Ông Lê Hoàng chia sẻ, trong 30 năm từ khi ông làm việc ở NXB Trẻ đến nay là sự phát triển thần kỳ về đầu sách, lượng sách, độc giả lẫn sự cập nhật sách. "Năng lực tổ chức xuất bản phẩm của Việt Nam là bậc thầy trong khu vực", ông khẳng định trong tọa đàm thuộc khuôn khổ Ngày sách Việt Nam

{keywords}
Tọa đàm thu hút nhiều độc giả trẻ.

Các diễn giả nổi tiếng đọc gì?

Bà Nguyễn Phi Vân bắt đầu từ câu chuyện thói quen đọc ở người trẻ. Theo bà, nếu chỉ nói "đọc sách rất tốt, đọc sách rất bổ ích" thì người trẻ không bao giờ chịu đọc. Từ ý kiến sách cho con người sự tự do và vĩnh hằng của GS. Phan Văn Trường, bà Vân kể lại câu chuyện của mình ở một huyện nghèo tỉnh Lâm Đồng khi triển khai dự án Thư viện ước mơ

Tại đây, các bé đều là người dân tộc thiểu số, hầu như không đọc sách trừ truyện tranh. Các bé thích truyện Doraemon, thích những món bảo bối như cánh cửa thần kỳ. "Từ cuốn truyện Doraemon, tôi và các em mới có thể kết nối ra đời thực. Nhờ cánh cửa thần kỳ trong cuốn truyện, các em đã đi đến vô cùng những ước mơ như đến Đà Nẵng, Hà Nội... thậm chí là chinh phục Bắc Cực. Sự vĩnh hằng và vô cùng trong sách thầy Trường nhắc đến được biểu hiện một cách đời thường như vậy", bà nói. 

GS Trường kể trong một lần dọn đến nhà mới năm 8 tuổi, ông tìm thấy một vật còn sót lại là cuốn sách có tên Tâm hồn cao thượng (tác giả: Edmondo De Amicis). Cuốn sách cũ, rách, nhàu nhĩ nhưng in hằn lên tâm hồn ông khi đó và theo giáo sư suốt cuộc đời. Ông đã trung thành với nó như một "bảo vật mà bề trên trao xuống để chỉ đường cho mình".

Trong từng giai đoạn cuộc đời, diễn giả Nguyễn Phi Vân đọc những cuốn sách khác nhau. Tuổi thơ không được đi đâu xa, bà vẫn có thể chu du đến những xứ sở diệu kỳ trong cuốn Nghìn lẻ một đêm. Sau này lớn lên, bà đã đi khắp thế giới vì ước mơ hun đúc từ cuốn sách đọc thuở bé. Đến năm 30 tuổi đối diện những khủng hoảng, cuốn sách giúp bà Vân vượt qua giai đoạn ấy là Kim cang kinh - đến nay vẫn là sách gối đầu giường của bà. Gần đây, bà đọc cuốn Thành trì sáng tạo để đổi mới tư duy sáng tạo trong công việc.

Trong khi đó, thời trẻ, ông Lê Hoàng từng tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên nên đọc những cuốn Một vòng hoa cho người cách mạng, Phạm Duy đã chết như thế nào... để củng cố lý tưởng của mình thay vì đọc truyện Kim Dung như các sinh viên đồng trang lứa. Sau giải phóng, ông đọc các cuốn Xa Mạc Tư Khoa, Chuyện thường ngày ở huyện... Gần đây, ông tâm đắc nhất các cuốn Ikigai, 1 + 1 = 3 Để khát vọng dẫn lối.

GS Trường kết luận, sách cho người đọc thấy giới hạn mà mình chưa thể vượt qua. Càng đọc sách, ông càng thấy mình càng xa giới hạn ban đầu và không biết phía trước còn bao nhiêu thế giới mới lạ. Lý do con người vẫn đang sống và phát triển vì chúng ta không có giới hạn.

Cần đổi mới phương thức chuyển tải thông tin đến người trẻ

Diễn giả Nguyễn Phi Vân đặt vấn đề khoảng cách thế hệ tạo ra sự khác biệt về chuyển tải thông tin. Bà viết cuốn Nym cho lứa tuổi teen nhưng thực tế người đọc cuốn này nhiều nhất lại là người thành niên. Một bạn đọc nhỏ tuổi đã nói với bà rằng nhân vật trong Nym rất hay nhưng sách lại quá dày khiến bà suy nghĩ về một cách chuyển tải nội dung khác đến đối tượng thụ hưởng của mình.

Vì vậy, nên nhìn nhận rằng với công nghệ hiện nay, thông tin được chuyển tải qua rất nhiều kênh khác nhau mà sách chỉ là một kênh. Bà đang nghĩ đến việc chuyển cuốn sách in Nym sang truyện tranh, truyện dài kỳ trên ứng dụng hay công nghệ thực tế ảo. "Đã đến lúc chúng ta nên nghĩ về việc chuyển tải nội dung trong sách bằng nhiều kênh khác", bà nói. 


Các bạn trẻ đặt nhiều câu hỏi thú vị.

Diễn giả chia sẻ thêm: "Vì sao tôi phải mở 1.000 thư viện cho các trường tiểu học? Vì nếu không làm điều này sớm, các em đã lớn sẽ rất khó truyền cảm hứng. Nếu cuốn sách truyền thống khó tiếp cận các em, tôi sẽ sử dụng các kênh khác để chuyển tải thông tin. Và rồi một ngày nào đó, các em sẽ quay về với sách truyền thống thôi. Trong thế hệ này, công nghệ là kênh mà tôi tin có khả năng dẫn dắt tốt nhất các em đến với vị trí người tiếp quản giá trị truyền thống".

Trước câu hỏi về việc đọc kiến thức trên mạng, ông Lê Hoàng nói mỗi người có thể tìm thấy mọi thứ trên Internet nhưng thông tin mạng chưa chắc là kiến thức. "Chỉ sách mới cung cấp kiến thức vì người viết sách có trách nhiệm với xã hội. Tác giả sẽ chịu trách nhiệm về nội dung sách của mình trước bạn đọc nhưng không ai chịu trách nhiệm về thông tin trên Internet trước người dùng mạng cả. Người trưởng thành có thể đọc từ nhiều nguồn nhưng cần đặc biệt cẩn trọng khi con em chúng ta cầm lên chiếc iPad", ông nói. 

Bà Vân nói thêm, ngày xưa mình đọc sách vì cả nhà đều đọc. Bà khuyên cha mẹ, anh chị hãy đọc và kể lại câu chuyện trong sách cho con em của mình. Gia đình là môi trường đầu tiên truyền cảm hứng đọc cho trẻ nhỏ.

Đọc sách sao cho đúng?

Một bạn đọc hỏi: "Mỗi năm ngành xuất bản cho ra 37.000 đầu sách mới, nên chọn đọc gì?" Bà Nguyễn Phi Vân đưa ra lời khuyên hãy đi từ chính nhu cầu thực tế của mình, xác định mình cần gì rồi hãy đi tìm cuốn sách đáp ứng nhu cầu ấy. 

Nhiều bạn đọc trẻ hoang mang khi đọc sách vì lo sợ bị tư tưởng trong sách dẫn dắt vô thức; hoặc thực trạng quan điểm, kiến thức trong các cuốn sách "đá" nhau và bị phản biện trên các diễn đàn. Họ có cùng câu hỏi: "Đọc sách thế nào cho đúng?".

{keywords}
Các diễn giả ngồi nán lại thêm giờ để giải đáp thắc mắc của người đọc trẻ.

Bà Nguyễn Phi Vân nói: "Sách là một kênh thông tin nhưng tư duy, lựa chọn, quyết định và phản biện đều là do chính bạn".

Theo ông Lê Hoàng, mỗi người có thể bạn bè hoặc nhóm cùng đọc để thảo luận về sách đã đọc. Mặt khác, người đọc cần trải nghiệm, làm giàu vốn sống để tăng thêm nội lực cho mình. Vì người đọc càng giàu vốn sống sẽ càng thấy sách hay. Ông kể về người bạn mình là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM đọc cuốn Tam quốc chí ở tuổi 15, tuổi 22 và đến bây giờ đọc lại càng thấy hay, mới lạ. 

GS Trường cho rằng khi đọc đến một mức nhất định, bạn đọc sẽ là trọng tài của những cuốn sách mình đọc. Ông khuyên bạn đọc nên tìm những cuốn sách được viết từ chính trải nghiệm thật của tác giả. 

"Thời nay, có rất nhiều người viết sách nhưng chưa bao giờ trải nghiệm những gì mình viết. Nhưng họ lại có đủ mánh khóe để tạo ra sức hút cho sách của mình. Vì thế, sách của người chưa trải nghiệm thường nổi tiếng hơn sách của người từng trải. Nhưng những cuốn ấy lại không có mảnh sự thật chúng ta cần.

Theo tôi, chúng ta chỉ cần đọc 4-5 cuốn sách chứa giá trị thật mà người từng trải gửi gắm sẽ thấy chân lý cuộc đời không hề xa vời, phức tạp. Trái lại, triết lý của người viết hòng bán sách rối ren kinh khủng. Họ sẽ mô hình hóa, phức tạp hóa và thêm vào đủ chiêu trò nhằm khiến bạn thấy mình không biết gì. Thực tế, những sách giúp tôi tìm ra chân lý chỉ có 2 - 3 cuốn như kinh Phật, kinh thiền và kinh Chúa. Triết lý trong ấy sống vừa đơn giản vừa vô cùng", giáo sư cho biết. 

GS Trường nói thêm, không gì đẹp bằng việc tặng sách cho nhau vào các dịp trong năm. Người nhận sách sẽ nhận ra thông điệp, những giá trị tinh thần vĩnh viễn hàm chứa trong cuốn sách của người tặng. 

Bài và ảnh: Gia Bảo

Giới thiệu hàng loạt sách mới chào mừng ngày sách Việt Nam

Giới thiệu hàng loạt sách mới chào mừng ngày sách Việt Nam

Nhân Ngày Sách Việt Nam 21/4, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt một loạt sách mới phục vụ bạn đọc cả nước.