Thể loại tản văn có vẻ lép vế trong các dòng sách nhưng lại đang tạo nên không khí sôi động trong đời sống văn hóa đọc Việt Nam thời gian gần đây. Nó được coi là món đồ ăn nhanh dễ chế biến, ăn xong cũng quên nhanh.

Buổi tọa đàm Tản văn có phải là fast food? do NXB trẻ tổ chức tối 1/7 với sự tham gia của 3 diễn giả: Họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn, nhà văn Nguyễn Trương Quý, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, các nhà văn, nhà phê bình và nhiều độc giả.

Giới trẻ đang muốn tìm về sự thật

Hai thập niên đầu thế kỷ 21, người ta nhận thấy có một dòng chảy các tác phẩm thể loại có tính chất phi hư cấu: tản văn, tạp văn, tùy bút, đoản văn hay cái tên mới là "tản bút, tùy văn". Với ảnh hưởng của tản văn hầu như mọi cây bút đều thử sức và đã có người được biết đến nhờ thể loại này. Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều những ý kiến tranh luận về tên gọi của dòng tác phẩm này. Thêm vào đó, những ý kiến cho rằng liệu tản văn có phải là một "món ăn nhanh" cũng đang vấp phải nhiều tranh cãi.

{keywords}
Các diễn giả tham gia tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng chưa bao giờ thể loại tản văn lại bùng nổ như hiện nay. Chắc có lẽ do xu thế thời đại, sống gấp, không có nhiều thời gian nên nhiều người chọn đọc tản văn, nhà văn chọn viết tản văn, người đọc cũng cảm thấy tâm trạng nhẹ nhàng khi đọc những cuốn ở thể loại này.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng tản văn là thể loại lơ lửng, đọc tản mạn, cấu trúc lỏng lẻo nhưng lại thách thức người viết. Bởi theo ông, tản văn thường rất ngắn, vài ba trang có khi vài trăm chữ. Nhưng để cô đọng lại vài trăm chữ đó, người viết phải sử dụng vốn từ rất đắt mới có thể lột tả được hết những điều mình cần nói. Nó tưởng dễ mà lại không dễ bởi vậy, giọng văn của người viết sẽ là quan trọng nhất để tác phẩm đó có đến được với công chúng hay không.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đặt câu hỏi: "Gần đây, tự truyện, du kí, tản văn ra đời bùng nổ và cũng được đón nhận từ người đọc phải chăng nhu cầu tìm về sự thật, tìm về cái không bị hư cấu nữa đang tăng lên? Phải chăng giới trẻ đang có nhu cầu tìm về sự thật?".

Đồng quan điểm, nhà phê bình Mai Anh Tuấn, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thì tản văn đang nổi lên như một thể loại chính của văn học đương đại, có "dấu ấn riêng, chất giọng riêng". Đó cũng là lý do vì sao mà nền văn học Việt Nam có một Nguyễn Ngọc Tư sung sức, khám phá và gọi tên những đặc trưng vùng sông nước Nam Bộ, có một Nguyễn Trương Quý với những tâm tư phù hợp với giới văn phòng, sự am hiểu đời sống Hà Nội hiện đại, cũng có một Nguyễn Việt Hà hóm hỉnh, gần gũi, với cách viết đạt đến mẫu mực của thể loại tản văn.

Không nên sa đà và mớ bùng nhùng khái niệm

{keywords}

Nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn cho rằng: "Viết tản văn càng ngắn càng tốn chữ, người viết phải cân nhắc để nói về một thông điệp nên không thể phí phạm câu chữ nhưng khi một nhà văn đã được tôi luyện qua 7, 8 tác phẩm tản văn thì viết những tác phẩm khác lại cực dễ dàng".

Trong khi đó, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam thừa nhận chúng ta đang rơi vào mớ bùng nhùng của cái gọi là định nghĩa tản văn. Nhưng thực sự không cần thiết phải sa đà vào khái niệm này làm gì. Tản văn có phải là đồ ăn nhanh hay không? câu hỏi chính là câu trả lời, không bàn cãi.

Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam cho rằng, tản văn chế nhanh bởi nó gắn với báo chí, nhiều nhà văn viết tản văn thường gắn bó lâu năm với một tờ báo nào đó có mục này. Mà đã là đồ ăn nhanh thì có cái dở, cái ngon. Cái ngon còn phụ thuộc vào giọng văn của người viết để người đọc đọc nó mà ngẫm, mà thấy hay. 

Ông Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc NXB trẻ nhận định chưa bao giờ, ông đọc một tác phẩm nào mà ông quan tâm nó là cái thể loại gì, tản văn hay tác phẩm văn học. Thể loại gì cũng được miễn là ông cảm nhận nó cuốn hút hay nhạt nhẽo, có trí tuệ hay không.

Sau loạt tranh luận tản văn có phải đồ ăn nhanh, nó có phải là phi hư cấu hay hư cấu... thì phần đông các diễn giả đều cho rằng, tản văn - nó là đồ ăn nhanh cũng được, miễn sao người viết tản văn trước hết là viết là viết, viết vì mình vì người và vì bạn đọc. Nên dù viết thể loại gì đi chăng nữa thì vẫn đòi hỏi người viết phải có một cái đầu biết tư duy, một trái tim chân thành nhạy cảm và say mê với nghề. Để viết được tản văn hay, người viết cần thoát khỏi con người cá nhân, sự hoài niệm và phải hướng đến việc khảo cứu, nâng tầm vấn đề và thể hiện sự am hiểu về muôn mặt đời sống.

Tình Lê