Sau những vụ lùm xùm về tiền từ thiện, showbiz Việt lại chứng kiến hàng loạt những vụ “vạ miệng”, phát ngôn kém cẩn trọng trên mạng xã hội từ các ngôi sao như Hoài Linh, Hồng Vân, Quyền Linh, Đức Hải, Diệu Nhi…

Đặc biệt là trường hợp của nghệ sĩ Đức Hải khi anh vừa là một diễn viên tài năng, lại đồng thời là một nhà giáo, đang giữ vai trò Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn.

{keywords}
Đức Hải đánh mất hình ảnh sau lùm xùm phát ngôn trên mạng xã hội. 

Dù đã lên mạng trần tình và giải thích nguyên nhân cho vụ việc drama của mình nhưng hình ảnh của người nghệ sĩ này đã ít nhiều bị ảnh hưởng, gây mất thiện cảm cho công chúng. Thiết nghĩ, vấn đề nghệ sĩ cẩn trọng trong phát ngôn và giữ gìn hình tượng trên mạng xã hội là một điều cực kỳ đáng lưu tâm trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

Có thể nói, chưa bao giờ hình ảnh và đời sống cá nhân của người nghệ sĩ lại được công chúng quan tâm nhiều và toàn diện như ngày nay. Nhận thức được tầm vai trò quan trọng của công chúng, các nghệ sĩ Việt đã tranh thủ tạo dựng những mối liên hệ mật thiết với khán giả, đặc biệt là các fan hâm mộ của mình thông qua tài khoản cá nhân trên mạng xã hội như facebook, instagram, các kênh livestream, YouTube…

Chính nhờ điều này, mối liên hệ cũng như tình cảm của người hâm mộ dành cho nghệ sĩ ngày một sâu sắc hơn. Bất cứ hoạt động nào của họ từ chuyên môn như tham gia đóng phim, diễn kịch, ca hát… cho đến những dự án cá nhân như làm từ thiện, kêu gọi đóng góp cho cộng đồng, thậm chí những vui buồn hờn giận đơn thuần cũng có thể trở thành chủ đề cho công chúng quan tâm và theo dõi.

Công chúng, vô hình trung, trở thành một hậu phương vững chắc cho những thần tượng của họ. Chỉ cần một hành động ấm áp, nghĩa cử cao đẹp của thần tượng cũng đủ sức lay động hàng trăm hàng nghìn công chúng. Chỉ cần một lời kêu gọi, một dòng tin nhờ hỗ trợ từ ngôi sao cũng đủ sức lan tỏa và tạo hiệu ứng lớn trong lòng công chúng.

Tuy nhiên, lợi bất cập hại, nhiều nghệ sĩ do chủ quan xem nhẹ tác động của truyền thông với công chúng nên tỏ ra hời hợt thậm chí bừa bãi với những phát ngôn của mình. Họ vô tình quên mất bản thân là một người nổi tiếng, nhận được sự quan tâm của vô số người hâm mộ nên tự do thể hiện bản tính cá nhân một cách quá đà trên mạng xã hội.

{keywords}
Diệu Nhi vừa lên tiếng xin lỗi vì quảng cáo sản phẩm kém chất lượng. 

Dù biết rằng “nhân vô thập toàn”, nghệ sĩ cũng là con người, cũng có thể có những sai lầm, nhưng nếu ý thức với nghề nghiệp cao, đặc biệt là ý thức về việc giữ gìn hình tượng cá nhân của chính mình họ sẽ không hành xử như thế. Sau những phát ngôn thiếu cẩn trọng, một số như Hồng Vân, Quyền Linh, Diệu Nhi đã biết nhận lỗi sai trước công chúng thông qua việc gởi tâm thư hoặc hành động tích cực để chuộc lỗi.

Tuy nhiên, một số nghệ sĩ gạo cội nhiều uy tín khi được công chúng yêu cầu được biết sự thật lại viện lý do sức khỏe kém hoặc đưa ra rất nhiều những bằng chứng trước sau bất nhất nhằm biện minh cho bản thân sau những phát ngôn “vạ miệng” như trường hợp của Hoài Linh hoặc Đức Hải.

Xét về pháp luật, hành động này không sai, nhưng với công chúng thì người nghệ sĩ chưa thật sự chân thành. Hình ảnh tốt đẹp của họ trước đây ít nhiều đã bị tổn hại không ít trong lòng người hâm mộ. Nếu tinh ý quan sát những dòng bình luận trên các trang mạng xã hội hẳn chúng ta sẽ nhận thấy sự chế giễu, phê bình thậm chí phản ứng của khán giả dành cho những thần tượng họ đã từng ngưỡng mộ sau những phát ngôn thiếu cẩn trọng. Điều công chúng cần không chỉ là những giải thích vòng vo mà phải là lời xin lỗi chân thành từ chính những người nghệ sĩ trong tâm điểm của vụ việc.

Quyền Linh và Hồng Vân - 2 nghệ sĩ gạo cội xin lỗi khi vấp phải phản ứng từ khán giả. 

Dù bị ai tấn công, dù gặp phải những trục trặc từ tài khoản cá nhân trên mạng xã hội hay bất cứ điều gì thì một lời xin lỗi vì sự thiếu cẩn trọng trong phát ngôn và giữ gìn hình tượng cá nhân của chính mình trước khán giả là một điều cực kỳ cần thiết, như Margaret Lee Runbeck nói: “Lời xin lỗi là loại nước hoa dễ thương; nó có thể biến khoảnh khắc bối rối nhất trở thành món quà thanh nhã nhất”.

Xét cho cùng, việc nhận lỗi và nói lời xin lỗi là thói quen ứng xử cơ bản mà bất kỳ một người bình thường cũng có thể làm trước cộng đồng và cả sự phán xét từ lương tâm của chính mình. Người bình thường nên nói lời xin lỗi, nghệ sĩ càng cần nói lời xin lỗi sau những sai lầm dù chủ quan hay khách quan. Biết sai và nhận lỗi trước công chúng là việc làm tốt nhất không chỉ nghệ sĩ mà người thường nên làm. Đó chính là thước đo giá trị và phẩm chất của mỗi cá nhân trước cộng đồng. 

Như Tuyết

Hoài Linh xin lỗi và giải trình việc chậm trễ 14 tỷ tiền từ thiện

Hoài Linh xin lỗi và giải trình việc chậm trễ 14 tỷ tiền từ thiện

Trong video, danh hài Hoài Linh nói rằng vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan khiến anh chậm trễ thực hiện hoạt động từ thiện. Anh xin lỗi khán giả, muốn giãi bày lòng mình.

'NSƯT Đức Hải cần xin lỗi, ấy mới là lãnh đạo một trường văn hóa!'

'NSƯT Đức Hải cần xin lỗi, ấy mới là lãnh đạo một trường văn hóa!'

Những nghệ sĩ tiếng tăm, hàng triệu người theo dõi, đòi hỏi họ khổ luyện để thành TÀI, và nên ĐỨC. Bởi thế, nghệ sĩ “học ăn, học nói” không đến nơi, đến chốn, thì khó rồi!

Showbiz Việt cần những 'ngôi sao' biết cúi đầu nhận lỗi chân thành

Showbiz Việt cần những 'ngôi sao' biết cúi đầu nhận lỗi chân thành

Khán giả có thể dễ dàng đem hào quang cho nghệ sĩ, nhưng chính khán giả cũng có thể nhanh chóng tước bỏ “vòng nguyệt quế” vinh quang trên đầu bạn bất cứ lúc nào.