- 300 ngày ở Harvard không phải là một cuốn sách để đọc một lèo là hết, mà là một cuốn sách để ta nhâm nhi, mỗi ngày một chút, có khi chỉ một, hai trang. 

Đó là những trang sách có vẻ như không liền mạch nhưng lại là một tổng thể thống nhất với 300 trang nhật ký là 300 câu chuyện khác nhau, 300 trang viết là 300 ngày chẳng ngày nào giống với ngày nào. 300 ngày đi học, mỗi ngày có một bài học mới được rút ra, mỗi ngày lại gặp những người bạn mới, những câu chuyện mới khiến những ngày đi học căng thẳng mà thú vị, những trăn trở về cuộc sống, về học tập mà ai cũng gặp phải. Những trang viết rất ngắn gọn, cô đọng, xúc tích, đưa người đọc nhìn thẳng và nhìn thấy vấn đề, không vòng quanh, không vẽ những ảo mộng huyễn hoặc, thậm chí là nghiệt ngã và đầy thách thức.

{keywords}

300 trang viết là 300 ngày chẳng ngày nào giống với ngày nào

Và từ đó, ai cũng có thể tìm thấy cho mình những câu trả lời cho câu hỏi về du học tại nước Mĩ xa xôi, đầy hoài bão, ước mơ của hàng triệu con người muốn được học, được đổi đời, được thay đổi chính mình trước khi thay đổi cả thế giới. Một học sinh điển hình của Mỹ được trang bị những gì trước khi bước vào đại học? Môi trường giáo dục Mỹ hiện đang theo những xu hướng gì? Bài học gì Việt Nam có thể áp dụng ngay để tạo niềm tin cho phụ huynh?

Bên cạnh những bài học trong lớp từ giáo sư và đồng môn Harvard, Trương Phạm Hoài Chung – tác giả của cuốn sách viết trong thời gian khi anh đang học bằng Thạc sĩ Giáo dục tại Đại học Harvard, còn tường thuật lại những câu chuyện về cuộc sống sinh viên xa nhà và cách chống trầm cảm, về ước mơ hoài bão của cộng đồng du học sinh Việt, về những thử thách và cơ hội đối với giới trẻ trong thế kỷ 21.

“Thần đồng” Đỗ Nhật Nam khi cầm cuốn sách lên đã thốt lên rằng: “Bạn đọc có thể hiểu về việc đi du học, về cách học, cách làm bạn, cách giao tiếp, cách thuyết trình, cách làm việc nhóm, chỉ từ những trang nhật kí ngắn gọn mà giàu thông điệp. Em đặc biệt thích những góc nhìn mang tên CHIA SẺ trong từng tuần của thầy Chung. Nó là kho tài nguyên mà thầy đã chắt lọc để đưa đến phụ huynh. Nó giúp phụ huynh có thể tìm thấy chìa khóa mở cánh cửa của việc nuôi dạy con. Thầy Chung ít nói về niềm đam mê với sách của mình nhưng đọc cả cuốn sách, thấy niềm đam mê đó ngập tràn”

Tựa đề quyển sách là khẩu hiệu của trường Giáo Dục Harvard, với ý nghĩa đơn giản là không có điểm dừng cho quá trình cải thiện thế giới mình đang sống và việc tự học hỏi chính là chìa khóa mở ra cánh cửa đổi mới: “HỌC ĐỂ THAY ĐỔI THẾ GIỚI”.

Khép lại 300 ngày không phải là dài đối với một đời học tập nhưng là đủ cho một bước chuyển nhịp khác của cuộc đời, tác giả đã có những câu trả lời cho những câu hỏi từ đầu anh đã đặt ra cho mình và người đọc cũng tìm thấy được cho mình một phần nào câu hỏi cho việc học tập của bản thân. Học là nền tảng cho tương lai và chúng ta tự nắm lấy vận mệnh của mình.

Linh Lan