Sau một tuần ra rạp (từ ngày 16/1), phim Tây du ký hậu truyện (KB: Thiên Thi, ĐD: Nguyễn Thành Nam) đã nhận về sự "lạnh nhạt" của báo chí chính thống và sự "ném đá" không thương tiếc của cộng đồng mạng. Vậy vì sao phim này lại bị xem là "thảm họa mới" của điện ảnh Việt?


Những nhận xét như thế này dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội: "Nói chung là phim này xem cũng vui, xả stress tốt vì toàn những cảnh nhảm nhí, cốt truyện thì tào lao, dẫn chuyện lan man, diễn xuất thì đa số là kiểu hài kịch sân khấu". Ý kiến này có vẻ được nhiều khán giả đồng tình khi mà nhiều người đã bỏ về sau chừng 20-30 phút xem phim, đã mua vé.

Không chỉ thay đổi tên

Nếu chỉ xét riêng về ý tưởng thì Tây du ký hậu truyện cũng có nhiều điểm hấp dẫn, như việc tạo ra kiếp nạn thứ 82 cho thầy trò Đường Tam Tạng. Thế nhưng, đưa thầy trò về thời hiện đại để làm gì, kịch bản đã không trả lời được.

Với tư duy "muốn làm gì thì làm", ôm đồm nhiều thứ, trong khi năng lực chưa đủ, thành ra người xem chẳng biết đạo diễn thật sự muốn gì. Rồi do quá chạy theo sự nhảm nhí nên nhiều chỗ thành coi thường, xuyên tạc các nhân vật đã thành biểu tượng như Hằng Nga, Thái Thượng Lão Quân, Đường Tam Tạng...

Việc quay phim cẩu thả, dựng phim rời rạc... càng làm cho sự xuyên tạc này thành quá đáng; rồi một vị thần thông như Thái Thượng Lão Quân xuống hạ giới cũng chỉ biết làm việc nhảm, chứ không thể triển khai pháp thuật, do kĩ xảo yếu kém.

{keywords} 

Cảnh trong Tây du ký hậu truyện.

Vốn có tên là Sài Gòn Tây du ký, hoàn thành từ giữa năm 2014, nhưng việc xin cấp phép gặp nhiều khó khăn, trong đó có băn khoăn của hội đồng duyệt phim về thông điệp của kịch bản, nó quá nhảm nhí, chẳng biết làm phim để làm gì. Mà khó nhất là do hoàn cảnh khách quan lúc ấy (vụ dàn khoan Hải Dương 981 và tàu Trung Quốc trên biển...) làm phía cấp phép không muốn bộ phim "ghép" Sài Gòn vào Tây du ký.

Bên cạnh đó là công tác hậu kỳ và kỹ xảo quá yếu khiến các rạp không chịu nhận chiếu, nên buộc ê-kíp sản xuất phải sửa lại rất nhiều, mất thêm thời gian.

Phim Sài Gòn Tây du ký vốn do Nhất Trung, người "nổi tiếng với thảm họa" Hoán đổi thân xác (năm 2011) làm đạo diễn (ngày 21/1 còn thấy poster và thông tin ở nhiều nơi, ví dụ như ở lịch chiếu trên website chính thức của Trung tâm chiếu phim quốc gia). Nguyễn Thành Nam là một tên tuổi mới, gần như lần đầu tiên làm phim chiếu rạp, "tiếp quản di sản" của Nhất Trung để sửa chữa thật không dễ dàng. Đây là lý do chính khiến phim lâm vào tình trạng thảm họa, vì sửa luôn khó hơn làm mới, đúng là một "hậu truyện" chẳng mấy vui.

Làm việc quá sức?

Đành rằng trong sáng tạo thì việc tự do chọn lựa chủ đề cần khuyến khích, tôn trọng, nhưng cũng phải thực tế, bởi để làm được "hậu truyện" của tác phẩm siêu kinh điển như Tây du ký thì không hề đơn giản. Nói thẳng thắn, ê-kíp làm Tây du ký hậu truyện và các đạo diễn chưa đủ trình độ để làm được một hậu truyện như vậy.

Chưa làm được vì: Thứ nhất, trong 30 năm qua, phim truyền hình Tây du ký (phát hành năm 1986) đã có rất nhiều hậu truyện, cả truyền hình lẫn điện ảnh, được đầu tư công phu, nhưng chưa có phim nào sánh nổi bản của đạo diễn Dương Khiết. Thứ hai, những dạng kịch bản hậu truyện kiểu hài nhảm này chỉ có các ê-kíp siêu phàm như Châu Tinh Trì mới đảm đương được.

Từ các lý do trên, câu hỏi được đặt ra ở đây: Tại sao một ê-kíp còn yếu kém về nhiều mặt như Nhất Trung và Nguyễn Thành Nam lại cứ quyết tâm làm một phim quá khó với mình? Điều này cũng tương tự như chuyện nhiều ê-kíp Việt Nam có ham muốn làm một phim kiếm hiệp, hoặc phim khoa học viễn tưởng ra trò, dù kinh nghiệm, kỹ thuật và sự đầu tư thì chưa đáp ứng được.

Khát vọng sáng tạo là tốt, nhưng sáng tạo mà thiếu cơ sở chuyên môn và sự đầu tư đúng mức thì sẽ trở thành ảo tưởng.

Theo Thể thao & Văn hóa