

Đến năm 2008, Dàn nhạc dân tộc Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội đã đạt giải 3 hòa tấu dàn nhạc của cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc lần thứ 3, trong đó NS Lê Nguyễn Kiều Anh biểu diễn bè trống. Như vậy với chức danh Nhạc công biểu diễn trống, NS Lê Nguyễn Kiều Anh mới chỉ đạt một giải 3 hòa tấu cùng dàn nhạc”, giáo V.T.H cho biết.

Khai không đúng sự thật?

Thêm một sự bức xúc nữa của các giáo viên trong trường CĐ Nghệ thuật khi họ cho rằng NS Kiều Anh đã khai không đúng sự thật khi tự cho mình là có tham gia vào Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần thứ 1 năm 1998 (lần đó dàn nhạc được giải Xuất sắc) và Liên hoan ca múa nhạc và triển lãm Mỹ thuật các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc (tổ chức năm 2000 tại Nhà hát Lớn)

Trong các bức ảnh chụp dàn nhạc biểu diễn 2 bài cuộc thi năm 1998 gồm: Tây Nguyên ngày mùa và một bài chèo cổ trên sân khấu thì không thấy có sự xuất hiện của NS Kiều Anh. Một số NS chơi trong dàn nhạc ngày đó cũng xác nhận với VietNamNet rằng NS Kiều Anh không tham gia chơi nhạc cụ nào cả.

NS Thùy Anh, cũng là giáo viên của trường chia sẻ: “Năm 1998 tôi có độc tấu đàn Nhị , NS Kiều Anh có đệm đàn cho tôi, nhưng đệm đàn sẽ không được tính thành tích cho Kiều Anh bởi đây là tiết mục độc tấu của tôi, tôi được giải Nhì và vì thế thành tích là của riêng tôi. Năm 2000, Kiều Anh cũng không tham gia”

Trong khi đó, NS Quỳnh Anh, người chơi đàn Tứ trong dàn nhạc Dân tộc của cuộc thi tổ chức năm 1998 cũng xác nhận với VietNamNet rằng: “ NS Kiều Anh chưa từng tham gia tập với dàn nhạc thì làm sao có chuyện tham gia cuộc thi, kể cả năm 2000 Kiều Anh cũng không tham gia”.

Trao đổi với VietNamNet, NSƯT Nguyễn Minh Ánh, Hiệu trưởng trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội cho biết trong lúc kê khai hồ sơ, có thể do hồ sơ của NS Lê Nguyễn Kiều Anh thiếu, cần bổ sung nên NS Kiều Anh có khai thêm lần tham gia cùng dàn nhạc vào năm 1998 Tuy nhiên, NSƯT Minh Ánh cho hay vì nhậm chức năm 2013 nên việc xác nhận thời điểm năm 1998 NS Kiều Anh có tham gia hay không hoàn toàn dựa vào sự tin tưởng vào sự thành thật khi khai hồ sơ của NS Kiều Anh và sự chứng nhận từ cấp dưới.

NS Minh Ánh thông tin thêm, ngay sau khi có phản ứng từ một vài giáo viên trong trường về việc cho rằng NS Kiều Anh khai man để được tính thành tích, bà đã cho mời NS Kiều Anh lên và yêu cầu làm những xác nhận để chứng minh thời điểm đó NS Kiều Anh có tham gia dàn nhạc. “Tôi đã có bản viết tay xác nhận của anh Quyền, chơi trống ở cuộc thi năm 1998”, NS Minh Ánh nói.

Về năm 2000, Minh Ánh giải thích, bản thân bà cũng chỉ nghe NS Kiều Anh tường thuật lại rằng thời điểm đó, do có sự yêu cầu thay người đột xuất nên NS Kiều Anh vào thay anh Quyền chơi trống.

Tuy nhiên, NS Thùy Anh và Quỳnh Anh chia sẻ rằng: “Câu giải thích đó không làm hài lòng bất cứ ai, nhất là dân trong nghề như chúng tôi. Để có một tiết mục, dàn nhạc chúng tôi phải tập với nhau cả vài tháng trời. NS Kiều Anh không hề tập mà chơi ngay với dàn nhạc được, chỉ có thể là siêu nhân mới làm thế được”.

Người bị 'kiện' lên tiếng

Trong khi NS Quỳnh Anh và NS Thùy Anh (người tham gia vào cuộc thi năm 1998) xác nhận rằng chỉ có 2 tiết mục hòa tấu được trình diễn là bài Tây Nguyên ngày mùa và một bài chèo cổ. Song khi trao đổi với VietNamNet, NS Kiều Anh lý giải năm 1998 chị có tham gia cuộc thi và là là người chơi trống bài Hội làng, NS Mạnh Quyền cùng ban nhạc khi đó chơi đàn Tứ Bass. NS Kiều Anh đã cho chúng tôi xem bản xác nhận của NS Mạnh Quyền, tuy nhiên anh Quyền cũng chỉ viết một bản viết tay xác nhận rằng anh có tham gia cuộc thi và chơi đàn Tứ Bass, anh Quyền không hề xác nhận NS Kiều Anh có tham gia hay không?

Tiếp đến, NS Kiều Anh cũng tiếp tục đưa ra bằng chứng rằng năm 2000 chị có tham gia cuộc thi ở Nhà hát Lớn. "Năm 2000, tôi tham gia chơi trống bài Kỷ niệm không quên. Trên thực tế lúc tập luyện, anh Ngọc Quyền có tham gia tập luyện bàu này nhưng vì thời điểm đó anh Quyền đang là NS thuộc Nhạc viện Hà Nội. Anh Quyền cũng có tiết mục dự thi với tư cách là NS của Nhạc viện ở cuộc thi này nên anh Quyền không thể cộng tác với trường của tôi để dự thi tiết mục Kỉ niệm không quên nữa. Đó là quy chế của cuộc thi. Lúc đó, ban chủ nhiệm khoa quyết định cho tôi chơi trống thay anh Quyền”.

Khi phóng viên hỏi Một quyết định đột xuất như vậy, anh Quyền là người tham gia tập luyện từ đầu, sao chị có thể thay thế anh Quyền chơi trống cùng cả một dàn nhạc như thế? NS Kiều Anh trả lời: “Sao không biết tôi lại có thể chơi được. Lúc đó tôi cũng chơi thử trong cánh gà cho ban chủ nhiệm khoa, họ thấy ổn nên đồng ý thay. Tôi có cả xác nhận của nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội ông Đoàn Phi Liệt và NSND Nguyễn Thị Bình, chủ nhiệm khoa Nhạc cụ dân tộc thời điểm đó”.

Danh hiệu vẫn đang trong thời gian xem xét!

Trao đổi với ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng về trường hợp NS Kiều Anh, ông Cẩn cho biết Vụ cũng đã nhận được đơn thư tố cáo NS Kiều Anh khai không đúng sự thật. Nhưng dựa trên những thứ mà NS Kiều Anh khai, số huy chương quy đổi của NS này là 1/3 HCV Quốc gia.

“Sau khi chúng tôi nhận được đơn thư, hồ sơ của NS Kiều Anh để đi điều tra xác minh. Sau khi có kết quả chúng tôi sẽ báo cáo lên Hội đồng xin ý kiến trước khi trình Thủ tướng. Trường hợp này vẫn đang trong thời gian xem xét và các cơ quan chức năng đang có những động thái mau lẹ triển khai”, ông Cẩn nói.

Trước thắc mắc của VietNamNet rằng Giả sử những gì mà NS Kiều Anh khai là đúng, thì số huy chương quy đổi chỉ là được 1/3HCV Quốc gia so với quy định thì phải có ít nhất 1HCV, 2HCB hoặc 2HCV mới có thể xét NSƯT thì trường hợp của NS Kiều Anh ‘được đặc cách một cách quá đặc biệt’? Ông Cẩn thẳng thắn: "Biết là quá non thành tích nhưng chúng ta đang ưu tiên những trường hợp nghệ sĩ mà họ lại đang làm trong lĩnh vực đào tạo. Họ vừa biểu diễn phục vụ công chúng, lại làm công tác truyền dạy thì nên ưu tiên họ".


Tình Lê