Bánh trôi, bánh mật, dưa cà, chè cám, bún, xôi... ‘Một miếng ăn ngon, bao triền kí ức’... vẫn còn nguyên nỗi xôn xao, iu ấp trong tâm thức một người đi xa. 


Nhân 61 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt hai tác phẩm mới về Hà Nội, đó là tiểu thuyết “Hà Nội, một thời tuổi trẻ” của tác giả Trần Văn Thụ và tập tản văn “Thương thế, ngày xưa…” của nhà văn Lê Minh Hà.

“Hà Nội, một thời tuổi trẻ” là những trang viết sinh động và đầy cảm xúc về Hà Nội những năm tháng kháng chiến chống Pháp, về cuộc sống của người dân Hà Nội, đặc biệt là của sinh viên, học sinh, của thanh niên Hà Nội - những con người trẻ tuổi, thanh lịch, hào hoa xếp bút nghiên để cầm súng, chiến đấu bảo vệ Thủ đô yêu dấu trong ngày Toàn quốc kháng chiến… Qua một lăng kính khác, là cuộc đời, số phận những thanh niên Pháp buộc phải trở thành binh lính của đội quân xâm lược, tới Việt Nam, tới Hà Nội vào thời điểm khốc liệt của cuộc giao tranh. 

{keywords}

“Thương thế, ngày xưa…” gồm 19 tản văn của nhà văn Lê Minh Hà về những món ngon của Hà Nội trong kí ức của tác giả từ thời thơ bé, về một Hà Nội phố những năm 1960-70 của thế kỉ trước với: “Những phố vắng từ ngày xưa, như những dòng sông đổ tới. Phố của hoa sấu êm ái một sắc xanh vàng, phố của những bầy chim se sẻ, phố của xe bò kéo than khổ ải, phố của những xe đẩy đồng dạng cửa hàng mậu dịch một thời. Xe hàng giải khát thành cao, còn thêm vạch trắng, cái ô màu sắc ít nhiều phơi phới. Xe rau cỏ chỉ một màu xanh lá sẫm sứt sẹo, ô màu xanh công nhân.”

Nhà báo Linh Thoại nhận xét: “Bánh trôi, bánh mật, dưa cà, chè cám, bún, xôi... ‘Một miếng ăn ngon, bao triền kí ức’... vẫn còn nguyên nỗi xôn xao, iu ấp trong tâm thức một người đi xa. Sau Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Thạch Lam, tản văn của Lê Minh Hà góp thêm vào văn chương ẩm thực Việt Nam một giọng văn kĩ lưỡng và tinh tế, với chất nữ tính riêng, làm người đọc như được ‘sống’ đầy đủ hơn, cảm hơn và yêu hơn từng thức quà, món ăn Việt Nam bình dị mà ngon kì diệu, ngon đến “thương nhớ khôn nguôi”... Chảy tràn trong tập sách này là một không khí hoài niệm, để người đọc giật mình nhìn lại lòng yêu của mình đối với những điều tưởng như xưa, cũ; để bùi ngùi thương, nao lòng nhớ... những cái đẹp chẳng dễ tàn phai như trí nhớ con người".

T.Lê