Dịch bệnh là dịp đi ngược vào bên trong bản thân

- Thực hiện giãn cách xã hội, chị gặp phải bất tiện nào?

Có một số bất tiện nhất định nhưng tôi thấy rất bình thường. Tôi từng sống khổ nên thích nghi rất nhanh. Tôi không có ý định than vãn đâu. Lực lượng chống dịch tuyến đầu khổ cực trăm bề, tôi đây ở nhà thiếu thốn một tý thì đã làm sao? Tôi thương lực lượng tuyến đầu, các em sinh viên xung phong và bao nhiêu người khổ thiếu ăn từng ngày không hết!

Trong nhà, tôi lạc quan nhất. Mẹ, dì tôi và bà vú hay lo âu kiểu người già còn tôi luôn luôn động viên mọi người. Mấy hôm nay nhờ nấu các suất ăn gửi vào khu cách ly tập trung mà gia đình chúng tôi lại tích cực, rôm rả. Lạc quan, tích cực đôi khi chỉ là cùng nhau cắt thịt, bóc hành thôi.

{keywords}
Nấu 300 suất cơm gửi vào khu cách ly, cả nhà Trương Ngọc Ánh lại rộn ràng, lạc quan.

- Chị làm gì những ngày ở nhà?

Khu chung cư tôi ở có khá nhiều khuôn viên bố trí ở một số tầng. Tôi thường xuống một khuôn viên gần nhất để thiền và đón nắng mặt trời. Tôi vẫn tập Yoga, dạo này tập thêm Aerobic - đặc biệt là các bài tập mông và đùi... Cư dân ở khu chúng tôi mạnh ai nấy tập, không tụ tập hay nói chuyện.

Mùa dịch, tôi ngộ ra nhiều điều. Tôi đã quá miệt mài với công việc nên chưa có dịp dừng lại để hướng vào sâu bên trong nội tâm của mình. Tôi học thêm về nhân số học, đọc sách Muôn kiếp nhân sinh, tìm hiểu Phật pháp qua nghe sách Phật như Kinh Lương Hoàng Sám, Kinh Địa Tạng Bồ tát Bổn Nguyện, nghe các sư giảng đạo,...

Tôi yêu thương người thân nhiều hơn, chiêm nghiệm sâu hơn về cuộc sống, làm việc thiện và cầu nguyện cho mọi người.

- Bé Bảo Tiên hiện ra sao?

Bé đang ở Mỹ với bố để xem trường học, thăm bà nội cũng như tiêm vaccine. Sẵn đang dịp nghỉ hè nên bé tranh thủ đi một công đôi ba việc. Tình hình dịch bệnh ở TP.HCM phải tạm ổn bé mới về đi học tiếp được.

Mỹ và Việt Nam cách nhau 13 tiếng đồng hồ. Tôi thường gọi video cho bé mỗi ngày 2 lần, xem như hai mẹ con thấy nhau cả buổi sáng và tối. Tôi cũng thường xuyên chat với anh Trần Bảo Sơn để cập nhật tình hình của bé.

Tiên năm nay vào lớp 8. Tôi và anh Sơn đang định để Tiên học xong lớp 9 sẽ sang Mỹ học cấp 3. Bé học ở New York vì nhà bà nội bé ở đó, họ hàng cũng khá đông.

Không gặp người yêu cũng chẳng sao!

- Người ta nói "Một ngày không gặp như cách ba thu", chị và "người ấy" đã mấy thu rồi?

(Cười lớn) Thời đại 4.0 mà, chúng ta đều có thể gọi video cho nhau hằng ngày đúng không? Đành rằng là không gặp nhau nhưng tôi luôn thấy điều đó rất nhỏ bé, không là gì so với những gì mà lực lượng chống dịch tuyến đầu phải chịu đựng cả. Họ xa vợ chồng, con cái, xa người yêu, có người phải từ Bắc vào Nam phục vụ đất nước thì bản thân mình chịu đựng một tý đã là gì mà phải than?

- Câu này hơi nghiêm ngắn quá chăng? Ai yêu nhau mà xa chẳng nhớ!

Tôi chỉ nhớ con thôi bạn ạ! Thời dịch bệnh nói nhiều về chuyện yêu đương lại không hay! Tôi nói rất thật và đúng với con người mình. Tôi mà kể lể nhớ nhung thì lại chẳng phải mình.

Trương Ngọc Ánh ngộ ra nhiều điều hay nhờ thiền.

- Mới xa con hơn 1 tháng đã nhớ nhiều, Bảo Tiên lên lớp 10 chị tính thế nào?

Chắc chắn tôi và bố Sơn phải bay đi bay về giữa Mỹ và Việt Nam nhiều đấy. Tôi biết mình sẽ chịu không nổi cảm giác nhớ nhung thời gian đầu con sang Mỹ. Vì vậy, tôi định sẽ ở hẳn Mỹ vài tháng đầu tiên cùng bé.

- Chị có lo Bảo Tiên hòa nhập văn hóa mới sẽ có khoảng cách với bố mẹ?

Bé học trường quốc tế đã sớm hòa nhập với văn hóa phương Tây. Tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là giáo dục gia đình. Tôi, bố Sơn và bà nội bé đều rất truyền thống. Như bà kinh doanh ở Mỹ nhiều năm nhưng cứ bước vào nhà thì nề nếp, truyền thống phải "chuẩn Việt" 100%! Nhà bà ở New York vẫn ăn đồ Việt mỗi ngày. Bà vẫn hay bảo tôi: "Mẹ chỉ thích ăn cơm với mắm".

- Hình như, tôi chưa nghe chị kể về mẹ chồng cũ bao giờ?

Mẹ con tôi gọi cho nhau suốt thôi, thường cách một ngày gọi một lần. Với tôi, chuyện nào ra chuyện đó. Mẹ chồng cũ của tôi rất cởi mở, vừa truyền thống vừa hiện đại. Bà 65 tuổi nhưng vẫn đẹp, mặc cực kỳ sành điệu. Bà đến các cửa hàng thời trang rất được săn đón đấy. Bà cũng rất xởi lởi, nhanh nhẹn, lái xe vèo vèo như dân chơi!

Tuổi này, bà vẫn làm việc rất chăm chỉ, mỗi ngày đều bắt đầu từ sáng sớm đến tối mịt. Bà kinh doanh siêu thị, các cửa hiệu thuốc, hầu như đối tác, khách hàng là người Mỹ, các dược sĩ của bà cũng là người Mỹ.  

Tôi và Bảo Tiên sang nhà bà chơi hầu như không phải động tay vào việc gì. Hai mẹ con thường vừa xuống máy bay đã được bà đón tiếp bằng tô phở nóng. Tủ lạnh của bà chất đầy giò, chả vì sợ hai mẹ con thèm đồ Việt.

Cả đời con vẫn luôn là "baby" của mẹ

- Chị có gặp áp lực tài chính vì dịch bệnh?

Hai năm dịch bệnh, không ít dự án của tôi đã triển khai phải bỏ dở, các đối tác rút về để bảo toàn lực lượng đôi bên thì tôi vẫn chịu thiệt hại rất nhiều. Chính trong những ngày này, tôi sắp xếp lại công việc, thay đổi suy nghĩ và lối sống cho phù hợp với tình hình chung của thế giới.

Thú thật, lúc đầu tôi không nghĩ dịch bệnh kéo dài thế này. Tôi cứ nghĩ sẽ sớm hết dịch thôi nên khi ấy có hơi sốc. Khi cập nhật được tình hình chung, tôi chủ động dừng lại hết hoạt động kinh doanh nhà hàng, xem như mất trắng phần đầu tư.

Trương Ngọc Ánh đọc nhiều sách hay những ngày thành phố giãn cách xã hội.

- Khoảnh khắc nào làm chị nhớ những ngày này?

Tôi sống cùng mẹ, dì, bà vú, em trai và cháu trai. Nói chung "quân số" khá đông, tôi cũng bận rộn nên không có thời giờ buồn, chỉ là nhớ con thôi.

Mẹ tôi cứ như cô tiên. Tôi vừa lên nhà trên thì nhà dưới đã sạch bóng. Tôi bảo: "Ôi, mẹ để con làm" nhưng bà cứ thích chăm sóc con gái. Tôi lại nói: "Ôi nhà sạch thế, cứ như có cô tiên ấy nhỉ?", thế là mẹ vui!

Trong mùa dịch, bữa cơm gia đình quây quần thực sự ấm áp và ngon miệng hơn bình thường. Chúng tôi cùng xem phim, xem tin tức thời sự, cùng nhau bàn tán mọi thứ. Chúng tôi có những buổi chiều cùng nhau uống trà, ăn bánh mứt, trái cây.

Thỉnh thoảng, tôi pha thuốc và nhuộm tóc cho mẹ. Bà mắng yêu: "Mày nhuộm chả đều gì cả!". Ôi, Trương Ngọc Ánh trông thế chứ có biết nhuộm tóc đâu...

Mẹ là thế, tôi từng này tuổi nhưng trong mắt mẹ vẫn như em bé. Khi có Bảo Tiên, tôi cũng lo cho con giống như vậy. Có lần tôi gọi bé Tiên là "baby", bé nói: "Con tuổi teen rồi, con đâu phải em bé đâu mẹ!". Cả đời con vẫn luôn là "baby" của mẹ. Con lớn lên, lấy chồng, sinh con thì điều đó vẫn không thay đổi.

Gia Bảo 

Trương Ngọc Ánh nấu 300 suất cơm ủng hộ bác sĩ, bệnh nhân khu cách ly

Trương Ngọc Ánh nấu 300 suất cơm ủng hộ bác sĩ, bệnh nhân khu cách ly

Diễn viên Trương Ngọc Ánh cùng mẹ sẽ nấu 300 suất cơm từ thiện tại nhà để ủng hộ các bác sĩ, y tá và bệnh nhân trong khu cách ly.