Trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi giao lưu với độc giả chủ đề: "Bảo vệ chủ quyền Biển đảo và trách nhiệm của chúng ta". Toạ đàm được phát trực tiếp trên trang book365.vn.

PGS, TS Nguyễn Chu Hồi là một nhà khoa học nặng lòng với biển đảo. Ông có nhiều công trình lớn nghiên cứu về khoa học và quản lý biển. Những đóng góp của ông đã giúp nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế hiểu đúng, hiểu sâu về biển đảo Việt Nam, góp phần tôn thêm giá trị của biển, đảo trong sự nghiệp phát triển của đất nước.

{keywords}
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi.

PGS.TS Chu Hồi chia sẻ, làm gì cũng phải có đam mê giống như thế hệ các ông cũng vậy. Phải có đam mê từ đó say mê mới có thể truyền cảm hứng cho lớp trẻ được.

“Tôi đi nhiều nơi và đối thoại với nhiều học sinh về chủ đề biển đảo, tôi chỉ có thể khuyên rằng, biển đảo và đại dương người ta xử lý như là 'di sản'. Nếu coi biển đảo và đại dương như di sản thì nó không khác gì của của để đời. Của để đời gìn giữ như thế nào lại tiếp tục là của tuổi trẻ chứ không phải việc của những người đầu bạc như tôi. Tình hình Biển Đông phức tạp, thông tin về Biển Đông nhiều chiều.

Vì vậy, giới trẻ muốn gìn giữ di sản thì phải hiểu đúng, phải tham khảo tài liệu chính thống. Mạng có nhiều tác động thông tin với chúng ta, nhất là giới trẻ, 1 phút có thể làm 1 triệu người hiểu đúng nhưng cũng có thể khiến 1 triệu người hiểu sai. Mình nên đối chiếu thông tin chính thức để có suy nghĩ đúng. Nhiều khi nói đến chính trị giới trẻ thường ngại, sợ nhạy cảm nhưng để có được nhạy cảm chính trị quan trọng lại vô cùng quan trọng thế nên chúng ta cần phải có sự hiểu biết”, PGS.TS Chu Hồi chia sẻ.

Ông chia sẻ, nhiều người hỏi tại sao chúng ta không được nổ súng trước những vấn đề căng thẳng ở Biển Đông? PGS Chu Hồi nói: “Chúng ta có quyền sử dụng vũ lực để bảo vệ chính đáng theo Hiến chương Liên hợp quốc quy định đối với các nước thành viên của LHQ. Nhưng chúng ta yêu hoà bình, chúng ta đã từng cầm súng để bảo vệ Tổ quốc rồi nên hiểu được tác giả của chiến tranh và giá trị của hoà bình, chúng ta không nổ súng trước chứ không phải chúng ta không được nổ súng”. 

Tại buổi toạ đàm, PGS.TS Chu Hồi chia sẻ thêm, Biển Đông luôn chiếm vị trí địa chiến lược quan trọng đối với khu vực và thế giới, chứa đựng các lợi ích không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, mà còn đối với phần còn lại của thế giới. Đặc biệt, đây là nơi tích tụ các lợi ích “vốn có” đối với các nguồn tài nguyên và giá trị môi trường, sinh thái biển; đối với tự do hàng hải, hàng không trong, qua và trên Biển Đông. Chính vì thế, Biển Đông đã trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng truyền thống của các nước, đặc biệt là các nước lớn trong lịch sử, đồng thời cũng đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng gia tăng đối với an ninh môi trường biển; an toàn, an ninh và tự do hàng hải, hàng không.

PGS.TS Chu Hồi đã có 46 cuốn sách tự viết và đồng tác giả được công bố trong và ngoài nước chủ yếu viết về chủ đề tài nguyên môi trường, quản trị biển đảo đại dương, bài học kinh nghiệm,... Tất nhiên theo ông, tuyên truyền về biển đảo có nhiều cách, sách chỉ là một trong số đó.

{keywords}
Sách An ninh môi trường và hoà bình ở Biển Đông của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi. 

“Không cần quá nhiều sách viết về biển đảo. Viết ít nhưng chất lượng, thậm chí một cuốn sách viết ra làm rung chuyển và thay đổi nhận thức. Chúng ta đa dạng hoá chủ đề không hẳn về chủ quyền biển đảo, có thể viết về nghề cá trên Đông, viết về nó sâu sắc thì nó cũng gắn được với chủ quyền biển đảo và nó cũng vạch được thâm ý của những quốc gia có tham vọng chủ quyền.

Hoặc là sách viết về môi trường biển, bản thân môi trường biển gắn với chủ quyền. Bởi vì khi viết chủ đề nhỏ như thách thức về môi trường biển thì một trong những thách thức đó rất lớn đó là tham vọng tranh chấp chủ quyền. Chưa nói tới chuyện hoà bình không được gìn giữ thì chiến tranh lại tác động cực lớn tới môi trường. Bản thân vũ khí, chưa kể tới vũ khí sinh học đã huỷ hoại môi trường rồi. Chúng ta tuyên truyền một cách khôn khéo, không hằn học. Dù con người phát triển tới đâu cũng cần có sách. Dù công nghệ phát triển tới đâu vẫn cần có con người điều hành. Con người muốn điều hành tốt công nghệ cần đọc sách”, PGS.TS Chu Hồi chia sẻ.

Tình Lê   

'Báo chí, xuất bản là vũ khí bảo vệ chủ quyền dân tộc'

'Báo chí, xuất bản là vũ khí bảo vệ chủ quyền dân tộc'

TS.Trần Công Trục khẳng định như vậy trong cuộc giao lưu với độc giả tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2020.