{keywords}
Sách mới: Chậm lại một chút thôi 

Một chút chậm lại để hiểu rõ giá trị của câu nói: “Không mất tiền cho con đường trước mặt nhưng sẽ phải trả giá cho con đường đã qua”.   

Tưởng chừng những vụn vặt rất đỗi bình dị sẽ cứ thế trôi đi cùng với dòng chảy cuộc sống với bao lo toan như nó vốn thế nhưng với người đàn ông 50 tuổi luôn trân trọng cuộc sống thì những thứ bé nhỏ lại trở nên đẹp đẽ, vị tha hơn bao giờ hết.

Cầm trên tay cuốn sách Chậm lại một chút thôi của tác giả Phạm Mạnh Cường tôi thực sự bất ngờ. Biết anh đã lâu qua những dòng viết ngắn tràn ngập yêu thương với mỗi giây phút anh đang sống trên facebook, giờ thì là cuốn sách đầu tay gần 500 trang được thiết kế đẹp mắt, màu sắc rõ ràng, tôi lại bất ngờ về những quan sát tinh tế đầy tính nhân văn mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy. Mọi cội rễ của những vấn đề tưởng chừng là vô tình đã được anh nhìn nhận chậm lại với một lăng kính rất khác! Sự dí dỏm trong từng câu chữ, sự không đắn đo thiệt hơn cho mỗi hành xử hay thậm chí những góc chưa được của mỗi con người, đã được anh nhìn nhận bao dung theo cách hài hước nhất.

Xuyên suốt những tản văn anh viết tôi luôn thấy sự lung linh của cuộc sống khi ta không ưu tiên cái tôi trong mỗi hành xử. Kể cả trong những mối quan hệ tưởng chừng bất biến về thứ bậc như cha mẹ, con cái nhưng với anh đó lại là sự tôn trọng, yêu thương vô bờ chỉ với mục đích được là một phần trong mỗi dịch chuyển của những người ruột thịt thân yêu.

Những câu chuyện xã hội anh lượm lặt mỗi ngày là cả một bức tranh tổng thể thời ta đang sống sinh động. Những kiểu người hiện lên trần trụi, không khách sáo. Như trong bài viết Trần trụi Việt Nam tôi hay Lại chuyện trên xe buýt, có thể là bạn, là tôi, là bất kỳ ai đó đã từng như thế, đọc để ngầm tự “xấu hổ” rồi tìm cách điều chỉnh. Có thể chỉ là những hành động vô thức nhưng với năm tháng thì không thể cứ vô tư “nước chảy bèo trôi” mãi được. 

Hay ta có thể bắt gặp ta đâu đó trong những trang viết về tình yêu gia đình khó nói thành lời. Thì ở phần viết về Bố mẹ của tôi, chắc hẳn ai cũng sẽ rơi nước mắt khi nghĩ về người thân yêu bấy lâu ta xao lãng khi dòng thời gian cứ ngày một ngắn lại. Tôi chắc chắn không ít người trong chúng ta đánh giá hết về sự hy sinh của cha mẹ. Sau khi đọc xong những trang viết này, mỗi chúng ta sẽ lại chậm lại từ đầu cho một chuỗi của những yêu thương nhẹ nhàng mà hợp lý. Bạn đã bao giờ tự hỏi: “Vì sao ta đã quyết định có con?” và “Con cái thì thực sự phải thế nào với cha mẹ?”.

Đọc những bài viết về con gái, con trai, những nhắn nhủ vô cùng hài hước nhưng thấm thía trong phần Con gái bé bỏng và chàng lùn của tôi, chúng ta sẽ thấy chẳng có sợi dây nào có thể ràng buộc tình cha con chặt hơn sợi dây yêu thương một cách tự nguyện. Sự tự nguyện không đòi hỏi sự đối đãi lại hay thứ bậc khuôn phép. Nó cứ tự nhiên tìm đến nhau và ở lại gắn bó không tách rời. Những mẩu đối đáp hài hước của cha con anh cũng đủ cho ta thấy những ẩn ý mà anh luôn muốn hướng con mình đạt được. Sự giáo dục nhẹ nhàng mà sâu sắc để mọi thứ cứ thấm dần, tự nhiên như hơi thở.

{keywords}
 

Bài viết Làm văn hộ các con là một điển hình về sự giáo dục con gián tiếp mà vô cùng tinh tế. Anh không bắt con mình phải thế này phải thế kia mà anh chỉ muốn các con mình nhớ những gì tốt đẹp các con đã được hưởng từ cha mẹ, thầy cô. Nhớ có nghĩa là không quên và sẽ phải tự mình biết ơn cho những hy sinh ấy. Trẻ con vốn hay quên không để ý những gì chúng được hưởng, nên việc có người bên cạnh nhắc nhớ sẽ là những viên gạch vững chắc cho lòng biết ơn trên suốt con đường đời phía trước.

Còn với bản thân tác giả, những trải nghiệm cuộc đời cùng những lo toan hay lo lắng mơ hồ khi mỗi tuổi qua đi đã được anh khắc họa cực kỳ hài hước. Mọi “sĩ diện” được rũ bỏ nhẹ nhàng, trần trụi. Sự dũng cảm khi tự họa bản thân qua một loạt bức chân dung về mình mỗi khi đón tuổi mới vô cùng chân thật nhưng được anh tài tình trào phúng thành một tấm gương đa chiều để ai cùng lứa tuổi cũng có thể soi thấy mình thật nhất.

Tất cả cứ thế nhẹ nhàng, nhẩn nha được kể bằng sự sắc sảo pha chút hóm hỉnh đã lôi cuốn người đọc bằng những thân thương, bình dị không màu mè để mỗi người trong chúng ta như được chậm lại, ngẫm lại mình, nhìn lại con đường đã đi qua bấy lâu …

Khép lại cuốn sách là những chuyến đi anh đã cất công lên kế hoạch một cách kỹ lưỡng. Những chuyến đi không đơn thuần chỉ là du lịch thuần túy mà đó là những chuyến đi thật xa để trở về. Để thấy bản thân rõ nhất. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng cũng nhờ những so sánh ấy mà hình bóng tác giả hiện lên rõ nét nhất. Ẩn sâu trong nhiều tầng cảm xúc ấy là sựbiết người biết ta, biết nhún nhường, biết yêu thương đến tận cùng sâu thẳm. 

Chậm lại một chút thôi xứng đáng được đón nhận trong tủ sách của mỗi gia đình vì nó thực sự thuyết phục cho những ông bố bà mẹ và những đứa con đang loay hoay tìm cách xích lại gần nhau hơn …   

Hà Tùng

 Tác phẩm 'Đoàn binh Tây Tiến' giành giải Sách Quốc gia lần thứ ba

Tác phẩm 'Đoàn binh Tây Tiến' giành giải Sách Quốc gia lần thứ ba

Ngoài tác phẩm là tập di cảo văn xuôi của nhà thơ Quang Dũng trong hạng mục giải A Sách Quốc gia còn có 2 tác phẩm thuộc lĩnh vực y tế và lịch sử.