- Ở tuổi gần 50, Diễm Quỳnh sinh con và ví con như món quà giúp cô cân bằng cuộc sống với công việc đầy áp lực.

10 năm ở VTV6 chị có cảm thấy áp lực không?

- 10 năm trước, khi mở kênh VTV6 chúng tôi ai cũng hân hoan lắm. Chúng tôi lạc quan đến độ nghĩ rằng mình làm chương trình ra đương nhiên phải có người xem chứ. Mà đúng là ngày đó thì nhiều người xem thật, nhưng càng về sau mọi người lại không xem nữa, không hẳn chỉ riêng kênh của tôi mà nhiều kênh khác nữa.

Bản thân tôi cũng vậy, vào một ngày đẹp trời, tôi tự nhiên phát hiện ra lâu lắm mình không mở tivi ra xem. Đến phim Sống chung với mẹ chồng tôi cũng không xem cho tới khi mọi người bàn tán về bà ‘mẹ chồng’ đó nhiều quá, tò mò tôi mới xem. Cho nên làm sao để khán giả cầm điều khiển và bật kênh của mình làm để xem, thật sự rất áp lực.

{keywords}

Có lúc nào chị cảm thấy áp lực đến độ muốn tìm một công việc khác?

- Tôi không được đào tạo để làm truyền hình, công việc này cứ như số phận sắp đặt vậy. Nghề chọn tôi thì đúng hơn. Từ một MC, trợ lý và vô vàn những công việc khác để đến bây giờ là quản lý tổ chức sản xuất, truyền hình đã chọn tôi. Tôi vẫn cảm thấy yêu thích công việc này vì nó luôn luôn thay đổi. Áp lực không làm tôi thay đổi công việc khác mà áp lực chính của tôi là làm sao khán giả thấy chúng tôi đang thay đổi.

Chọn slogan của VTV6 năm 2018 là ''Cuộc dịch chuyển thế hệ số'' chị có thấy mình đã đi hơi chậm?

- VTV6 vừa kỷ niệm 10 năm thành lập và có nhiều cuộc dịch chuyển, nhưng sang năm 2018, chúng tôi phải làm nhiệm vụ rất quan trọng và quyết liệt mà Lãnh đạo Đài đã giao phó, đó là kết nối được khán giả bây giờ, và đặc biệt phải đi được những vệt chương trình phù hợp với xu thế công nghệ 4.0.

Trong rất nhiều cuộc nghiên cứu của chúng tôi những năm gần đây thì khán giả của kênh VTV6 là khán giả của công nghệ số. Họ là thế hệ số rất năng động và nếu như chúng tôi không thay đổi chương trình rất khó giữ được khán giả ở lại với kênh.

Đây không phải là mong muốn tự thân của chúng tôi mà là mong muốn của cả khán giả. Điểm nhấn của cuộc dịch chuyển này sẽ là thế hệ số, chủ thể của chúng tôi sẽ xuất hiện trên kênh với tất cả đời sống, mong muốn, suy nghĩ.

Chị hy vọng gì ở cuộc dịch chuyển này?

- VTV6 là gì với khán giả? Một người bạn cũ mà rất mới (cười). Tôi nghĩ thế. Kênh VTV6 là một người bạn rất cũ và bây giờ trở lại mới mẻ hơn. Tôi chỉ mong muốn rất đơn giản, cả bạn và tôi sẽ xem VTV6 nhiều hơn.

Là thủ lĩnh cho một kênh VTV6 như được mặc định làm cho giới trẻ, chị có áp lực để mình phải trẻ, giống như cái nick trên trang cá nhân của chị - “bà già đeo nơ”?

- Thực ra các bạn hay nhầm, cứ phải làm cho người trẻ thì mình tuổi phải trẻ. Tôi không cùng quan điểm đấy. Tôi nghĩ rằng rất nhiều kênh của chúng tôi có những người làm nghề lâu năm nhưng vẫn làm ở kênh rất trẻ, VTV7 chẳng hạn. Cái quan trọng là khi mình tiếp cận với khán giả của mình, mình phải có những nhân sự phù hợp để hiểu được đối tượng khán giả đấy. Tôi có thể rất khó để hiểu được các bạn trẻ 18, 20 tuổi nhưng đội ngũ của chúng tôi làm được điều đó.

Là thủ lĩnh, tôi chỉ có mong muốn chung là hiểu được khán giả kênh của tôi họ muốn gì. Hơn 100 nhân sự của kênh với rất nhiều bạn trẻ 8x, 9x tôi tin họ không cần phải đeo nơ thì cũng rất trẻ rồi. Trong những cuộc họp bàn về nội dung, một “nhóm trẻ” đưa đề tài “nhóm già’ sẽ đưa ra được phản biện xem chương trình đã phù hợp chưa... Người trẻ sẽ phải nói nhiều lên tiếng nói của mình để cho những người già như chúng tôi, làm lâu năm như chúng tôi thay đổi những nếp đã cũ quá rồi.

{keywords}
Diễm Quỳnh tiết lộ làm mẹ lần 2 ở tuổi gần 50

Vừa sinh em bé, lại làm quản lý chương trình nhiều áp lực như vậy, chị cân bằng cuộc sống như thế nào?

- Chia sẻ thật với bạn rằng, có em bé ở tuổi này rất khác với thời điểm khi tôi làm MC và có em bé đầu tiên. Lúc mới có em bé đầu, khả năng sắp xếp cuộc sống chưa tốt, chưa có kinh nghiệm nuôi con, chưa có kinh nghiệm đi làm nữa. Còn bây giờ, tôi biết việc gì là quan trọng và làm có khoa học hơn. Thời gian nghỉ sinh em bé, tôi hoàn thoát khỏi công việc, chỉ ôm con thôi. Vậy nên khoảng thời gian nghỉ sinh với tôi như khoảng thời gian để tôi ‘sạc lại pin’.

Khi quay lại với công việc tôi thấy hứng khởi hơn hẳn. Một ngày của tôi bắt đầu đi làm từ 8-8h30 sáng tới khoảng 7h tối, công việc rất mới, rất nhiều, rất nặng khiến mình quên đi những lo lắng bỉm sữa. Tối về nhà chơi với con. Chơi trò của em bé 9, 10 tháng tuổi thì nỗi lo công việc, dự án này chưa thành, dự án kia chưa xong lại biến mất. Chính thời gian này tôi lại thấy có 2 nguồn năng lượng bổ trợ cho nhau tốt hơn, thấy vui hơn cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Cảm ơn chị về cuộc chia sẻ!

Tình Lê