{keywords}
 

Đã một năm qua, kể từ ngày cái tên cha con Quốc Tuấn - bé Bôm tràn ngập trên khắp các phương tiện truyền thông và hành trình 15 năm chữa bệnh của "hai người hùng" viết lên một câu chuyện làm rung động trái tim hàng triệu người. Hiệu ứng của câu chuyện truyền cảm hứng của 2 bố con nam diễn viên đã vượt ngoài sự tưởng tượng khi liên tục trở thành cái tên được nhắc đến tại nhiều giải thưởng truyền hình lẫn mạng xã hội.

Sau 1 năm, cuộc sống của hai bố con có không ít sự xáo trộn. Cũng vì sự chú ý quá mức đó mà NSƯT Quốc Tuấn từng có thời gian né tránh truyền thông để giữ cho cậu con trai có thể chuyên tâm học đàn và luôn im lặng trước những ý kiến gièm pha, trái chiều về câu chuyện của bố con anh.

Để có được cuộc hẹn với hai bố con, tôi đã mất một khoảng thời gian khá dài để thuyết phục và chờ đợi Quốc Tuấn một lần nữa trải lòng về chặng đường mà anh và bé Bôm đã đi qua. Hẹn gặp anh, nam diễn viên hào hứng chia sẻ thành tích nhỏ nhưng đáng tự hào trên con đường âm nhạc của cậu con trai nhưng cùng với đó cũng là sự lo âu trước những ca mổ cuối cùng.

{keywords}
 

Câu chuyện về chặng đường 15 năm ròng rã nuôi con chữa bệnh của anh đã truyền cảm hứng cho rất nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự và được dư luận và khán giả rất quan tâm ủng hộ. 1 năm sau thành công của ca mổ, cuộc sống của anh và bé Bôm thay đổi thế nào?

Thực ra mỗi lần thực hiện một ca mổ Bôm lại nhìn thấy được kết quả rất tốt và cảm thấy lạc quan hơn. Cậu ấy cũng biết rằng phẫu thuật là một khoảng thời gian rất nặng nề và đau đớn nhưng cùng với đó là sự thay đổi về cơ thể, sức khoẻ. Ca mổ thứ 11 vừa qua để nong hàm giúp con trai tôi nhai được và cải thiện nhiều vấn đề như có thể nhai nuốt đưa máu và oxy lên não tốt hơn cũng như cải thiện về gương mặt cân đối hơn.

Sau những thay đổi đó con trai tôi rất vui và bản thân người làm bố như tôi khi thấy con mình ngày một hoàn thiện sau những nỗ lực không ngừng nghỉ là niềm hạnh phúc rất lớn lao. Tuy nhiên, đằng sau đó cũng là những lo âu vì mỗi lần mổ thành công tôi lại phải suy nghĩ cho ca mổ sắp tới khiến tâm lý trở nên nặng nề. Không phải tôi căng thẳng vì không thể kiểm soát được kết quả ra sao mà điều khó lường trước nhất là mức độ thành công của ca mổ chỉ có thể biết sau một thời gian. Điều đó khiến tôi nhiều khi mệt mỏi nhưng ngoài mặt vẫn phải động viên con tiếp tục chiến đấu. Bôm rất may mắn khi hầu hết các ca mổ đều thành công, chỉ có một vài trục trặc không đáng có nhưng hai bố con đều đã vượt qua.

Dù chưa từng nói ra số tiền để chữa trị cho con nhưng hẳn đó là cả một gia tài, trong suốt 15 năm anh đã nỗ lực như thế nào?

Về số tiền chữa trị, tôi có thể nói ngắn gọn thế này, trước đây gia đình tôi ở trong một khuôn viên biệt thự có sân vườn từ thời Pháp trên phố Điện Biên Phủ, còn giờ tôi chuyển xuống tận Hà Đông ở chung cư thì mọi người cũng hiểu. Việc chữa chạy cho con tốn kém là điều đương nhiên nhưng điều quan trọng nhất vẫn là con trai tôi. Vì sau những nỗ lực, Bôm được lớn lên khoẻ mạnh, làm được những điều mà không nhiều đứa trẻ mắc bệnh tương tự có cơ hội được điều trị.

Bản lĩnh của Bôm từ ngày sinh ra cho tới giờ quá kiên cường, hơn nữa trong quá trình chữa chạy tôi cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ bạn bè bác sĩ tư vấn để tôi đi đúng hướng. Những ngày đầu đưa con đi khám, các bác sĩ còn chẳng biết bệnh gì nên tự bản thân tôi phải lọ mọ tìm kiếm tài liệu đưa con đi khắp nơi để tìm cách chữa trị, các bước phẫu thuật theo trình tự ra sao. Cũng có lúc, sự tự tìm hiểu của bản thân tôi chỉ sai lầm một chút thôi là cả nhà phải trả giá và chính con trai hứng chịu sự đau đớn. Nói đơn giản như một ca phẫu thuật cần có sự tính toán thời điểm.

Có một lần Bôm gặp phải sự cố nặng nề khi phẫu thuật sai thời điểm nên con tôi đã phải chịu đau đớn mà không cải thiện được gì. Một ca phẫu thuật rất tốn kém nhưng bản thân tôi lúc ấy cũng chỉ có thể tự mò đường vì thiếu những kiến thức về y khoa cũng như chưa có sự giúp đỡ của các chuyên gia.

Mãi tới tận khi tôi có cơ hội đưa con sang Australia khám mới gặp được những trường hợp mắc bệnh tương tự nhưng họ đều có sự chuẩn bị rất đầy đủ cũng như hiểu biết về căn bệnh hiếm gặp này. Lúc ấy bác sĩ hỏi tôi có hồ sơ hay tài liệu về bệnh của con chưa, tôi mới biết được có rất nhiều ghi chép từ nghiên cứu của các giáo sư bác sĩ trên thế giới với căn bệnh này. Sau đó vị bác sĩ đã tặng tôi một bộ để trang bị thêm kiến thức chữa bệnh cho Bôm.

{keywords}
 

Khi đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình và con trai ngoài sự ủng hộ của phần đông dư luận vẫn có không ít ý kiến nhắm vào anh cho rằng anh đem con ra để được chú ý. Anh chọn cách đối mặt với điều đó ra sao?

Sau này khi việc chưa trị bệnh cho con trai được đưa lên báo chí nhiều người ác ý cho rằng tôi làm vậy để gây sự chú ý, PR bản thân. Nhưng thực sự mục đích duy nhất tôi chia sẻ là để những em nhỏ rơi vào hoàn cảnh tương tự hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện tìm hiểu thông tin về căn bệnh hiếm gặp này và tìm được cơ hội điều trị.

Bản thân tôi là một diễn viên nên chuyện nổi tiếng cho tới giờ tôi đâu cần nữa nên chẳng phải vì điều đó mà tôi mang con lên mặt báo. Mọi chuyện cũng là cực chẳng đã bởi không ai muốn đưa bệnh tật của con lên khoe với thiên hạ cả. Những ý kiến trái chiều tôi cho rằng là một điều đáng tiếc và họ không hiểu sâu xa những điều tử tế mà tôi muốn làm để giúp những đứa trẻ kém may mắn.

Cũng từ kinh nghiệm của mình, tôi chia sẻ để mong giúp bố mẹ các em hiểu nên chữa trị, phẫu thuật vấn đề nào ở Việt Nam, xin tài trợ ở đâu để có thể ra nước ngoài điều trị. Đó là mục đích tôi muốn lên tiếng sau hành trình chữa bệnh cho con. Sau khi câu chuyện của con trai tôi được đông đảo dư luận và mạng xã hội chia sẻ, có nhiều lời mời đề nghị tài trợ cho Bôm nhưng tôi đều từ chối và ghi nhận sự ủng hộ về mặt tinh thần. Tôi và gia đình vẫn còn điều kiện và vẫn có thể làm được nên tôi tiếp tục cố gắng chứ không hề có ý định lên báo để xin xỏ ai bất cứ điều gì.

Hiện nay, Bôm có còn phải chữa trị gì nữa không, việc học hành của bạn ấy ở Học viện Âm nhạc quốc gia đã tiến triển đến đâu rồi thưa anh? Anh có thể giới thiệu một số thành quả mà Bôm đã đạt được?

Trước khi cho con trai thi vào Nhạc viện, tôi đã hỏi thầy trưởng khoa rất nhiều lần về khả năng của con. Là một nghệ sĩ tôi biết rằng nếu không có khả năng mà chỉ đủ để chơi nghiệp dư khi đưa vào một môi trường như vậy sẽ dễ khiến đứa trẻ rơi vào ảo tưởng bản thân và suốt đời cũng chỉ là “người lót đường” mà thôi. Chính vì vậy tôi cũng chuẩn bị tâm lý nếu con mình không thể học được sẽ tìm một nghề khác phù hợp hơn chứ không cố đấm ăn xôi.

Nhưng may mắn sau khi các thầy gặp gỡ và kiểm tra đã nói với tôi rằng Bôm hoàn toàn đủ khả năng theo học âm nhạc chuyên nghiệp vì cậu ấy có năng khiếu thẩm âm rất tốt cũng như sự ngạy cảm trong âm nhạc mà không phải ai cũng có được. Nghe các thầy nói là vậy nhưng trong 1 năm đầu cho con đi học, tôi vẫn lo lắng không hiểu cậu ấy có đủ đam mê và khả năng theo đuổi piano suốt một chặng đường dài như vậy không. Tôi cũng nhìn thấy nhiều trường hợp có những bé có tài năng thực sự và đam mê nhưng chỉ được một hai năm đầu rồi sau đó bỏ dở vì chán và vấp phải những khó khăn trong quá trình học.

May mắn sao cho đến giờ Bôm vẫn nằm trong top xuất sắc của lớp. Thấy con được điểm cao, tôi cũng xin với các thầy, vì con tôi đặc biệt nên mong được chấm thấp hơn để có động lực tiếp tục cố gắng. Thực lực của con ra sao các thầy cứ chấm điểm thực tế và khắt khe hơn.

{keywords}
 

Trong suốt 1 năm khi con bắt đầu theo học tại Nhạc viện tôi luôn trong tâm trạng phập phù không biết khả năng của con mình đến đâu. Bên cạnh đó khi biết đến Bôm nhiều tổ chức có đưa ra lời mời biểu diễn nhưng tôi đều từ chối. Con đường nghệ thuật và đặc biệt là âm nhạc rất dài đòi hỏi quá trình luyện tập miệt mài còn con trai tôi mới được 1 năm, chưa là gì cả nên tôi không muốn cho con lên sân khấu quá vội.

Ngoài nghệ thuật anh có từng nghĩ Bôm có thể học được nghề khác?

Thực sự tôi chưa nghĩ đến nếu không học nhạc Bôm sẽ học được gì khác. Ngay từ nhỏ dù tay vẫn còn dính chặt lại với nhau nhưng cậu ấy đã có một thiên hướng về âm nhạc khi rất thích nghe và chơi những giai điệu đơn giản theo những ca khúc yêu thích được nghe qua băng đĩa và nhớ rất lâu.

Trí nhớ của Bôm cũng được các thầy đánh giá cao khi nhanh chóng thuộc bản nhạc và chơi nhanh hơn những bạn bè cùng lứa. Khi cho con theo đuổi con đường nghệ thuật tôi cũng xác định rằng sẽ đánh mất tuổi thơ của Bôm vì nó rất khắc nghiệt nếu không luyện tập đầy đủ sẽ khó thành tài. Tôi vẫn nhớ ngày còn nhỏ ở sát vách nhà anh Đặng Thái Sơn thấy anh ấy luyện tập miệt mài từ khi còn rất nhỏ ngày nào cũng 5 rưỡi sáng đến 10 rưỡi tối bên cây đàn chỉ trừ những lúc đi học hay ăn cơm.

Dành 15 năm ròng rã theo con chữa bệnh và bây giờ là hướng cho con theo nghệ thuật có khi nào anh nghĩ để con có được ngày hôm nay mình đã đánh đổi sự nghiệp và tuổi trẻ?

Tôi cũng xác định rồi, khi biết con bị như vậy, tôi lao vào cái guồng “phẫu thuật - chăm sóc- tìm hiểu thông tin - kiếm tiền phẫu thuật” nên thời gian trôi rất nhanh. Nhiều lúc gia đình cũng họp bàn khuyên dừng lại nhưng tôi vẫn muốn làm nốt để Bôm được hoàn thiện trước 18 tuổi.

Tôi biết con mình có cảm giác khác biệt với mọi người khi bắt đầu trưởng thành, điều đó rất dễ dẫn đến tự kỷ hay trầm cảm nên tôi cố gắng làm tối đa trong khả năng của mình để con ổn định khi đã trưởng thành. Nhưng cho tới lúc đó quay lại với sự nghiệp của mình có lẽ cũng muộn rồi. Ngay từ đầu tôi không nghĩ mình sẽ phải đánh đổi nhưng cuối cùng guồng quay cứ cuốn tôi đi.

Trong quãng thời gian chăm sóc con, tôi nhận được rất nhiều lời mời nhưng đành phải từ chối, tôi từ chối nhiều đến mức họ thành quen và sau chẳng mấy ai mời làm việc nữa. Có lần tôi phải bỏ những dự án tâm đắc trong Sài Gòn bởi nó phải mất tới 6 tháng mà ngày mổ của con đang cận kề nên buộc phải từ chối. Trong 15 năm qua, tôi có những sự thiệt thòi trong sự nghiệp.

{keywords}
 

Ngoài bản thân anh, mẹ bé Bôm hỗ trợ anh thế nào để cùng vượt qua những ngày tháng khó khăn?

Về vấn đề tài chính chữa bệnh cho con, chỉ có tôi là người lo liệu còn vợ vẫn đứng âm thầm hỗ trợ phía sau để chia sẻ. Khi sinh con ra thấy vậy chúng tôi cũng chẳng đặt vấn đề đổ lỗi hay tranh cãi cho ai mà chỉ nghiến răng cùng nhau chiến đấu để lo cho con.

Có duy nhất một điều hai vợ chồng hợp nhau là cặm cụi để làm cho con đến mức nhiều bạn bè người thân ra sức khuyên bảo nên dừng lại để cho Bôm được nghỉ ngơi. Suốt 15 qua, chúng tôi cứ chăm chỉ làm lụng rồi tích cóp để lo cho con có cơ hội được hoàn thiện.

Tôi nhớ lại những ngày con ở đi chữa bệnh tại nước ngoài, hai vợ chồng phải chia nhau ra một người trông nom một người đi chợ nấu nướng vì thức ăn ở nước ngoài không hợp cũng chẳng ăn mãi được những món giống nhau.

Có quãng thời gian sang Australia chỉ có 2 bố con tôi từ 67kg về còn 60kg sau 3 tháng trời chỉ được ăn fastfood. Khi về nhà nấu cho con xong tôi mệt không dám ăn nữa mỗi bữa chỉ có 2 lát bánh mỳ uống nước quả cho qua bữa. Nếu không có vợ, có lẽ tôi không vượt qua được, đó là sự chia sẻ không thể không nhắc đến của mẹ Bôm.

Trong quãng thời gian 15 năm đó, có lúc nào anh cảm thấy tuyệt vọng sau nhiều lần con trai phẫu thuật thất bại? Có lúc nào anh cảm thấy mình rơi xuống đáy của tất cả mọi chuyện: tình cảm, sức khỏe, tài chính… và anh gượng dậy, đứng lên bằng cách nào?

Thực ra bản thân câu hỏi đã nói lên hoàn cảnh của tôi rồi. Khi một lần thất bại cá nhân tôi là một sự nặng nề nhưng đau đớn nhất vẫn là con vì nó còn quá bé mà đã phải chịu những dày vò thể xác như vậy. Trong cuộc sống và công việc bình thường ai cũng có lúc tôi suy sụp khi mệt mỏi nhưng với tôi còn liên quan tới một đứa bé mắc bệnh hiếm gặp nữa. Điều khủng khiếp nhất tôi từng trải qua là sự bất lực khi nhìn thấy nhiều những tình huống con mình chịu đau đớn mà không làm gì được.

Nhưng cuối cùng mọi việc cũng đã qua và quá trình Bôm lớn lên, trưởng thành khoẻ mạnh hơn là nguồn động lực động viên tôi sau những lần buồn, nản chí vì con phẫu thuật thất bại. Thực sự bản thân tôi cũng tự trấn an bản thân và suy nghĩ lạc quan vì nếu không làm được điều đó hai bố con sẽ chẳng thể đi được đến ngày hôm nay.

Câu chuyện hết sức phức tạp ở Hãng phim truyện VN hiện nay là một điều đáng buồn với những nghệ sĩ tâm huyết với điện ảnh như anh. Còn nhớ anh đã bị ông Thủy Nguyên xúc phạm, gọi là Chí Phèo đi đâu cũng khóc, hiện giờ quan hệ của anh và ông Thủy Nguyên thế nào? Anh và các đồng nghiệp mong muốn điều gì nhất ở những thay đổi của hãng phim hiện nay?

Tôi có một điều khi đã không thích ai thì tránh gặp gỡ hay liên quan đến họ và tôi cho đó là cánh lành nhất. Công việc đó cũng không liên quan gì đến tôi cả nên không có lý do gì để gặp. Tôi và ông ta là 2 phông văn hoá khác nhau nên chuyện gặp nhau không giải quyết vấn đề gì cả. Có một tin mừng khi hãng phim đã về với đài VOV sau những lần đấu tranh để đòi lại hãng phim. Chuyện đã cũ rồi nhưng khi gặp được một đơn vị tử tế tôi cảm thấy vui vì lại có thể được làm phim, làm nghề và có đầu ra cho sản phẩm.

Từng là một gương mặt diễn viên nam sáng giá của màn ảnh nhỏ, với những vai nam chính trong các bộ phim như “Những người sống quanh tôi”, “Người vác tù và hàng tổng”… với rất nhiều khán giả nữ ái mộ, tuy nhiên tại sao anh lại chuyển hướng rẽ sang con đường đạo diễn? Anh có cảm thấy tiếc và buồn?

Thực ra nói không tiếc thì không đúng nhưng tôi đánh đổi là để cho con. Có lúc tôi nhìn lại thấy mình lỡ mất cơ hội này khác nhưng nghĩ về con mình vui vẻ khoẻ mạnh là tôi chẳng còn thiết tha gì nữa. Khi làm cha mẹ có đứa con sinh phải chịu những thiệt thòi hay nhìn những lúc phải mổ xẻ, ai cũng sẽ chấp nhận đánh đổi tất cả thôi.

{keywords}
 

Lúc nào cũng chỉ mong con khoẻ mạnh vui cười chứ chẳng bao giờ tôi muốn nhìn thấy con chịu đau đớn. Những lúc như vậy tôi lại tự trách mình tại sao lại cho con một cuộc đời khổ như vậy. Nói thật lòng khi rơi vào hoàn cảnh của tôi chẳng còn ai muốn màng đến sự nghiệp hay danh vọng nữa.

Làm diễn viên tôi cũng hiểu nổi tiếng chỉ là sự phù du, có thể làm ca sĩ nổi tiếng đồng nghĩa với tiền bạc nhưng diễn viên thì điều đó không đi cùng vật chất hay nếu có cũng không nhiều.

Có nhiều người quan niệm rằng, điện ảnh (đặc biệt là phía Bắc) đã được bao cấp quá lâu, giờ là lúc các nghệ sĩ không nên bám vào bầu sữa Nhà nước nữa mà phải tự thân vận động nuôi mình, làm những bộ phim mà thị trường cần, để khán giả tự bỏ tiền mua vé vào xem. Quan điểm của anh về suy nghĩ này ra sao?

Mọi người cứ nghĩ nghệ sĩ hãng phim đấu tranh vì không muốn cổ phần hoá nhưng thực ra chúng tôi là những người đầu tiên mong muốn việc đó được thực hiện vì cơ chế khi hãng phim đi đến những giai đoạn cuối cùng tàn tạ đến mức trầm trọng. Một năm nhà nước rót kinh phí làm 1-2 phim và lại dành cho những cây đa cây đề hay lãnh đạo nhận hết. Phim được rót tiền nhưng máy móc cũ kỹ còn con người chuyên nghiệp rất muốn 1 làn gió mới để có thể làm việc trở lại.

Từ cách đây 4-5 năm hãng phim đã tự có thể nuôi nhau rồi chứ không còn chế độ bao cấp. Chính vì vậy ban quản trị mới tác oai tác quái suốt thời gian qua. Khi về VOV chúng tôi mong muốn được làm phim trở lại chứ không phải để ăn bám nhà nước vì nghệ sĩ có lòng tự trọng của họ. Vấn đề khi làm nghề có đầu ra là kênh truyền hình sẽ có thêm những ý tưởng để làm phim. Ngay chính tôi đang có 3 kịch bản và chỉ chờ kinh phí là có thể thực hiện ngay. Nhưng để làm phim chiếu rạp bây giờ rất khó vì thứ nhất hệ thống rạp bây giờ chủ yếu thuộc về tư nhân và xu thế phim chiếu rạp bây giờ đã bắt đầu hạn chế. Xu thế kỹ thuật số bây giờ đã khác nhiều khi nền tảng đều dựa trên kỹ thuật số.

Cùng với việc xưởng phim ngày một khó khăn hơn sau khi cổ phần hóa, có khi nào anh thấy chán nản muốn bỏ nghệ thuật để làm một nghề gì khác mưu sinh?

Trong lúc cùng quẫn vì những lùm xùm tại Hãng phim nhiều lúc tôi đã nghĩ đến chuyện rời khỏi hãng nhưng chưa từng có ý định bỏ nghề vì nghề giúp mình kiếm sống bằng nhiều con đường khác. Việc đấu tranh chỉ mang lại những mệt mỏi nhưng cũng không trông đợi gì nhiều vào hãng vì bao nhiêu năm nay tôi kiếm sống bằng những dự án riêng của mình và công việc bên ngoài. Vấn đề ở đây là tôi muốn đòi lại danh dự của người nghệ sĩ và thương hiệu của điện ảnh nước nhà được biết bao thế hệ nghệ sĩ dày công xây dựng.

(Theo Dân Việt)

Quốc Tuấn và nghệ sĩ Hãng phim căng băng rôn chuyện bị cắt lương, bảo hiểm

Quốc Tuấn và nghệ sĩ Hãng phim căng băng rôn chuyện bị cắt lương, bảo hiểm

Sáng 17/1, rất nhiều nghệ sĩ đã tập trung ở Hãng phim truyện Việt Nam để căng băng rôn phản đối lãnh đạo Hãng cắt lương, bảo hiểm không thông báo lý do.