{keywords}

Có một điểm tương đồng giữa đa số những cuốn sách ít nhiều có giá trị về chủ đề rèn luyện bản thân. Đó là chúng không chỉ thuần túy máy móc truyền đạt những điều (thường có dụng ý tốt) mà tác giả khuyên người đọc nhất nhất làm theo, mà khơi gợi cho người đọc những điều nên hướng tới, gợi mở cho họ tự tìm phương cách thích hợp nhất với bản thân để đạt tới điều đó. Có thể xếp “Quốc gia tỉnh thức” (A mindful nation) của Tim Ryan vào loại này.

Điều thú vị bất cứ độc giả nào cũng lập tức nhận ra khi lướt nhanh qua cuốn sách là sự giản dị của nó. Tác giả chỉ nhấn đi nhấn lại một thông điệp duy nhất: dù bạn là ai, dù bạn làm gì, duy trì sự tỉnh táo của tinh thần sẽ là điều kiện tối cần thiết để không những bạn trở thành một người tốt hơn, mà những gì bạn làm cũng hữu ích hơn, cho chính bạn, cho mọi người.

Nghe không có vẻ gì là quá đột phá, quá mới mẻ. Nhưng đúng như tác giả Tim Ryan đã chỉ ra trong “Quốc gia tỉnh thức”, những gì tốt đẹp nhất con người mong ước từ xưa đến nay vốn chẳng có gì mới mẻ: Ai cũng muốn mình là một con người lành mạnh, cường tráng về cả thể chất lẫn tinh thần - Mens sana in corpore sano -  như câu ngạn ngữ Latinh đã tồn tại từ bao thế kỷ qua vẫn nói. Ai cũng muốn sống trong một quốc gia hùng cường, bình yên, nơi mọi người có cơ hội truy cầu hạnh phúc, thành đạt. Và tác giả cũng chỉ ra luôn trong cuốn sách có ngôn ngữ khá bình dị của mình: Để ước mơ đó không chỉ nằm trong trí tưởng tượng mà ít nhiều hiện thực hóa trong đời sống, mỗi con người cần nỗ lực để cải thiện chính mình, mỗi quốc gia cũng tương tự.

Là một chính khách Mỹ, đương nhiên Tim Ryan có cách tiếp cận khá đậm màu sắc từ góc nhìn chính trị gia. Từ sự quan ngại về tình hình thực tế và những nguy cơ tụt lùi trong tương lai nước Mỹ phải đối diện, tác giả đã đề xuất rằng điều quan trọng nhất để đảo ngược lại quá trình này là đảo ngược quá trình tiêu cực hóa đang diễn ra trong mỗi con người. Khi mỗi người ít hướng tới những điều cao đẹp, lành mạnh hơn, bị thao túng nhiều hơn bởi lợi ích ngắn hạn, bị bào mòn bởi những lo toan không hồi kết... vòng xoáy tiêu cực này sẽ làm thoái hóa mỗi cá nhân cả về tinh thần lẫn thể chất, với hệ lụy không thể tránh khỏi ở quy mô rộng lớn hơn cho cộng đồng, thậm chí cho cả dân tộc, quốc gia hay xã hội loài người nói chung.

Bởi thế, theo Tim Ryan, làm lành mạnh, tỉnh táo bản thân là một nhu cầu có thật và đem lại lợi ích có thật cho mỗi con người, chứ không phải chỉ là những khái niệm phù phiếm, những lời đại ngôn trống rỗng. Mỗi chúng ta cần lành mạnh, tỉnh táo bởi điều đó có lợi cho chính mình, cho những người chúng ta quan tâm, yêu mến, cho những giá trị chúng ta trân trọng. Tích cực sẽ sinh ra tích cực, và đến cuối cùng chúng ta sẽ nhận được những phản hồi tích cực từ mọi phía như thành quả cho sự tích cực chúng ta đã tạo nên và làm lan tỏa.

Để cổ vũ và cấp động lực cho người đọc, tác giả đã chỉ ra trong cuốn sách của mình những đánh giá khoa học về lợi ích của sự “tỉnh thức” – khái niệm được Tim Ryan dùng với nội hàm chỉ một trạng thái tinh thần sáng suốt, lành mạnh, tích cực được duy trì liên tục thông qua việc rèn luyện tinh thần một cách có ý thức – trong việc nâng cao tình trạng thể chất, trí tuệ của con người. Thêm vào đó, tác giả chỉ ra rằng, dưới hình thức này hay hình thức khác, sự “tỉnh thức” có thể được rèn luyện một cách hết sức tự nhiên từ khi còn nhỏ, và càng được hình thành sớm, sự “tỉnh thức” càng dễ bắt rễ vững chắc trong nội tâm con người để định hướng cho sự hình thành nhân cách, phát triển thể chất. Đó là lý do sau khi đưa ra một vài mối liên hệ giữa “tỉnh thức” và sức khỏe, năng lực thể chất, tinh thần của con người, Tim Ryan đã khởi đầu phần chính yếu của cuốn sách “Quốc gia tỉnh thức” bằng nhấn mạnh với các độc giả là những người làm cha mẹ giá trị của “tỉnh thức” trong việc giúp con cái họ hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn cũng như vai trò quan trọng của chính họ trong thúc đẩy, tạo điều kiện cho quá trình này diễn ra thuận lợi nhất có thể.

Kế đến, tác giả chỉ ra những hệ quả tích cực lớn lao mà việc duy trì trạng thái “tỉnh thức” của mỗi cá nhân, một khi đạt được ở quy mô rộng lớn, có tổ chức, sẽ đem đến cho các vấn đề tối quan trọng và đang là bài toán nan giải nước Mỹ cần nhanh chóng cải thiện một cách thực chất, sâu rộng. Đó là hệ thống y tế, xương sống của việc duy trì phúc lợi thiết yếu phục vụ xã hội dân sự. Đó là quân đội, nền tảng quan trọng đề duy trì vị thế siêu cường và bảo vệ an ninh, quyền lợi quốc gia của nước Mỹ. Đó là nền kinh tế, trái tim tạo ra nguồn sống, sức mạnh tổng thể của nước Mỹ và cuộc sống thịnh vượng cho mỗi người dân Mỹ. 

Tim Ryan cũng chỉ ra sự khác biệt của giải pháp “tỉnh thức” này so với những ý tưởng cải cách khác. Con người tích cực, lành mạnh sẽ dẫn tới gia đình tích cực, lành mạnh. Tỉnh thức không đòi hỏi sự đầu tư tiền bạc tốn kém, hay phương tiện công nghệ tối tân, vượt trội nào. Nó chỉ đòi hỏi duy nhất sự cải biến nội tại của mỗi người một cách lành mạnh, tích cực. Về bản chất, đó là quá trình thức tỉnh các giá trị nội tại của mỗi con người, đem đến động lực thúc đẩy, khao khát muốn sống có ích, muốn cống hiến cho lợi ích cộng đồng một khi đã nhận thức được phần lợi ích của bản thân trong lợi ích chung.

Như đã nói, là một chính khách Mỹ, Tim Ryan viết cuốn sách này cho các công dân Mỹ, hướng tới các vấn đề của nước Mỹ, người Mỹ. Song bất cứ ai khi đọc “Quốc gia tỉnh thức” cũng có thể tìm thấy từ cuốn sách này những bài học thực tế có thể áp dụng cho bản thân để mỗi người sống tốt hơn, có ích hơn cho chính mình, cho những người thân yêu quanh mình, và rộng hơn, cho dân tộc, cho tổ quốc.

Dịch giả Lê Đình Chi

Tốc độ của Niềm tin

Tốc độ của Niềm tin

“Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” là câu tục ngữ quen thuộc mà không mấy người Việt Nam không biết.